Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: “Chúng tôi đã đúng & hy vọng tiếp tục đúng trong tương lai"

Posted on at



- Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Tôi nói với anh một thông tin thế này: Anh Trần Thanh Hải, Chủ tịch của NutiFood là khách hàng của ngân hàng Eximbank và cũng là lứa đàn em của tôi. Tôi kéo Hải vào tài trợ chogiải U19 quốc tế vào tháng 1/2014, ban đầu anh ấy rất băn khoăn nhưng tôi đã thuyết phục và như tất cả đều đã thấy, NutiFood đã có một lựa chọn đúng. Sau đó, tôi lại thuyết phục anh Hải tiếp tục tài trợ cho U19 Việt Nam. Sự thành công bước đầu đã biến U19 thành một lực hút lớn, kéo khán giả trở lại sân bóng, quan trọng hơn là từng bước lấy lại niềm tin của người hâm mộ với bóng đá Việt Nam. 

Tôi rất vui mừng trước việc ngày 6/10/2014, Nhà xuất bản Trẻ thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định phát hành tập truyện tranh “Học viện bóng đá” để nói về đội U19. Đây là sự kiện chưa hề có tiền lệ của bóng đá Việt Nam. Thế nên, khi gặp gỡ đội U19 ngày 4/10, tôi có hứa sẽ tặng cho mỗi thành viên U19 một quyển sách này. Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn ngày 9/10 này sẽ mang sách sang và trao tận tay các em tại Myanmar, xem đây là món quà tinh thần quý báu động viên các em trước giờ xung trận gặp U19 Hàn Quốc. 

Ở đây, có một điều không vui cần nói thêm: Cả nước cũng biết ĐT U19 Việt Nam hiện nay là sự kết hợp giữa các cầu thủ của học viện HA.GL-Arsenal JMG là nòng cốt với những cầu thủ tốt nhất ở các trung tâm đào tạo khác. Nhưng hiện nay, có một vài ý kiến cho rằng VFF và cá nhân tôi muốn “vơ” hết thành tích của U19 vào cho mình để “đánh bóng” cá nhân mà “lờ” đi công lớn của anh Đoàn Nguyên Đức! Tôi có thể nói rằng, tôi không bao giờ và cũng chẳng ai ở VFF có ý nghĩ muốn “vơ” thành tích của U19 Việt Nam vào mình. Mà ngay cả khi muốn vơ cũng chẳng được, công lao của ai đã rõ như ban ngày. Một giọng điệu hết sức lạc lõng. Chẳng qua là ý kiến của vài người hay “suy bụng ta ra bụng người”.

 


Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng rất tâm đắc với hướng đi của ĐT U19 và Olympic Việt Nam

 

- PV: Sau thành công của ĐT U19 Việt Nam, ông có rút ra được bài học gì trong công tác quản lý, phát triển bóng đá?

 

- Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Bây giờ, qua các giải đấu bước đầu thành công, bản thân tôi đã khẳng định qua thực tế 4 điều quan trọng: 

 

Thứ nhất, nếu có được sự phối hợp về đào tạo với những CLB danh tiếng, tôn trọng và kiên trì đi theo quy trình tuyển chọn, đào tạo của họ thì chúng ta sẽ có được những lứa cầu thủ giỏi, đủ sức thi đấu với bất cứ đội bóng nào. 


Thứ hai, chúng ta cần phải có nhiều hơn những mô hình đào tạo kiểu như HA.GL thì trong một ngày không xa, ĐT Việt Nam sẽ đủ sức chinh phục đỉnh cao. Tôi sẽ làm mọi cách để bóng đá Việt Nam đi theo hướng này. Có điều đáng mừng là chỉ trong vòng 3-4 tháng qua đã có 2 CLB danh tiếng tìm đến VFF là Feyenoord của Hà Lan và Inter Milan của Italiavà đưa ra đề nghị cụ thể về sự hợp tác với bóng đá Việt Nam, họ đang đợi VFF trả lời để có thể sớm sang Việt Nam gặp gỡ, tiếp xúc, đàm phán với đối tác cụ thể. Tôi đang tìm các CLB mạnh về tài chính và muốn đi theo mô hình “học viện bóng đá” để giới thiệu với họ. Sau khi VFF giới thiệu, tôi được biết Becamex Bình Dương đã mời Inter Milan sang họp ngày 25/10/2014. Còn ở cấp độ đội tuyển, tôi cho rằng, thay đổi cả nền bóng đá thì cần nhiều thời gian và đòi hỏi nhiều yếu tố nhưng xây dựng một đội tuyển thì chúng ta có thể làm nhanh hơn nếu có hướng đi và cách làm đúng. Theo kế hoạch trong thời gian tới, các đội trẻ của chúng ta sẽ phải thi đấu thường xuyên với những đội bóng mạnh, đặc biệt là Nhật Bản, hiện nay ta đang thua họ về các mặt nhưng đến một lúc nào đó rồi cũng có ngày chúng ta sẽ hòa và thắng họ.

