CHIEU CUOI TUAN

Posted on at


"Chiều cuối tuần"
Sáng tác: Trúc Phương; Trình bày: Như Quỳnh 
Nếu có một biệt danh mang tên ông hoàng dòng nhạc Bolero thì biệt danh đó không ai khác xứng đáng nhận bằng nhạc sỹ Trúc Phương. Ông là một cây đại thụ trong nền nhạc vàng cả ở quốc địa lẫn hải ngoại. Nhạc sỹ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, sinh năm 1933 tại Trà Vinh thuộc hạ lưu sông Cửu Long. Ngay từ bé ông đã yêu thích tiếng kẽo kẹt đung đưa trong gió của đám tre trúc trồng quanh nhà nên ông lấy nghệ danh là Trúc Phương để luôn nhớ về quê hương. Cuộc đời Trúc Phương đầy long đong lận đận, ba chìm bảy nổi với những lần vượt biên không thành, cùng mối tình để lại cho ông những vết thương sâu thẳm đến tận cuối đời. Có lẽ cũng chính vì vậy mà ông đã cho ra rất nhiều nhạc phẩm bất hủ, đi vào lòng người xuyên suốt bao năm tháng. Trúc Phương vốn là một người hướng nội. Và với bản tính trầm lặng khép kín sẵn có của mình thì những vết thương đời, vết thương lòng lại càng khiến ông thêm bi quan. Ông nhìn đời dưới con mắt u ám, và các nhạc phẩm của ông khi ra đời cũng được phủ một màu xám như vậy. Các tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến như "Ai cho tôi tình yêu", "Buồn trong kỷ niệm", "Hai lối mộng", "Đôi mắt người xưa", "Nửa đêm ngoài phố", "Thói đời", "Tàu đêm năm cũ", "Mưa nửa đêm"... Sau 1975 ông vẫn sáng tác nhưng cảm hứng cho những bản tình ca đã không còn dồi dào, như ông từng tự nhận. Ngày 18 tháng 9 năm 1995, người nhạc sỹ tài hoa âm thầm từ giã cõi đời trong một căn nhà trọ tồi tàn ở quận 11, Sài Gòn, trong cảnh cô đơn không người thân, không điểm tựa. Tài sản của ông lúc này chỉ còn một đôi dép.
"Chiều cuối tuần" là một bài hát không u ám như các nhạc phẩm khác của Trúc Phương nhưng vẫn lẩn khuất đâu đó trong ca từ, giai điệu chút buồn man mác. Tôi không nhớ tôi nghe "Chiều cuối tuần" từ năm mấy tuổi, nhưng tôi nhớ có một đêm mùa đông tôi nằm ở phòng trọ tại Shiga, Nhật Bản, bật đài tiếng nói người Việt năm châu phát đi từ California và nghe lại được bài hát này. Tâm trạng tôi lúc đó vừa bồi hồi vừa xúc động. Cảm giác như một khoảng trời ký ức ngày thơ chợt ùa về. Tôi nhớ đến những lần nghĩ về "kinh thành" như chốn phồn hoa đô hội, nhớ đến cảm xúc của những người từ biệt quê hương, từ biệt người yêu dấu để lên đường tìm lẽ sống. Và cho dù "mộng xưa khó thành" thì đã biết nhau trong đời thì cũng xin được khắc tên nhau mãi mãi. Tình yêu mà Trúc Phương gửi gắm trong bài hát thông qua đôi môi của người thiếu nữ cũng bình dị mà chân thành như trái tim ông vậy. Tôi vẫn tin rồi mình cũng sẽ tìm được một tình yêu như vậy. Và hôm nay tôi lại ngồi nghe bài hát này trong một chiều cuối tuần xao xác heo may.
"Ghi vào đời hình bóng một người
Đôi lúc chân mơ giày khua lối ngỏ
Tâm tư bâng khuâng, nghe chiều biệt ly khuất nẻo người đi..." 



About the author

160