Chẳng phải lần đầu có người hỏi tôi câu hỏi này. ...

Posted on at


Mấy hôm nay tôi cứ trăn trở một câu hỏi của một bạn trên ask.fm: “ sáng nào thức dậy em cũng muốn vùi vào gối ngủ tiếp, tự hỏi mình lại có thêm 1 ngày để sống nữa à mà lại chẳng biết dùng vào việc gì? Anh có cách nào giúp em biết mình sống để làm gì không anh?”. Tôi thử lục tìm trong kí ức của mình có thời điểm nào trong hành trang trưởng thành của mình tôi thức dậy và tự hỏi tôi sẽ làm gì cho qua ngày tháng đoạn hay không? Tôi thấy buồn, một nỗi buồn nào đó từ không trung, từ người bạn vô danh đã hỏi tôi, chúng ta được sinh ra để làm gì để rồi phải chìm đắm tìm kiếm một cách bải hoải sao ta lại sống?

Chẳng phải lần đầu có người hỏi tôi câu hỏi này. Tôi nhớ đến mối tình thời sinh viên của mình. Tôi là một kẻ thích sống tận hưởng, có những đam mê để theo đuổi và lúc nào cũng sống vì những đam mê đó. Ngày qua ngày, có những ngày ảm đạm, chán chường, nhưng phủ đầy trong quỹ thời gian của tôi vẫn là những thú vui, những điều tôi cần làm cho cuộc đời mình, và những điều tôi muốn làm cho chính mình. Bạn gái tôi thì ngược lại, cô ấy thích nhiều thứ, và chẳng thực sự thích gì, nhanh chán, dễ bỏ và rồi sẵn sàng bị suy sụp bất cứ lúc nào vì một câu hỏi “em sống làm gì hả anh”? Lúc đó, tôi cứ áp đặt bản thân mình vào em, tôi chỉ bảo, em phải cố gắng tìm cho mình đam mê, tìm điều gì đó em thích để theo đuổi thì em mới hiểu em sống để làm gì. Lần nào tôi cũng nói vậy, không chỉ với em, tôi còn nói với những người bạn khác, những người con gái luôn tin tưởng ở tôi như một ông già hiểu đời và có một cuộc sống không tẻ nhạt. Nhưng liệu có phải vậy không?

Có một vòng quay bất tận của cuộc sống, nó áp dụng chung cho tất cả mọi người. Chúng ta được sinh ra, cho ăn học, rồi bối rối trong suốt quá trình trưởng thành để tìm cho mình một hướng đi, rồi thể nào ta cũng tìm được, ta đi làm, lập gia đình như số mệnh sắp đặt cho mỗi người đàn ông, đàn bà, sau đó tiếp tục nghe lời của mẹ tự nhiên, ta sinh con, nuôi chúng. Ta sẽ vui buồn cùng sự lớn lên của chúng, và có thể chúng ta hài lòng về đời mình hay không hài lòng, nó đều dẫn đến cái chết, kết thúc một cuộc đời. Có những con đường tưởng như chệch hướng đi chung đó, chúng ta sống cô độc 1 mình, chết một mình, nhưng đó chỉ là một sự lựa chọn ngẫu nhiên của số mệnh ắp đặt lên một số người. Cũng có những người khác, họ sinh ra làm thiên tài, để rồi chết bởi chính cái cơn điên của tài năng trời phú đó như Syd Barret của Pink Floyd, như Jim Morrison của The Doors. Còn chúng ta là ai? Chúng ta chỉ là những kẻ bình thường, với cuộc sống bình thường, đủ đầy vật chất, chỉ có những áp lực về mặt tinh thần của sự tồn tại chèn ép mình? Ta cũng giống mọi người, vậy ta sống để làm gì mà sao ta cứ phải băn khoăn đến điều đó cho đến bạc kiếp người?

Đến hết cấp 3 tôi vẫn chỉ là một thằng bé với đầy những ám ảnh về mặt đạo đức vì những câu nói như: “khi con ra đời tất cả mọi người đều cười, riêng mình con khóc, con hãy sống sao cho để khi con chết đi, chỉ mình còn cười còn tất cả mọi người đều khóc”, hay lớn lên một chút tôi trả lời cái câu hỏi ở trên bằng hai chữ đam mê. Và lớn hơn nữa, khi tôi đã có nhiều trải nghiệm, khi cuộc sống của tôi được đong đầy bằng tất cả những gì bồi đắp được từ người khác, cũng như từ chính tư duy của mình, tôi thấy tất cả những câu đấy thật lố bịch. Đạo đức, đam mê chỉ là một sản phẩm khoe khoang của xã hội, một điều mà ta vin vào để tuân theo một luật chung nào đó trong việc làm người, nhưng nó chỉ là cái mác bên ngoài, cái vẻ hào nhoáng của tất cả những kẻ như tôi đang tự vỗ ngực khoe rằng “tôi có đam mê này, đam mê kia, nên tôi không bao giờ chán”. Tôi thấy mình chẳng khác gì những người khác, về mặt đam mê hay sở thích, chẳng có gì hơn người về mặt trí tuệ và cảm xúc. Tôi chỉ là tôi, bạn chỉ là bạn. Chúng ta có những cái chung và cái riêng về mặt biểu cảm đối với cái đẹp của cuộc đời.