 

Thứ ba, bóng đá Việt nam muốn phát triển, dứt khoát phải đi theo con đường bóng đá đẹp, không bạo lực và hiệu quả như ĐT U19, ĐT Olympic vừa rồi. Bóng đá không có khán giả là một nền bóng đá chết không có tương lai: không có nhà tài trợ, không bán quảng cáo được, không thu được tiền vé… làm sao các CLB tồn tại được khi chỉ trông cậy vào chỉ mỗi túi tiền khi đầy khi vơi của các ông bầu.

 


 

Thứ tư, lâu nay chúng ta hay nói nhiều về việc xây dựng một lối đá mang bản sắc Việt Nam, phù hợp với người Việt Nam… Mong muốn thì lớn, nói chung chung khi hội thảo thì nhiều, hội họp, lý luận với nhau thì dễ nhưng làm thế nào để đạt được điều đó thì… tắc.

 

Khi tiếp xúc với các quan chức LĐBĐ Nhật thì họ có nói với tôi một ý quan trọng mà tôi rất tâm đắc, sau này tại phiên họp ra mắt HLV Toshiya Miura, tôi cũng đã phát biểu: người Nhật trước đây khi gặp các đội tuyển châu Âu thì chỉ có thua, thua đậm trong nhiều năm nhưng dần dần họ cũng tìm ra được phương pháp khắc phục, đó là cách đá nhỏ, nhanh, linh hoạt trên cơ sở một nền tảng thể lực tốt. Olympic Việt Nam vừa rồi là một ví dụ rõ nét nhất, cũng đội hình đó nhưng thời các HLV Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc khác, vào tay HLV Toshiya Miura thì rất khác chỉ sau 1 tháng huấn luyện. Có lẽ điều chúng ta cần học tập ngay là việc nâng cao trình độ thể lực cho các VĐV các CLB chúng ta, góp phần để nâng chất V-League mùa giải tới. Tôi đã có chỉ thị cần thiết cho Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn về việc này, trước khi khai mạc mùa giải 2015, tôi yêu cầu phải có một lớp tập huấn cho các lãnh đạo đội và HLV các CLB V-League, hạng nhất, mời ông Miura đến truyền đạt kinh nghiệm về chuyên đề nâng cao thể lực. Ngày 14/10 tới, tôi sẽ sang Singapore để dự khánh thành Sân vận động Quốc gia mới của Quốc đảo Sư tử theo lời mời của Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Singapore và dự khán trận đấu khai trương sân mới giữa tuyển Nhật Bản và tuyển Brazil theo lời mời của Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản. Tôi muốn đi để trực tiếp nói lời cảm ơn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đến Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản vì sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của họ thời gian qua, thúc đẩy mạnh hơn sự hợp tác giữa hai Liên đoàn.

 


 

Nếu làm được 4 điều trên, tôi cho rằng chất lượng và uy tín của nền bóng đá Việt Nam sẽ phát triển tương đối nhanh hơn dự kiến.

 

- PV: Bây giờ chúng ta quay trở lại với ĐT Olympic Việt Nam và chiến công tại Asiad 17. Theo Chủ tịch, đâu là nguyên nhân giúp các cầu thủ trẻ có sự tiến bộ trong thời gian rất ngắn?

