AO ANH

Posted on at


"Ảo ảnh"
Sáng tác: Y Vân; Trình bày: Lệ Quyên 
"Những ân tình em đong bằng nước mắt
Khóc cho đầy hai chữ tình yêu
Phấn hương nồng anh xem tựa tấm áo
Đã thay màu ân ái từ lâu..."
Nhạc sĩ Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng tân nhạc Việt Nam. Sinh ra tại Thanh Hoá, lớn lên ở Hà Nội và phát triển sự nghiệp âm nhạc tại Sài Gòn, có thể nói một người đã từng sống ở cả ba miền Bắc Trung Nam, với số phận không may mắn (mồ côi, nghèo khó) như ông hẳn phải từng trải rất nhiều mới viết nên được những bản tình ca bất hủ. Thoáng nghe tên ông nhiều người tưởng tên con gái, nhưng thật ra nó có nghĩa là "yêu Vân", ý chỉ cô Tường Vân tức người yêu đầu của ông. Y Vân chuộng dòng nhạc chachacha, disco nên các nhạc phẩm của ông đều mang một nét cách tân khá mới mẻ trong nhạc vàng. Những tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như "Ngăn cách", "Lòng mẹ", "Xa vắng"... Ông đã viết bài "60 năm cuộc đời" và cũng hưởng dương đúng 60 tuổi, quả là một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên.
"Ảo ảnh" và "Ngăn cách" là hai tác phẩm của Y Vân mà tôi đặc biệt yêu thích. Tôi có đọc được tiểu sử của bài "Ảo ảnh" này và thấy rất cảm thương cho cô gái trong bài hát. Xin chép lại đây để mọi người cùng biết.
Một buổi trưa năm 1965, từ đài phát thanh, Y Vân dắt xe máy ra cổng chuẩn bị về thì có một chú bé chạy đến mời anh vào quán nước cạnh đấy. Nơi đây, một thiếu nữ khá xinh ngồi chờ sẵn, chú bé giới thiệu đó là chị của mình, tên Huyền, đang là sinh viên Ban Việt-Hán, Đại học Văn khoa Sài Gòn. Huyền có đôi mắt to, đen và buồn. Trên bâu áo của nàng có chít một mảnh tang đen. Y Vân cố nhớ lại xem mình đã gặp cô gái này ở đâu chưa, nhưng chịu thua. Theo phép xã giao anh ngỏ lời chia buồn. Nhưng cô gái lắc đầu, buồn bã: “Em đâu có người thân nào qua đời. Mảnh tang này là dành cho mối tình của em đó!”. Y Vân sượng sùng, anh cũng manh nha đoán rằng phải có một điều bí ẩn gì đó mới khiến cô gái này vượt qua nỗi e dè thường thấy của phái nữ, không ngại điều thị phi để đánh bạo gặp anh, nhưng cũng khó mở miệng để hỏi, đành chỉ ngồi nói chuyện bâng quơ một lát rồi viện cớ cáo từ.
Hai hôm sau, Y Vân tìm đến nhà Huyền theo địa chỉ cô đã cho. Đó là một căn nhà vách gỗ đơn sơ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ nằm bên chiếc ao rau muống trong con hẻm đường Trương Minh Giảng (gần chợ Phú Nhuận bây giờ). Huyền không có nhà nhưng cậu em trai đã thổ lộ với chàng nhạc sĩ những điều thầm kín của chị mình. Chú bé cho biết họ là con của một địa chủ tiếng tăm ở Long An, được gia đình gửi lên Sài Gòn trọ học. Huyền rất thích âm nhạc và ca hát, đặc biệt là thích nhạc của tác giả Y Vân. Những cuốn vở học trò của Huyền cũng được cô kẻ khung, chép nhạc (hầu hết là nhạc của Y Vân). Tiền gia đình gửi lên để Huyền hoàn tất chương trình cử nhân Văn khoa lại được nàng đem đóng học phí vào… lớp dạy đàn Tây Ban cầm. Suốt ngày Huyền chỉ ôm đàn và hát nhạc Y Vân.
Việc học bê trễ, mấy năm liền chẳng đậu thêm được chứng chỉ nào. Thấy vậy, ông bố đã bắt hai chị em về quê, ép gả Huyền cho một anh trung úy hải quân. Huyền quyết liệt từ chối. Bẽ mặt với nhà trai, ông bố đăng báo từ con. Huyền đau khổ, trút tâm sự với em trai rằng đã yêu nhạc sĩ Y Vân. Sau khi bàn tính, hai chị em trốn nhà lên Sài Gòn, Huyền phải tìm việc làm để mưu sinh và nuôi hy vọng có ngày sẽ được cùng người trong mộng kết tóc se tơ. Sau nhiều lần dò hỏi, biết chắc nhạc sĩ Y Vân đã có gia đình, Huyền làm một mảnh tang đen, luôn đeo nó trên bâu áo.
Nhưng lòng nàng lúc nào cũng tơ tưởng đến nhạc sĩ tài hoa. Nàng đã nhờ em trai tìm cách cho nàng gặp anh để nói với anh điều này. Nhưng khi gặp, nàng lại không dám nói. Y Vân ra về như chạy. Và ca khúc "Ảo ảnh" ra đời sau đó...



About the author

160