Atiso trên đường vào danh mục thuốc quốc gia

Posted on at


Gọi là đặc sản Đà Lạt chưa đủ xứng cho cây Actisô - một loài cây di thực từ Pháp đến Đà Lạt phát triển tự nhiên và hữu ích ở tất cả các bộ phận: rễ, thân, hoa, lá. Rồi đây, Actisô trở thành thuốc quốc gia khẳng định giá trị của một cây thuốc quý và là ngôi vị đích thực cho một loài cây lặng lẽ gắn với lịch sử của Đà Lạt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang vừa làm việc tại Lâm Đồng về việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu tại địa phương, đánh giá thực trạng cây Actiso để bổ sung vào danh mục sản phẩm thuốc quốc gia. Chuyến khảo sát này thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về hướng phát triển dược liệu và sản phẩm thuốc quốc gia năm 2010. Theo đó, Bộ Y tế đang phối hợp với các địa phương có tiềm năng phát triển dược liệu để xây dựng 40 bộ hồ sơ dược liệu; rà soát, hoàn chỉnh bộ hồ sơ về các dược liệu: quế, tràm và Actiso báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khả năng và triển vọng đầu tư phát triển thành sản phẩm thuốc quốc gia trong thời gian tới.

Được biết, mỗi cây thuốc vào danh mục thuốc quốc gia được Trung ương đầu tư từ 400 - 500 tỷ đồng cho địa phương và các viện nghiên cứu để phát triển cây thuốc theo hướng công nghiệp. Mỗi bộ hồ sơ dược liệu phải đảm bảo tính khoa học, y tế, kinh tế. TS Nguyễn Minh Khởi - Viện trưởng Viện dược liệu đánh giá Tây Nguyên là một trong 8 vùng dược liệu trọng điểm của cả nước, trong đó, Lâm Đồng đa dạng sinh học và nhiều loại cây thuốc có trữ lượng đáng kể, đặc biệt Actiso là lợi thế phát triển vùng nguyên liệu dược. Điều kiện tự nhiên, quỹ đất, nghiên cứu khoa học và truyền thống trồng Actiso của người dân Đà Lạt đã được đúc kết từ kinh nghiệm canh tác. Vấn đề còn lại là địa phương cần gắn với nhà khoa học (các viện nghiên cứu) - doanh nghiệp - nhà nhà nông bằng cơ chế lợi ích. Hiện nay, cây Actiso phát triển tự phát từ giống, kỹ thuật trồng đến thu hái. Cần có sự nghiên cứu, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến sau thu hoạch để tăng giá giá trị sản phẩm, đảm bảo cho người dân sống trên vùng nguyên liệu Actiso.

Ở góc độ khoa học (cả tự nhiên và xã hội - nhân văn) thì Actiso xứng đáng là một biểu tượng của Đà Lạt. Song hành với lịch sử của một đô thị độc đáo mang dấu ấn kiến trúc Pháp thì cây Actiso có nguồn gốc di thực từ xứ sở Châu Âu xa xôi ấy mang một sứ mệnh của lịch sử làm nên giá trị cho Đà Lạt. Dù loài cây này cũng được Pháp di thực trồng ở vùng Sapa, nhưng vương quốc của Actiso vẫn ở Đà Lạt, trở thành đặc sản của Đà Lạt và không chỉ dừng lại ở thứ đặc sản cao nguyên với nhiều chủng loại khác nữa. Người Đà Lạt trân trọng, tự hào và ngợi ca về Actiso cũng không có gì quá đáng vì Actiso là món ẩm thực sang trọng, sinh trưởng dễ dàng giúp nhà nông sống được một cách thoải mái. Nói “sống thoải mái” nhờ Actiso không có nghĩa là người người, nhà nhà đua nhau trồng Actiso - điều này có thể thành hiện thực khi Actiso trở thành cây thuốc quốc gia.

