Dưới đây là 10 bộ phim (theo tiến trình thời gian) với những bước tiến mạnh mẽ nhất trong cuộc cách mạng hình ảnh:
1. “Tron” - bộ phim đầu tiên sử dụng hiệu ứng hình ảnh
“Tron” (1982) không phải một bộ phim đặc sắc nhưng nó là bộ phim đi tiên phong trong việc sử dụng công nghệ trong làm phim điện ảnh. Đây là bộ phim đầu tiên sử dụng công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI), giúp hiện thực hóa những cảnh quay tưởng như bất khả thi trong thực tế, nhưng hoàn toàn khả thi với sự hỗ trợ của máy tính và công nghệ.
Một điều thú vị là dù đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào quá trình làm phim, nhưng “Tron” đã không nhận được giải Oscar ở hạng mục Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc.
2. “Terminator 2: Judgement Day” mạnh tay chi 5 triệu đô la cho hiệu ứng hình ảnh
“Kẻ hủy diệt 2: Ngày phán xét” (1991) là phần thành công nhất trong loạt phim “Kẻ hủy diệt”, bởi ở phần này, những hiệu ứng hình ảnh CGI được sử dụng rất đắc địa. Trong phim, chỉ có ít cảnh sử dụng hiệu ứng, nhưng nhà sản xuất đã phải chi hơn 5 triệu đô la (hơn 106 tỉ đồng) và phải mất tới hơn 10 tháng mới có thể hoàn tất những cảnh này. Phim không chỉ thành công về mặt doanh thu mà còn giành được giải Oscar ở hạng mục Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc.
3. Bốn phút hiệu ứng hình ảnh trong “Jurassic Park” là cả một cuộc cách mạng
“Công viên kỷ Jura” (1993) đã khiến những chú khủng long sống dậy trên màn ảnh. Đạo diễn Steven Spielberg đã sử dụng mô hình khủng long để tạo nên chiều sâu và độ chân thực cho bộ phim, sau đó, lồng ghép các hiệu ứng hình ảnh để các mô hình trở nên sống động. Ngoài ra, phim còn chứng kiến những đột phá về hiệu ứng âm thanh. Phim thành công cả về mặt doanh thu và nghệ thuật, nhận được giải Oscar ở hạng mục Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc.
4. “Toy Story” là bộ phim đầu tiên sử dụng hoàn toàn hiệu ứng hình ảnh
“Câu chuyện đồ chơi” (1995) là bộ phim đầu tiên hoàn toàn sử dụng hiệu ứng hình ảnh, mỗi cảnh trong phim đều cần tới hàng tiếng đồng hồ thực hiện. Bộ phim đã đánh dấu mốc đầu tiên, định hình cho thể loại phim hoạt hình về sau.
5. “The Matrix” và hiệu ứng hình ảnh siêu chậm
“Ma trận” (1999) khiến người xem sửng sốt bởi hiệu ứng hình ảnh siêu chậm được sử dụng trong những pha hành động ngoạn mục. Khi một viên đạn được bắn ra, giờ đây, người ta có khả năng ghi lại đường bay của viên đạn. Với hiệu ứng mới này, người ta có thể ghi lại chuyển động của vật thể với tốc độ siêu chậm so với tốc độ diễn ra trong thực tế.
6. “Gladiator” tái hiện đấu trường La Mã và làm sống lại một diễn viên quá cố
“Võ sĩ giác đấu” (2000) là bộ phim sử thi đầu tiên có thể tái hiện vẻ đẹp huy hoàng của Rome trong những năm tháng huy hoàng của Đế chế La Mã. Đạo diễn Ridley Scott đã làm sống dậy cả một đấu trường La Mã cổ đại với vẻ rực rỡ, huy hoàng, sống động, chân thực nhất.
Tuy vậy, quá trình sản xuất bộ phim còn gặp khó khăn hơn gấp bội khi nam diễn viên Oliver Reed bất ngờ qua đời trước khi bộ phim đóng máy. Vì vậy, đoàn làm phim phải tìm cách “làm sống dậy” nam diễn viên trên màn ảnh để hoàn tất những cảnh quay cuối cùng.
Hiệu ứng hình ảnh của phim đã được nâng lên một tầm cao chưa từng đạt tới trước đó, khi nam diễn viên tiếp tục xuất hiện trong những phân cảnh còn chưa được bấm máy. Tổng thời lượng những cảnh này chỉ vào khoảng 2 phút. Đương nhiên, cái giá để đạt được “phép màu” này không hề rẻ, lên tới 3,2 triệu đô la (68 tỉ đồng).
7. Khái niệm mới về diễn xuất trong “The Lord of the Rings”
Diễn viên CGI là những diễn viên đóng góp cho nhân vật giọng nói, hình thể, động tác, biểu cảm… Chỉ có một yếu tố duy nhất không xuất hiện trên màn ảnh, đó là gương mặt của người diễn viên, bởi họ thường sẽ được tạo hình trở thành những nhân vật siêu thực.
“Chúa nhẫn” là sản phẩm điện ảnh đầu tiên kết hợp diễn xuất của diễn viên với hiệu ứng CGI, khiến nhân vật vừa chân thực về động tác, biểu cảm vừa có được ngoại hình siêu thực. Ban đầu, nam diễn viên Andy Serkis chỉ được giao lồng tiếng cho nhân vật Gollum, nhưng sau khi quan sát thấy cách biểu cảm của Serkis trong quá trình lồng tiếng quá đặc biệt, ê-kíp làm phim đã quyết định đưa anh lên màn ảnh.
Serkis sẽ mặc một bộ đồ đặc biệt, ghi lại động tác của từng chuyển động trên cơ thể. Những động tác này sẽ được ghép vào tạo hình nhân vật Gollum trên màn ảnh, nghĩa là hình ảnh của Gollum sẽ được “chèn” lên cơ thể Serkis. “Chúa nhẫn” là bộ phim đi tiên phong trong công nghệ mới này.
8. “Sky Captain and the World of Tomorrow” hoàn toàn quay trên phông xanh
“Thống soái bầu trời” (2004) không đem lại một thành công rực rỡ, nhưng nó vẫn được nhìn nhận là bộ phim mang đầy tính cách mạng, bởi đây là bộ phim đầu tiên được quay hoàn toàn trên phông xanh. Trong phim, luôn có sự xuất hiện của những robot khổng lồ tung hoành trên mặt đất, vì vậy, đòi hỏi từng cảnh quay đều phải sử dụng kỹ xảo.
9. Avatar” lập kỳ tích tại giải Oscar
“Avatar” (2009) đã sử dụng hoàn toàn công nghệ CGI để tạo nên những cảnh vật và nhân vật siêu thực. “Avatar” đã trở thành bộ phim đầu tiên sử dụng vô số hiệu ứng hình ảnh nhưng vẫn nhận được giải Quay phim xuất sắc nhất tại giải Oscar.
10. “Inception” kết hợp hiệu ứng hình ảnh và diễn xuất chân thực
“Kẻ cắp giấc mơ” (2010) - phim của đạo diễn Christopher Nolan - đã được đề cử Phim xuất sắc nhất tại giải Oscar. Phim có những cảnh quay gây sửng sốt, kết hợp cả hiệu ứng hình ảnh và diễn xuất chân thực của diễn viên.
Những cảnh quay thách thức các quy luật vật lý, đã đòi hỏi một sự tính toán chi tiết về từng chuyển động, từng góc máy, ánh sáng… Tất cả những yếu tố này đã được ê-kíp thực hiện hoàn hảo, giúp đem lại cho phim giải Oscar cho Quay phim và Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất.