Sau cơn mưa nhẹ vào cuối buổi chiều tàn, tôi xách xe xuống phố chuẩn bị đón người bạn. Chẳng có gì đặc biệt lắm nếu chuyện này không xảy ra và trời không tiếp tục lất phất những hạt mưa sau đó. Trong một khoảnh khắc loay hoay nhìn điện thoại và đứng đợi, có người đàn ông nọ tiến đến chỗ tôi, tuổi đoán chắc cũng phải 30 hoặc có khi hơn, bên hông đeo cái túi nhỏ, nhìn trông giống những người bán vé số.
Anh ta hỏi: Anh có chút tiền lẻ cho em xin, lấy tiền đi xe buýt về. Giọng anh nói khá nhỏ, dáng vẻ lúng túng, có phần dè dặt và một nụ cười như cố che giấu sự ngượng ngùng. Chưa nghe rõ câu hỏi, mặt tôi thộn ra. Vẫn cái vẻ ngượng ngùng như vậy, anh ta nói lại: Anh cho em mấy nghìn đi xe buýt, em qua nhà bạn mà hết tiền giờ không đi xe buýt về được. Tôi đã hiểu ra nhưng biết chắc chắn mình không còn tiền lẻ vì đã dùng ba ngàn còn lại để gửi xe lúc chiều ở trường.
Thêm phần nữa là trước giờ tôi rất khó khăn trong việc giúp đỡ những người hỏi xin tiền như vậy, tôi từng nghĩ sao họ không bán vé số, hay ít nhất là mua ve chai khi tay chân vẫn lành lặn, có thể đi lại, có khả năng lao động, việc làm đó đáng được trân trọng hơn và tôi cũng không muốn lòng thương người của mình bị lợi dụng. "Em không còn tiền lẻ anh ơi", tôi nhẹ nhàng từ chối. Anh ta chỉ cười rồi vội vã bước đi, bước rất nhanh. Tôi vô tình dõi theo vài giây sau, trước khi quay ra cúi nhìn đồng hồ điện thoại. Bất chợt tôi cảm thấy hạt mưa rơi nhẹ xuống cánh tay, cảm thấy áy náy.
Tôi nhớ về những câu chuyện của bố, cậu mợ, chú dì về gia đình ngày trước, những ngày còn cơ cực vất vả. Dù không thực sự chứng kiến nhưng hoàn cảnh gia đình khi tôi còn nhỏ, cộng thêm những câu chuyện xa xưa tôi vẫn nghe khi bố và cậu mợ ngồi nhớ lại, đến khi lớn hơn đã hiểu. Nhảy khỏi những suy nghĩ chợt thoáng qua đó, tôi ngước lên và bắt đầu cố gắng nhìn, tìm kiếm xem người đàn ông khi nãy giữa con phố tấp nập. Tôi không còn nhìn thấy anh nữa, anh đi nhanh quá.
Tôi đã định sẽ thôi bỏ qua một bên nhưng những suy nghĩ, hình ảnh ngày còn cơ cực của gia đình cứ thôi thúc. Tôi quyết định lấy ví trong túi ra xem mình còn lại gì. 210 nghìn đồng, mệnh giá lớn nhất là 200 nghìn. Tôi lấy 10 ngàn kia bỏ sẵn vào hộc nhỏ xe máy, phía dưới tay lái để tiện lấy đưa cho anh, tôi nghĩ nó không nhiều nhưng nếu là tiền xe buýt thì sẽ giúp được anh. Tôi vội chạy theo, cố gắng tìm cả hai bên đường vì không biết anh ta sẽ về bên nào. Đi một đoạn chắc cũng chừng 200 - 300m, tôi nghĩ chắc anh không đi nhanh đến vậy, nghĩ mình đã bỏ qua anh ở đâu đó nên quyết định vòng lại.
Đến gần giữa đoạn đường tôi mới nhìn thấy anh. Cố gắng tìm cách quay đầu nhanh nhất giữa một con đường nổi tiếng trong quận quả thật không dễ dàng, nhất là khi nó còn trở nên đông đúc hơn nhiều vì có một shop mới khai trương. May mà tôi đã bắt kịp và xém chút nữa lại bỏ qua anh thêm một lần. Tôi cố gắng vội vã tấp vào lề vẫn bị xa hơn anh một đoạn, vội với tay lấy 10 nghìn đồng rồi quay qua cũng kịp lúc anh đi tới.
"Anh ơi, cho em gửi", tôi nói vội. "Cám ơn em nhiều nhé, cũng tới trạm xe buýt đây rồi". Nhìn khuôn mặt anh rạng hẳn, tôi cùng cười rồi vội vã đi, trong lòng cảm thấy thật nhẹ nhõm, vòng ngược lại chỗ đợi bạn. Sau đó tôi có ngang qua điểm dừng xe buýt khi nãy và trông thấy anh, anh vẫn đứng đó và đang ngước nhìn xem chiếc xe buýt đằng xa kia, có lẽ nó là chuyến xe giúp anh về nhà. Phút ấy tôi có chút vui, chút cảm giác ấm áp nhưng rồi thoáng buồn. Tôi chợt hy vọng mình bị lừa. Nếu tôi bị lừa thì hoàn cảnh của anh sẽ không thực sự tệ đến mức như vậy. Nếu tôi bị lừa thì giữa trời đông se se lạnh này, giữa những con đường tấp nập, giữa không khí rộn ràng của mùa Giáng sinh sẽ tốt cho anh hơn. Thôi chào anh, hy vọng trong cuộc sống này sẽ bớt đi những hoàn cảnh khó khăn như vậy.
Chợt hy vọng mình bị lừa
Posted on at
Sau một hồi suy nghĩ về việc xin tiền đi xe buýt của người đàn ông nọ, tôi lấy xe chạy theo tìm anh để cho tiền. Gặp được anh, tôi đưa tiền nhưng anh bảo: "Cám ơn em nhiều nhé, cũng tới trạm xe buýt đây rồi".