Những giọt nước mắt tủi hận nối đuôi nhau lăn dài trên má hắn. Tuyết vẫn rơi mỗi lúc một thêm dày. Gió vẫn rú lên bản tình ca hoan lạc và man rợ. Nắm hương kiên cường đã cháy rụi, chỉ còn trơ lại những cọng chân khẳng khiu. Bật chai rượu, rưới lên tấm bia xi măng có những dòng chữ nguệch ngoạc ghi tên thằng bạn. Còn sót một ít, hắn ngửa cổ tu một hơi cạn sạch và ngay ngắn đặt cạnh đám cọng chân hương, khom người vái bạn ba cái. Minh ơi, tạm biệt! Hẹn mày ngày này năm sau nếu tao còn bảo toàn được mạng sống và cơ hội…
-Về thôi anh bạn, không định ngồi đây cả đêm đấy chứ?
Tiếng nói của ông già coi nghĩa địa kéo hắn ra khỏi dòng hồi ức. Qua cái nhìn nhòe nhoẹt nước mắt, hắn thấy ông đang đứng cạnh một thiếu phụ cùng đứa trẻ.
Ông già hỏi hắn:
-Anh có thể cho mẹ con chị này quá giang một đoạn về thị trấn H. được không? Hơi ngược đường một chút. Nhưng muộn quá rồi. Giờ này chắc chẳng còn ô tô buýt nữa.
Hắn đưa tay lau mắt, gật đầu không một chút do dự:
-Dĩ nhiên là được. Mời chị và cháu ra xe.
Chợt thằng bé chỉ tay vào hắn, reo lên:
-Bố ơi!
Hắn tưởng mình nghe lầm, vì hình như thằng nhỏ gọi hai chữ "bố ơi!" bằng tiếng Việt.
Thiếu phụ luống cuống ghé tai thằng bé nói nhỏ một điều gì đó.
Thằng bé vẫn gào lên, lần này bằng tiếng Ba lan:
-Mẹ nói dối. Bố kia kìa!
Rồi nó nhào về phía hắn. Nhưng thiếu phụ giữ chặt tay con lại. Thằng bé bất lực gục đầu vào váy mẹ nó, khóc tấm tức.
Hắn ngớ người, chẳng hiểu sự thể ra sao.
Họ cùng đi ra phía cổng nghĩa trang. Thằng bé chật vật bám theo, bước chân loạng choạng. Hắn cúi xuống, bế bổng nó lên. Thằng bé mừng rỡ áp chặt đầu vào má hắn, nghẹn ngào thốt lên: "Bố ơi!". Nó khóc. Những giọt nước mắt ấm nóng một bên má hắn. Đến lúc này, dưới ánh sáng của ngọn đèn cao áp, hắn mới nhận ra, đó là một chú nhóc châu Á, trạc sáu, bảy tuổi. Hắn thấy lạ, vì những đứa trẻ được sinh ra trong các cuộc hợp hôn ít nhiều đều hoà quyện đường nét của hai chủng tộc. Đằng này, chú nhóc không mang một nét nào của bà mẹ da trắng tóc nâu đi bên cạnh. Vẫn cái mũi tẹt, đôi mắt xếch và mái tóc đen, nó giống hệt như những đứa trẻ thuần chủng mà hắn gặp nhan nhản ở Việt Nam. Thằng bé có vẻ mệt, nên mới chỉ được bế bổng trong vòng tay vài phút, nó đã gục đầu vào vai hắn gà gật.
-Làm một ngụm nữa chứ? Giờ này chẳng còn thằng cha cảnh sát nào đủ tỉnh táo để bắt phạt nữa đâu!
Ông già lại sốt sắng dúi cho hắn chai rượu, khi họ đã đến bên chiếc ô tô.
