Bệnh nhân ở Đà Nẵng âm tính với Ebola

Posted on at


16h ngày 2/11, ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết kết quả xét nghiệm PCR lần 2 khẳng định bệnh nhân Ch. không mắc Ebola. Sáng cùng ngày, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thông báo kết quả xét nghiệm Real time PCR lần 1 mẫu phẩm của bệnh nhân Ch. cho thấy 99% âm tính với loại virus này. Tuy nhiên, khu vực điều trị bệnh nhân này tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đến giờ vẫn được đóng cửa cách ly.











IMG-1962-2875-1414901023_fa_rszd.jpg

Các bác sĩ ở khu vực cách ly Đà Nẵng đã thở phào khi nhận kết quả bệnh nhân âm tính với Ebola. Ảnh: Nguyễn Đông



"Huyết áp và các chỉ số khác của bệnh nhân ổn định và đang được tiếp tục theo dõi", bác sĩ Nguyễn Hoàng Nam, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Ch. nói. "6 bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng thay phiên nhau một cách thận trọng khi điều trị cho bệnh nhân Ch. và không được ra khỏi khu vực cách ly", bác sĩ Nam nhấn mạnh.


Theo bác sĩ Nam, từ khi nhập viện, bệnh nhân Ch. luôn tỏ ra lo lắng. Hơn một ngày nằm điều trị, anh chủ yếu nghỉ ngơi, không nói chuyện trực tiếp hay qua điện thoại với ai. Sáng nay, khi biết kết quả 99% âm tính với Ebola, anh Ch. mới vui vẻ, lạc quan hơn.


Hiện tại, khu vực cách ly dành cho bệnh nhân Ch. nằm ở tầng trên cùng của Khoa Y học nhiệt đới (bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) tình hình đã bớt căng thẳng. Nếu có kết quả âm tính với Ebola, bệnh viện sẽ không cách ly bệnh nhân nữa mà chuyển ra bên ngoài để điều trị bệnh sốt rét như bình thường. Tuy nhiên phải theo dõi tình trạng bệnh nhân trong vòng 21 ngày tiếp theo.


Danh sách các hành khách, bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân Ch. đã được cơ quan chức năng xác định để có thể giám sát khi phát sinh tình huống xấu. Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho hay Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP HCM đã phối hợp nhanh với Đà Nẵng để xác định được những hành khách đi cùng chuyến bay ngồi gần anh Ch. "Qua trường hợp của bệnh nhân Ch. chúng ta cần tập trung giám sát những người ở trong vùng dịch đến Việt Nam", bà Yến nói.


Trưa 1/11 bệnh nhân Ch. (26 tuổi, quê xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị sốt và vào bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cấp cứu. Anh này cho biết mình vừa trở về từ Guinea - quốc gia đang có dịch Ebola - nên lập tức được chuyển đến Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) điều trị theo quy trình ứng phó với dịch bệnh này.


Sở Y tế Đà Nẵng tổ chức họp và phát thông báo khẩn về việc tiếp nhận ca bệnh nghi nhiễm Ebola, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để chuyển ra Hà Nội cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Việc cách ly bệnh nhân, xử lý môi trường tuân thủ theo đúng quy trình điều trị bệnh nhân Ebola.



About the author

160