 

- Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Trước đó, các đội tuyển của chúng ta đã có 20 trận liền trong 2-3 năm không thắng, nhà tài trợ lớn Nike dù được Liên đoàn thuyết phục trì hoãn nhưng cuối cùng Nike đã quyết định chấm dứt hợp đồng tài trợ cho các đội tuyển Việt Nam. Vừa qua, điều đáng mừng như chúng ta thấy ĐT Olympic Việt Nam đã khác rất nhiều khi được giao phó cho HLV Toshiya Miura. Thế nhưng, cũng cần thiết nhắc lại là cái khác đó xuất phát từ định hướng của VFF. Tại Đại hội VFF nhiệm kỳ VII ngày 25/3/2014, tôi đã trình bày 3 quan điểm cơ bản để xây dựng nền bóng đá: xây từ móng, trẻ hóa các ĐTQG và không chạy theo thành tích. Trên cơ sở quan điểm như vậy, tôi cho rằng chúng ta nên dựa hẳn vào một nền bóng đá phát triển là Nhật Bản thay cách làm trước đây là mời HLV sang nắm đội tuyển, khi thắng thì tung hô, khi thua thì vùi dập họ một cách không thương tiếc! Đòi phải thay ngay! Đòi từ chức ngay! Chúng ta đã “kịp” thay khá nhiều HLV nhưng càng thay thì tình hình càng tồi tệ.

 


HLV người Nhật Bản, Toshiya Miura đã đem lại một diện mạo mới cho ĐT Olympic Việt Nam

 

- PV: Vậy theo Chủ tịch, thành công ban đầu này có ý nghĩa thế nào cho định hướng của bóng đá Việt Nam?

 

- Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Tôi thấy ĐT Olympic Việt Nam trình làng một lối đá máu lửa, khát khao chiến thắng và đặc biệt là không bạo lực, nó cho thấy một điều chủ trương của VFF khoá VII bước đầu là đúng, cần kiên trì đi theo hướng này, đặc biệt là phải xây dựng các đội tuyển, các CLB có lối đá đậm nét kỹ thuật, đạo đức sân cỏ và hiệu quả, không bạo lực. Cũng chính vì điều này mà sắp tới trong đợt tập huấn giám sát trọng tài mùa giải 2015, tôi sẽ yêu cầu các trọng tài phải làm nghiêm để trị cho tận gốc lối đá bạo lực. Chúng ta không thể chấp nhận thứ bóng đá chạy theo thành tích bằng mọi giá bằng lối đá triệt hạ đối phương, “chém đinh chặt sắt” để giành thắng lợi, đá đến gẫy chân người ta bằng một pha vào bóng ác ý mà còn nói là không cố ý, thật hết biết! Chúng ta phải tiêu diệt thứ bóng đá bạo lực, trả lại cái hay, đẹp, hiệu quả cho bóng đá Việt Nam. Báo chí và công luận đã phê phán mạnh mẽ vấn đề này nhiều rồi, bây giờ là phải làm thôi.





- PV: Thưa Chủ tịch, điều bất ngờ là dù bóng đá Việt Nam đã gặt hái được nhiều vinh quang khi ĐT Olympic giành vé đến vòng 16 đội, đội nữ vào đến bán kết Asiad, U19 Việt Nam dần định hình phong cách chơi bóng nhưng VFF vẫn phải hứng chịu những ý kiến chỉ trích?

 

- Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Tôi lấy làm lạ với suy nghĩ của một vài người rằng cái gì tốt là của HLV, của cầu thủ còn cái gì xấu thì thuộc về VFF! Với bóng đá, cách ứng xử thế thì không có từ nào đúng hơn là: chơi xấu! Vì vậy, tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy anh Nguyễn Văn Vinh gần 2 tuần qua đã hai lần liên tiếp phê phán cá nhân tôi và VFF trên cả 2trang báo. Phê phán, phản biện là điều bình thường, VFF và tôi luôn lắng nghe, điều gì anh em nói đúng nói phải thì chúng tôi tiếp thu, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, điều gì không đúng thì bỏ qua, thậm chí một vài trường hợp cần thiết phải nói lại cho rõ để dư luận tỏ tường. Về 2 bài báo trên cả hai trang báo của anh Vinh gần đây, tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa là do ở buổi tổng kết mùa giải 2013, thay mặt VFF tôi đã có những nhận xét khá thẳng về ban Tư vấn Đạo đức mà anh Vinh là thành viên. 