Hắn tợp một ngụm nhỏ cho phải phép, vì khi đã chui vào trong xe thì cái lạnh không còn đáng sợ nữa. Nhưng trước mặt là quãng đường dài dằng dặc hơn năm trăm km trơn trượt băng tuyết. Có tỉnh táo căng mắt ra cầm lái cũng là một thử thách đáng sợ, chứ đừng nói lại dính chút hơn men. Họ từ biệt ông già tốt bụng.
-Đi đi, Chúa phù hộ cho các vị!
Ông già vẫy tay từ biệt. Chiếc xe rón rén đề pa trên mặt đường loang loáng như mặt kính.
Ra đến đầu đường, người phụ nữ rụt rè đề nghị:
-Anh làm ơn rẽ trái nhé!
Hắn khẽ cười:
-Vâng, tôi biết rồi, rẽ phải là đường về Vác sa va. Trước đây tôi đã ở thị trấn H. một thời gian.
-Anh bán hàng ở đó à? Lâu chưa?
-Vâng, nhưng cũng đã hơn chục năm rồi.
-Hơn chục năm?... Ngày ấy tôi mới đang là một con nhóc nữ sinh trung học, còn mơ mộng hão huyền lắm. Thế mà bây giờ... - Giọng người phụ nữ xa ngái.
Thấy cô ta có vẻ buồn, hắn chuyển đề tài:
-Từ H. đến nghĩa trang này chưa đầy hai chục km, sao cô không đi ban ngày cho đỡ vất vả?
-Tôi phải về quê thăm bố mẹ, tiện thể cùng các cụ tảo mộ ông bà nội ngoại. Hai mẹ con tôi mới từ quê ra thẳng nghĩa trang lúc sẩm tối.
Hắn buột miệng hỏi:
-Các cụ còn sống cả. Vậy cô ra nghĩa trang thăm viếng ai vậy?
Một thoáng im lặng. Giọng người phụ nữ trầm xuống:
-Chồng tôi!
Hắn thoáng ân hận vì câu hỏi không đúng lúc của mình:
-Xin lỗi vì tôi đã làm cô buồn!
-Không sao, đằng nào tôi cũng phải quen với chuyện đó thôi! - Thiếu phụ đáp, giọng nghèn nghẹn.
Hắn chợt nhớ, hình như ông già bảo vệ nói là ở nghĩa trang có hai ngôi mộ người Việt, song không dám hỏi gì thêm. Chiếc xe vẫn lầm lũi chui lủi trong cơn mưa tuyết mỗi lúc một dày đặc...Tự nhiên hắn chả muốn nói gì thêm. Thiếu phụ cũng câm lặng.
Xe dừng lại dưới chân một chung cư cũ rích được xây dựng từ những năm sáu mươi. Thiếu phụ nhìn hắn:
-Chắc từ sáng đến giờ anh chưa ăn gì? Mời anh lên nhà dùng bữa tối với mẹ con tôi!
-Anh ngồi tạm đây, tôi đặt cháu vào giường rồi sẽ ra ngay!
Thiếu phụ chỉ tay vào chiếc ghế ăn trong bếp, giơ tay đón đứa bé, cởi áo khoác và giày cho nó. Thằng nhóc vẫn gà gật.
-Chúa ơi, sao con tôi nóng thế này?
Thiếu phụ thốt lên, má áp vào trán thằng bé.
Hắn cũng đưa tay đặt khẽ lên trán thằng nhỏ. Đúng là nó đang sốt.
-Có lẽ cháu bị cảm lạnh. Cô có thuốc hạ sốt panadol không?
-Có! Anh bế giúp cháu vào trong phòng, để tôi đi lấy thuốc.
Nhận thằng nhỏ từ tay thiếu phụ, hắn bế vào phòng. Nó ngủ li bì. Ở đầu giường, ngay cạnh cái gối có bức ảnh một người đàn ông châu Á trạc ngoài ba mươi. Hắn thầm đoán đó chính là người Việt nam thứ hai nằm ngoài nghĩa trang. Ngỡ ngàng nhìn bức ảnh giây lát vì cảm thấy có nhiều nét quen quen, có điều hắn chưa nhớ ra là đã gặp anh ta ở đâu, bao giờ?
Thiếu phụ đi vào, trên tay là lọ xiro giảm sốt.
Hắn bảo:
-Phải đợi lúc cháu tỉnh dậy mới uống thuốc được, bây giờ tôi sẽ thử chữa bệnh cho cháu...
Rồi nhìn quanh như tìm kiếm một thứ gì đó.
Thiếu phụ nhìn hắn dò hỏi:
-Có phải anh tìm cái này không?
Cô ta mở chiếc tủ nhỏ trên tường, lôi ra lọ dầu gió màu xanh và đồng xu bằng bạc.
Hắn ngạc nhiên:
-Đúng rồi! Sao cô biết?
Thiếu phụ buồn bã:
-Ngày còn sống, Việt vẫn cạo gió cho hai mẹ con tôi mỗi khi bị cảm lạnh. À quên, tôi chưa nói với anh, chồng tôi cũng là một người Việt... Anh ấy mất hơn hai năm rồi.
Hắn cúi đầu, khẽ nói:
-Ra thế, thảo nào...
Hắn lật áo thằng nhỏ lên, xoa dầu vào lưng và lấy đồng xu bạc chà lên. Những vệt hằn màu đỏ sẫm dưới làn da mỏng manh từ từ hiện mỗi lúc một rõ.
Hắn lẩm bẩm:
-Đúng nó bị cảm rồi.
Thiếu phụ ngồi ở cuối giường, lặng lẽ nhìn hắn cạo gió cho thằng bé, khẽ thở dài, ánh mắt xa xăm.
Khi cả lưng thằng bé đã đỏ bầm lên, hắn xoa thêm một lớp dầu và kéo áo xuống. Đoạn, lật người nó lên xoa dầu vào trán.
Đang ngủ li bì, chợt đôi mắt thằng bé khẽ động đậy rồi từ từ hé mở. Nó chăm chăm nhìn lọ dầu gió hắn đang cầm rồi nghển cổ, vồ lấy đôi bàn tay hắn.
-Bố ơi!
Đang lúng túng chưa biết phải trả lời ra sao, thằng nhỏ đã ngồi bật dậy, ôm ghì đầu hắn, kéo xuống, thì thầm:
-Bố chưa chết à?
Hắn càng lúng túng và im lặng, chưa biết phải lựa cách xưng hô với thằng nhỏ ra sao. Hắn đoán rằng nó đã nhầm hắn với người trong ảnh.
Thằng nhỏ vẫn bám chặt lấy hắn, cà mặt vào bộ râu lởm chởm.
-Đêm nay bố lại "ru à ơi" nhé!
Hắn chợt run lên khi nhận ra, cứ mỗi khi gọi "bố ơi" và ba từ "ru à ơi" thằng nhỏ lại nói bằng tiếng Việt. Đáng lẽ phải an ủi và tìm một lời nói thích hợp nào đó với thằng bé thì hắn vẫn chỉ im lặng, chỉ vụng về vỗ vỗ vào lưng nó.
Dường như cảm nhận được thái độ lảng tránh của người đàn ông mà nó đang ôm, thằng bé buông tay ra, chăm chăm nhìn hắn rồi lại hướng ánh mắt đau đáu vào tấm ảnh hồi lâu, vẻ mặt phân vân, ngơ ngác.
Hắn vẫn lặng nhìn thằng bé. Cái nhìn của nó đưa tụt hắn quay trở lại miền kí ức. Trước đây, hắn cũng đã nhiều lần nhìn tấm ảnh cha trên bàn thờ như vậy. Vụt nhói nỗi đau xé lòng, cảm giác hụt hẫng khi nhận giấy báo tử cha và chuỗi ngày khổ cực của bốn mẹ con suốt những tháng năm dài dằng dặc. Lúc ấy, hắn đang học lớp một, trạc tuổi thằng nhóc này. Dù mẹ ở vậy tảo tần thay chồng đùm bọc ba anh em hắn, nhưng kể từ ngày đó hắn đã biết thế nào là vắng cha quạnh nhà… Hắn chặc lưỡi, khẽ lắc đầu. Sự ái ngại pha chút thương hại thằng bé thoắt biến thành cảm giác xót xa cứ dâng lên, lớn dần lên trong hắn.
Vừa đáu đáu nhìn vào tấm ảnh, vừa rón rén, từ từ nâng khuôn mặt người đàn ông trong tấm kính lên ngang tầm mắt, thằng bé thầm thì:
-Bố ru à ơi...!
Gương mặt nó đầy vẻ thành kính, nhẫn nại như chờ đợi câu trả lời của người trong ảnh. Rồi đôi mắt ấy quay sang hắn. Lặng lẽ, da diết, vời vợi và chứa chan hi vọng.
Đến lúc này, hắn cảm thấy sẽ là tội lỗi nếu cứ tiếp tục im lặng và lảng tránh ánh mắt ấy.
-Ừ, bố sẽ ru! - Hắn bỗng nhiên thốt lên bằng cái giọng đã ầng ậc, rồi đưa bàn tay lên khẽ xoa đầu thằng bé. – À… á à ơi…
Hắn chỉ ngân lên được có vậy thì nghẹn lại. Câu hát ru khắc lõm trong tâm tưởng dù lâu lắm rồi chưa được nghe ai hát lại… Nhưng sao hắn lại không thể cất lời đúng lúc này? Thằng bé thần người ra chờ đợi. Cặp môi run run. Rồi bật khóc. Tiếng khóc tức tưởi bị ém tận trong cổ họng. Nó xoè bàn tay nóng hầm hập ôm đầu hắn, sờ khắp bên má, vuốt xuống cằm và lùa vào mớ tóc dày cợp, rối bung. Người nó run quằn lên trong tiếng khóc bị kìm nén. Những giọt nước mắt nóng hổi tưới đẫm má hắn.
-Đừng khóc! -Hắn khẽ vỗ về và chỉ biết nói đúng vậy.
Thằng bé vẫn thổn thức, người giật lên theo từng tiếng nấc cụt.
-Không… có bố… các… bạn… ở… lớp… cứ… bắt… nạt…
Hắn nắm tay thằng bé, bóp nhẹ và đưa lên môi lướt nhẹ:
-Ngày mai bố sẽ đi cùng con đến trường.
Thằng bé rúc sâu hơn vào cổ hắn, tiếp tục thổn thức:
-Chú…Daniel…buổi…tối…cứ…đánh…bắt…con…phải…đi…ngủ…sớm…Chú… vào phòng…với mẹ…Mẹ…không yêu…con…!
Một thoáng im lặng ngột ngạt. Hắn và thiếu phụ nhìn nhau bối rối.
Thiếu phụ gượng gạo lên tiếng:
-Anh ngồi đây với cháu, để tôi vào bếp bắc nồi xúp.
Rồi cô ta vội vã đi ra. Thằng bé vẫn nước mắt lưng tròng, cuộn tròn trong lòng hắn như một cục bông mềm mại, ấm áp. Hắn vụng về xiết chặt lấy nó. Bỗng thằng bé vùng vằng, gạt tay hắn ra, ngước mắt nhìn trách móc.
-Không phải thế. Bố quên mất rồi!
Rồi nó tự động nằm vắt ngang qua đùi, đầu gối lên cánh tay phải, cầm cánh tay trái của hắn đặt lên trán nó:
-Bố "ru à ơi" đi!