Về mặt lợi ích của cây trồng, các bộ phận của Actiso thứ gì cũng quý, cũng bổ. Người Đà Lạt trồng Actiso từ lâu, biết đó là cây thuốc nhưng qua nhiều thăng trầm thời gian Actiso mới chỉ trên đường bước vào danh mục thuốc quốc gia. Phần nhiều Actiso được sử dụng như một loại rau và chế biến thành thức uống với các loại trà túi lọc được các nhà chuyên môn y tế xếp vào loại thực phẩm chức năng bổ trợ cho cơ thể chứ không phải là thuốc. Trà túi lọc Actiso đầu tiên ra đời từ sự sáng tạo của bà chủ trà Ngọc Duy vào năm 1990. Không chỉ dừng lại ở cơ sở chế biến nhỏ lẻ, Actiso trở thành nguyên liệu chính của Công ty Dược Lâm Đồng. Dược sĩ Nguyễn Đình Thắng - Tổng Giám đốc của Ladophar tự hào hai mươi năm qua doanh nghiệp đã đồng hành cùng nhà nông xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để chế biến các sản phẩm từ Actiso: trà túi lọc, cao đặc Actiso, viên bao cynaphytol… Những năm đầu thập niên 1990, Actiso của Công ty Dược xuất khẩu sang Pháp.

Tuy nhiên, vùng nguyên liệu Actiso vẫn cứ duy trì trên diện tích 40 - 60 ha, tập trung ở vùng Thái Phiên mà không phát triển mở rộng them. Nguyên nhân là vì giá trị gia tăng của Actiso có lúc chưa bằng rau, hoa. Điều này hợp với quy tắc lợi nhuận: Cây có giá trị cao thì trồng, giảm giá trị thì phá bỏ hoặc phát triển cầm chừng. Nhà máy đạt chuẩn GMP - WHO của công ty hiện đang sản xuất các loại thuốc tân dược và cả Actiso túi lọc. Công ty thu mua tất cả các bộ phận của cây Actiso, đặc biệt từ nguyên liệu lá tươi để chiết xuất cao Actiso. Sản phẩm chính từ Actiso vẫn là cao đặc để cung cấp cho các đơn vị sản xuất dược phẩm trong nước.

Hiện nay, Đà Lạt có khoảng 30 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất Actiso, trong đó chỉ có 2 doanh nghiệp có đủ năng lực để chế biến và chiết xuất các hoạt chất từ Actiso. Đầu ra của Actiso rất thuận lợi. Vấn đề khó khăn của người trồng và sản xuất chế biến Actiso là giống đã thoái hóa. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) đang triển khai đề án phục tráng giống Actiso trên cơ sở nguồn gen phù hợp (kinh phí của Sở Khoa học Công nghệ, thực hiện Trung tâm Giống, khoai tây và rau hoa) và đề án nghiên cứu quy trình sàn xuất Actiso an toàn theo Viet Gap. Từ năm 2008, Sở NN - PTNT đã cấp giấy chứng nhận vùng nguyên liệu an toàn cho Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Lâm Đồng trên diện tích 15,9 ha trồng ngũ gia bì, Actiso, thông đó. Như vậy, có triển vọng cho vùng nguyên liệu Actiso an toàn, đảm bảo chất lượng tốt phục vụ công nghiệp sản xuất dược phẩm từ Actiso./.

Actiso có tên khoa học: Cynara scolymus L., thuộc họ cúc - Asteraceae. Thành phần hóa học: Cụm hoa chứa 3-3, 15% protid; 0,1 – 0,3 % lipid; 11-15,5% đường (cần cho người bị bệnh đái tháo đường), 82% nước, còn có các chất khoáng như mangan, phosphor, sắt, các loại vitamin A, B1, B2, C. Lá cây có một chất kết tinh, thường là phức hợp với calcium, magnesium, kalium, natrium, là một glucosid mà người ta gọi là Cynarin. Trong lá tươi ngoài Cynarin, có chất cyanosid và một chất khác không tan trong ete gọi là chất scolymosid. Các hợp chất polyphenol có trong lá non nhiều hơn lá già, ở phiến lá nhiều hơn cuống lá, ở chop là nhiều hơn gốc lá. Từ năm 1956 người ta tổng hợp được Cynarin.

Tác dụng: bông Actiso có tính bổ dưỡng khi đã nấu chin, tăng lực, kích thích, làm ăn ngon, bổ gan (tiết mật), trợ tim, lợi tiểu, chống độc, gây tiết sữa cho phụ nữ nuôi con nhỏ. Actiso được biết từ lâu nhờ tác dụng lợi mật do Cynarin, người ta cũng xác định được hỗn hợp các thành phần khác của Actiso, chủ yếu là acid-acool tạo nên hoạt lực lợi mật của Actiso cà còn có những tác dụng khác như giảm cholesterol – huyết, bảo vệ gan, làm tăng sự bài niệu. Ở người, Cyranin có tác dụng loại trừ các acid mật làm giảm cholesterol – huyết và lipoprotein.

Nguồn: Báo Lâm Đồng



About the author

NhuHexi

Như Hexi

Subscribe 0
160