Tôi không đặt ra câu hỏi cho mỗi ngày khi tôi thức dậy tôi làm gì nữa vì tôi chấp nhận một tiến trình của cuộc đời mà tôi biết tôi sẽ không thể làm khác đi quá nhiều, tôi biết tôi sẽ làm gì, tôi nên làm gì, và tôi phải làm gì. Tôi sẽ chạy, chạy thật nhanh đi đến với những tháng ngày tôi sẽ khóc cười và sống chết cho cái điều tôi tin tưởng. Tôi cố từng ngày nhàm chán và nhạt nhẽo, lết từng ngày đầy mây mù và hơi ẩm đến đến được cái ngày mà chưa chắc tôi sẽ đạt được đó. Cuộc sống của mỗi người, là một hành trình đơn độc, đơn độc cho đến tận từng tế bào hàng ngày chết đi, hàng ngày sinh ra để thống nhất thành một bản thể. Sự thống nhất đó để đảm bảo sự sống gắn kết bằng sự đơn độc tuyệt đối. Tôi luôn luôn hiểu điều đó, hiểu đến tận cùng cốt tuỷ của mình, để tôi biết mình đang đứng ở đâu trên đời, đang cần gì và điều gì là điều không thực sự đáng nghĩ đến. Tôi là ai mà có thể bày cho em cách tìm ra mình sống để làm gì khi mà bản thân tôi phải chiến đấu vật lộn với những ngày nhàm chán như vậy để tìm kiếm câu trả lời. Tôi nghĩ mỗi người sẽ tìm được câu trả lời cho riêng mình ở một thời điểm nào đó trong chiều chạy tuyến tính của thời gian. Một thời điểm nào đó sẽ tìm thấy em, thấy tôi. Không có bất kì thứ lý thuyết nào có thể giúp ta tìm được điều mà nó sẽ tìm đến ta một ngày nào đấy. Đam mê hay sự hời hợt, sự phù phiếm khoa trương hay đơn giản và bất cần, những tính từ luôn khoác lên mình nó vẻ ngoài của sự thi vi, nhưng bản thân nó rỗng tuếch và vô nghĩa.

Thời gian là một kẻ vô tình, nó đặt ta vào những ngày không thiết sống, những tối trở về nhà mà tâm thế mệt mỏi rã rời, chỉ biết nằm co mình lại và khóc, khóc đến cạn kiệt sinh lực. Và thời gian lại cho ta những ngày đầy nắng, thứ ánh nắng tượng trưng của niềm vui và hạnh phúc, của những gì đáng quý và đầy sức sống. Vậy đấy em à, đó là cách mà cuộc sống vận hành, em không thể trốn chạy khỏi những buổi sáng thức dậy mà chỉ muốn ngủ vùi vì không biết sống làm gì, vì nó đến, nó vồ ập lấy em để em không thể thoát, nó ôm em như thể sự tồn tại của em là vô nghĩa. Giống như mình bị đặt vào một căn phòng rỗng, em cố hét to lên nhưng em không thể nghe thấy tiếng mình, một chiếc máy hút âm khổng lồ đang hút hết tất cả mọi tiếng động thoát ra từ em. Em không trốn chạy được vậy em hãy chấp nhận nó và chiến đấu với nó, bằng tất cả sinh lực của mình, hãy chiến đấu để đợi chờ cái thời khắc cánh cửa phòng mở ra, và em tìm được niềm vui trong những chuỗi ngày sống của mình. Giống như Florentino Ariza chiến đấu cả đời để đợi cái giờ phút được sống cùng Fermina Daza trong “tình yêu thời thổ tả”.

Tôi nghĩ, ta không thể biết được ta sống để làm gì trừ phi ta tiếp tục sống. Đấy chính là lẽ thường ở đời, nghịch lý của sự tổn tại “không biết được ta sống làm gì mới địch thực là ta đang sống” và trăn trở, băn khoăn, đặt câu hỏi và đi kiếm tìm câu trả lời. Rồi một ngày nào đó, thời điểm sẽ đáp trả, và ta sẽ hiểu. Đôi khi mất cả đời để hiểu, nhưng đấy mới đáng giá cho cả quá trình sống và chiến đấu của mình.

- Tuấn lalarme -

Ảnh từ phim: The Unbearable Lightness of Being (1988, dir. Philip Kaufman)



About the author

gantz

không biết nói gì

Subscribe 0
160