Dạo này tôi đen quá! Phang lô trượt lô, phang bóng xịt bóng. Mà không trượt theo kiểu thẳng cẳng đâu, toàn trượt cái kiểu co quắp áp sát. Tức tôi phang 69 thì nó về 68, chấp nửa quả thì nó lại đổ hòa, mà toàn hòa mấy phút bù giờ. Dân cờ bạc có câu: “Đen không phải là xịt, mà đen là nằm sít sìn sịt vẫn không được thịt”. Tình trạng này kéo dài cả tháng, nên tôi quyết định đến gặp thầy Sang, nhờ thầy xem cho. Thầy Sang thắp hương khấn vái lầm rầm rồi nhìn tôi bằng cặp mắt gà gà, dài dại, giọng đầy quan ngại:
- Con đang bị sao Thái Giám chiếu thẳng trên đỉnh đầu, nếu không giải sớm thì cái hạn sẽ chưa chịu dừng lại đâu!
- Dạ! Giải bằng cách nào hả thầy? – Giọng tôi đầy lo lắng!
- Thái Giám là hoạn quan, mà hoạn quan thì kỵ nhất cái chuyện ái ân, chăn gối!
- Nghĩa là con sẽ làm chuyện chăn gối để giải đen?
- Đúng rồi! Nhưng phải làm với sự hào hứng say mê, chứ không được làm cho xong chuyện, không được làm vì trách nhiệm, bởi như thế sẽ mất linh.
- Dạ! Thế thì không thể làm với vợ con được rồi! Mà ở ngoài thì biết tìm đâu bây giờ?
- Lo gì! Con xuống Quất Lâm hoặc Đồ Sơn. Đầy! Ở đó giá cả phải chăng mà dịch vụ cũng tốt lắm! Nhưng cái này liên quan đến tâm linh, không thể đi bừa, mà phải chọn theo mệnh, theo tương khắc! Con mệnh gì nhỉ?
- Mệnh Mộc ạ!
- Vậy con nên đi Quất Lâm, không nên đi Đồ Sơn!
- Tại sao ạ?
- Lâm là rừng, Sơn là núi. Con mệnh Mộc, tức là cây. Cây thì về rừng là đúng rồi, chứ lên núi, nhất là Đồ Sơn toàn núi đá vôi, thì cây sẽ héo, héo thì lấy đâu ra dụng cụ mà giải đen nữa?
- Dạ vâng!
- Chưa hết! Vì mệnh Mộc, là cây, nên con phải chọn những đứa cave có mệnh Thủy, tức là nước, hoặc mệnh Thổ, tức là đất. Cây phải gặp đất và nước mới lên được, chứ gặp mệnh Hỏa, nó đốt cho con khét lẹt, trụi lủi, không còn sợi nào luôn! Thêm nữa, con phải tìm cái phòng nghỉ có ban công hướng ra biển, giường phải đặt bên cửa sổ và cửa sổ phải mở toang để hứng tinh khí của đại dương. Nên tiến hành vào buổi sáng cho nó dịu mát, bắt đầu khởi động vào lúc 8 giờ và thoái trào vào khoảng sau 11 giờ trưa là đẹp!
Tôi ghi chép lại tỉ mỉ những lời thầy Sang dặn rồi sáng hôm sau dậy sớm hăng hái lên đường. Còn gần cây số nữa mới tới Quất Lâm nhưng tôi đã thấy mát dịu bởi những cơn gió trong lành mang theo hơi biển phả vào mặt mơn man; đã thấy ràn rạn vị mặn mòi của muối, vị tanh nồng của cá, và tất nhiên là cả vị nước hoa, son phấn – thứ mùi vị đặc trưng của ngành công nghiệp không khói nơi đây; và tất nhiên, đã thấy những nhà nghỉ, những lều, những quán san sát, dập dìu.
Rất vất vả tôi mới tìm được một chỗ đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu mà thầy Sang đã đưa ra, tức là phòng có ban công hướng ra biển, giường bên cửa sổ, và phải có cave mệnh Thủy hoặc Thổ.