Tôi đã nói rằng, ban Tư vấn Đạo đức ngoài những mặt tích cực thì các anh luôn gây sức ép với VFF đòi phải kỷ luật các đội bóng mà họ cho là “có vấn đề”. Tôi nói VFF không thể dùng phân tích, nhận xét của Ban Tư vấn Đạo đức để kỷ luật các đội bóng. Những ý kiến đó chỉ nên xem là tư liệu có tính tham khảo và quyết định kỷ luật chỉ được đưa ra khi có chứng cứ rõ ràng. Các anh ấy lại cho rằng, VFF không xử theo ý của các anh là sai, là đồng lõa với cái sai, bao che tiêu cực. Thế nhưng, các anh ấy không nghĩ rằng, đằng sau một quyết định vội vàng, thiếu chứng cứ là nhà đầu tư và một tập thể phải hứng chịu hậu quả mà chẳng dựa trên luật và điều lệ hoặc chứng cứ pháp lý nào! Ban Tư vấn Đạo đức cho rằng vì chúng tôi không nghe theo lời các anh có nghĩa là “đồng loã”, “thoả hiệp” với tiêu cực nên các anh đã tự giải tán trong mùa giải 2014. Có lẽ vì điều này mà anh Vinh luôn có thái độ bức xúc với tôi và VFF mà các ý kiến về U19 chỉ là cái cớ. Anh Vinh nói rằng, tôi ôm U19 vì mục đích để “đánh bóng” và có những ý đồ sâu xa khác!

Xin thưa rằng, tôi đã lên đến vị trí Chủ tịch VFF rồi và 4 năm nữa, kế hoạch của tôi là sẽ nghỉ, nhường cho người khác. Tôi đã công tác ở VFF 4 khóa, thế là hơi nhiều nên không biết anh Vinh lấy thông tin từ đâu mà nói tôi đang “đánh bóng” để phục vụ cho ý đồ khác hay anh ấy lại đang “suy bụng ta ra bụng người”. Tôi còn nhớ năm 2005, anh Vinh được giới thiệu ứng cử Ban chấp hành VFF khoá V nhưng bị rớt với số phiếu khá thấp. Liên tiếp các lần sau, anh ấy cũng được giới thiệu nhưng đều không thành. Như vậy, tuy anh Vinh xem mình là một trong những nhà chuyên môn hàng đầu của bóng đá Việt Nam, luôn “lên lớp”, “dạy bảo” những người làm bóng đá vì nghĩ rằng trình độ chuyên môn hơn người của mình nhưng hầu như không lần nào được các anh đang làm công tác chuyên môn của bóng đá Việt Nam tín nhiệm.

 


 

- PV: Còn gì nữa không, thưa ông?

 

- Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Anh Nguyễn Văn Vinh cũng nói tôi không có chuyên môn. Tôi xin nhấn mạnh là tôi đâu bao giờ nhận mình là nhà chuyên môn. Ai cũng biết tôi chỉ là người quản trị vĩ mô, đưa ra những phác đồ lớn trên cơ sở thực hiện từng bước chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam được Thủ Tướng phê duyệt. Mới 6 tháng qua nhưng tôi thấy rằng những quyết sách mình đưa ra cơ bản và bước đầu là đúng. Tôi còn nhớ, khi VFF ký hợp đồng với HLV Miura, một số nhà chuyên môn, phóng viên đã cho rằng đó là quyết định sai lầm khi phát biểu rằng Nhật Bản thì đang sử dụng HLV ngoại, Việt Nam lại sử dụng HLV Nhật Bản, Nhật Bản chưa bao giờ xuất khẩu HLV làm HLV đội tuyển quốc gia, ông Miura chưa bao giờ làm HLV cấp đội tuyển quốc gia, còn quá trẻ, trông dáng quá thư sinh… làm sao huấn luyện được, v.v... Tôi có trả lời là: tôi làm việc với người Nhật lâu năm hơn ai hết so với những người phê phán, tôi biết chúng ta cần gì và người Nhật có thể giúp chúng ta điều gì. Nay, tất cả đã biết, quyết sách đó là đúng. Tôi cũng hy vọng rằng, những quyết sách của mình tiếp tục đúng trong tương lai. Tôi tin vào bản thân mình. Kết luận phần trả lời phỏng vấn này, tôi xin nói thẳng một câu tuy hơi chua chát: trong bóng đá Việt Nam hiện nay, có những người nói hay và hay nói, luôn luôn “lên lớp”, “dạy dỗ” người khác nhưng khi còn đang làm thì lại làm chẳng ra gì!


About the author

160