Bà chủ quán nghe xong yêu cầu của tôi thì dẫn ra 2 em khá xinh xắn: một Thủy, một Thổ. Chết cha! Quên không hỏi thầy Sang là 2 mệnh đó thì mệnh nào tốt hơn. Thôi, chắc ăn nhất là cứ cho cả hai em vào luôn. Nhưng cũng vì cái tính cẩn thận, chắc ăn đó nên khi xong việc, tôi gần như bị kiệt sức, tay chân bải hoải, rã rời. Tôi chưa vội ra xe về ngay mà khoác ba lô lên vai, đi bộ men theo bờ biển rồi ngồi nghỉ trên một bãi đá lô nhô gần cuối bãi. Tôi muốn nhờ gió biển thổi bay giúp tôi những mệt mỏi, muốn tinh khí của đại dương bao la bù đắp lại những sinh lực vừa hao hụt trong tôi…
Cách chỗ tôi một quãng là một chị với vẻ khá lam lũ, vất vả, đang khom khom, chổng mông, tay móc sâu xuống dưới bùn cát, luồn tận vào cả những hốc đá để mò mẫm thứ gì đó, chính xác hơn là con gì đó. Mỗi khi mò được một con, chị lại giũ rửa nó thật sạch rồi bỏ vào cái chậu nhựa mang theo bên mình. Tôi ngó vào chậu và thật không thể biết đó là con gì, chỉ biết nó dài dài, tròn tròn, và cái đầu vểnh lên cứng ngắc…
- Con gì mà lạ thế chị nhỉ?
- Chú không biết à? Đây là con cứng ngắc!
- Dạ! Chị mò để làm gì?
- Để bán! Ăn con này bổ lắm đấy! Đàn ông ăn thì tăng cường sinh lực, đàn bà ăn thì bền bỉ, dẻo dai. Chị chủ yếu bán cho mấy đứa cave quanh đây! Chúng nó ăn cái này vào mới có sức mà tiếp mỗi ngày mấy chục khách chứ! Kia kìa, vừa nhắc mà chúng nó đã ra rồi…
Tôi quay lưng lại. Đúng là có mấy em cave đang tíu tít chạy tới. Một em trong nhóm cầm cái chậu nhựa của chị lên xóc xóc…
- Chỗ này bao nhiêu?
- Cho chị xin 5 chục!
- Khiếp! Có tí thế này mà đòi 5 chục! Ba chục thôi?
- Độ này khó mò em ạ! Chị chổng mông móc suốt từ sáng đến giờ mới được ngần ấy đấy!
Một em khác thấy vậy thì có vẻ xuề xòa:
- Thôi! Trả chị ấy 5 chục đi! Coi như giúp chị!
- Sao phải giúp? Chị ấy chổng mông thì chúng mình cũng phải chổng mông chứ có khác gì?
- Khác chứ! Chị ấy chổng mông và tự tay móc, còn chúng mình chổng mông cho thằng khác móc. Thôi, có 5 chục bạc, đáng bao nhiêu! Chửa bằng tiền bo của một thằng khách kibo.
Mấy em cave trút cái chậu cứng ngắc vào bao ni-lông rồi rút tờ 50 nghìn ra đưa như ném vào tay chị. Không biết vì người đưa lơ đễnh, hay người nhận hớ hênh, mà tờ tiền lại rơi xuống, gió biển thổi nó lăn mấy vòng trên bãi cát bùn sình lội, tờ tiền loang lổ, lấm lem.
Nhìn cảnh ấy, tôi lại chợt nhớ đến cái khái niệm sạch và bẩn của đồng tiền. Có thể đó là đồng tiền boa của một khách làng chơi mà mấy em cave vừa kiếm được. Giả sử khách làng chơi ấy là một tay quan tham ô, và đây là tiền hắn vừa được hối lộ, thì hẳn đó là tờ tiền bẩn, dù rằng nhìn bề ngoài nó mới cứng, thơm tho, được để trong những chiếc ví hàng hiệu, cất trong những túi áo vest tiền triệu. Khi được chuyển qua tay mấy em cave thì tôi cũng không chắc tờ tiền đó có còn bẩn nữa không, bởi dù sao những em cave ấy cũng không đi ăn cắp, không nhận hối lộ, mà họ phải chổng mông, phải nhăn mặt, phải cắn răng mới có được nó. Nhưng rồi đến khi tờ tiền loang lổ, lấm lem bởi lăn vài vòng trên bùn cát sình lầy và đến với bàn tay gầy guộc, đen đúa đầy những vết sứt sẹo, cáu bẩn của chị gái lam lũ ấy thì nó chắc chắn là đồng tiền sạch, thì nó đã là sức lao động, là mồ hôi, là những buổi còng lưng, là những ngón chân tím sưng vì ngâm nước, vì giẫm phải những con hà sắc nhọn nằm nham nhở, ngổn ngang trên cát…
Chị nhặt tờ tiền, quệt quệt lên áo cho khô mấy vệt cát bùn lem luốc rồi buông tiếng thở dài…
- Buồn lắm chú ạ! Cùng là đàn bà mà chúng nó chổng mông một lúc bằng chị chổng cả tuần!
- Nhưng các cô ấy phải chổng cả ngày cả đêm, còn chị thì tối lại được nghỉ ngơi, thanh thản! – Tôi an ủi.
- Ai bảo là chị được nghỉ? Ban ngày vì miếng cơm nên phải chổng mông, tay mò con cứng ngắc. Ban đêm thì vì chiều chồng nên lại tiếp tục chổng, và cũng lại mò con cứng ngắc.
Nói đến đây, mắt chị đỏ hoe, ướt nhòe…
- Chị khóc đấy à? – Tôi hỏi.
- Không! Bụi bay vào mắt chứ chị đâu khóc đâu!
- Chị nghĩ ngợi nhiều mà làm gì! Ở đời, nhìn lên thì tất nhiên sẽ thấy người hơn mình, sao không thử nhìn xuống mà thấy rằng mình còn sướng hơn vạn người. Chị, dù chổng mông không được nhiều tiền như mấy em cave, nhưng dù sao cũng vẫn có tiền. Còn như em đây, dẫu không chổng mông nhưng cũng còng lưng, sưng đầu gối, vật vã, kiệt sức, thế mà có được đồng nào đâu? Còn bị mất thêm tiền nữa ấy!
- Ừ, nói vậy chứ chị biết ơn mấy em cave ấy lắm! Ngày trước mò xong còn phải lo mang ra chợ bán. Bán ế thì ngày hôm sau con cứng ngắc sẽ thành con ỉu xìu, rồi chết thối, lại đổ đi, mất công toi. Nhưng giờ, có cave tụ tập về đây thì cứ mò xong là bán luôn, bán ngay tại bãi, khỏi mang ra chợ, khỏi lo ế! À, mà quên chưa hỏi, chú có công việc gì mà ghé Quất Lâm vậy?
- Dạ! Em đi công tác ạ!
- Công tác cái con khỉ! Đá phò thì cứ bảo là đi đá phò, sao phải ngại! Chị rất cảm ơn những người như chú, bởi nếu không có những người như chú thì sẽ không có cave ở vùng này! Chú đi đá phò là đang làm việc thiện đấy! Đừng mặc cảm!
Tôi nghe lời chị nói mà mát lòng mát dạ, và tinh thần phấn chấn, vui vẻ lắm! Ai mà chẳng vui khi biết mình vừa làm được việc thiện, vừa giúp ích được cho đời. Các cụ có câu (mà chẳng biết có phải của các cụ hay không nữa) rằng: “Cứu một mạng người bằng xây bảy tòa tháp”. Tôi đây tuy chưa cứu người nhưng cũng giúp người, vậy chắc cũng phải xây được khoảng một hai tòa gì đó. Thế thôi, mình sức yếu, tài mọn, xây được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Lần này về, tôi sẽ ra sức vận động, khích lệ và lôi kéo bạn bè, anh em, họ hàng xuống Quất Lâm làm việc thiện. Mỗi người sẽ là một anh thợ đóng gạch, góp những viên gạch nhỏ bé của mình để xây lên không chỉ bảy tòa mà bảy chục, bảy trăm tòa, cho nó thành tòa nhà cao nhất thế giới, vượt qua cả cái tòa nhà gì đó ở Dubai nữa!
Tôi xách ba lô lên và đi ra xe. Bên tai vẫn nghe tiếng gió biển mặn mòi, hiền hòa như hát; tiếng sóng biển rì rào, êm ả như ru; và cả cái giai điệu quen thuộc quyện trong tiếng nhạc réo rắt, du dương phát ra từ một quán lá đâu đây. Tôi nhận ra đó là ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Đồ Sơn, với phần trình bày của ca sĩ Khánh Cốc:
“Sống trong đời sống cần có một cái lồng.
Để làm gì em biết không?
Để bắt…lũ chim…
Để nhốt…lũ chim…”