Bàn tay trái của hắn ngoan ngoãn theo sự chỉ dẫn của thằng bé. Hắn xoa lên mái tóc mềm như tơ của nó và bỗng nhớ câu thơ của một người bạn ngâm nga lúc cả bọn -say ngất ngư trong cái đêm mừng hắn vừa ra tù. Hắn khẽ khẽ hát:
-À ơi! Con cò con vạc con nông…Còn bao con nữa sao không thấy về..." (3)
Đôi mắt đỏ ngầu vì sốt đang nhắm nghiền chợt mở to, nhìn hắn. Vẻ phân vân, nghi ngờ. Cái đầu nhỏ ngóc lên rồi lại quật xuống ngay, từ từ thiếp đi… Hắn vẫn ngâm nga mấy câu thơ mà kí ức còn lưu giữ được.
Thoảng từ bếp vào mùi xúp khoai tây nấu với thịt bò pha lẫn mùi lá nguyệt quế khô thơm hăng hắc. Thiếu phụ ló đầu vào, thầm thì:
-Xong rồi, chúng ta ăn thôi!
Hắn khẽ khàng đặt thằng bé xuống giường rồi đi ra bếp.
Trên bàn ăn, hai đĩa xúp bốc khói nghi ngút, bên cạnh là một chai vang đỏ.
-Chúc sức khoẻ! Tên tôi là Marta!
-Chúc sức khoẻ! Còn tôi là Vinh!
Họ cụng li và uống cạn. Hắn khẽ nhăn mặt vì vị chua loét của thứ vang rẻ tiền và cắm đầu, nghiến ngấu ăn. Marta nhìn vẻ háu đói của hắn, cười mơ hồ. Sau tuần rượu vang thứ ba, Marta nhìn hắn:
-Anh không định hỏi gì tôi sao?
Hắn mỉm cười, lắc đầu:
-Không, vì tôi biết cô sẽ tự kể.
Vừa nói, hắn vừa nheo mắt nhìn Marta. Tuy chẳng phải là tay sành sỏi tâm lí phụ nữ, nhưng hắn biết, trong căn phòng nhỏ lặng lẽ, bên chai rượu đã cạn gần nửa, ngoài trời tuyết lại đang phủ phê dăng mắc cái lạnh tê tái, người ta bỗng cần được chia sẻ… Mấy thằng đực rựa cứng vía như hắn cũng thấy mềm lòng chứ nói gì một thiếu phụ trẻ góa chồng đang chứa chất mọi nỗi niềm…
Marta lại với li vang, làm một hơi. Mắt long lanh vì men rượu trên khuôn mặt ửng hồng, cô châm điếu thuốc rồi khẽ khàng:
-Chắc anh cũng đoán ra, bé Tomek không phải là con đẻ của tôi. Tôi làm vợ Việt khi mới 18 tuổi. Tôi không ân hận vì đã lấy anh ấy, dù khi đó tôi bị cha mẹ và tất cả anh chị em từ mặt, vì họ không ủng hộ cuộc hôn nhân dị chủng này. Sau ba năm sống với nhau vẫn không có con, chúng tôi đi khám. Bác sĩ nói Việt vô sinh. Anh ấy rất buồn và bị trầm cảm một thời gian dài. Việt muốn giải phóng cho tôi, nhưng tôi không chịu vì yêu anh ấy. Sau nhiều lần bàn bạc, chúng tôi quyết định về Việt Nam xin con nuôi. Trong số trẻ xanh xao vàng vọt ở trại tế bần, chúng tôi chọn một bé trai, chính là Tuấn. Bé Tuấn bị mẹ bỏ rơi ngay tại bệnh viện và được đưa vào trại. Lúc đó cháu mới được hai tuổi. Sau gần nửa năm trời lo chạy các thủ tục nhiêu khê, phiền hà, chúng tôi cũng đón cháu sang được bên này. Vì tên Việt Nam là Tuấn, nên khi làm thủ tục nhập quốc tịch Ba Lan cho cháu, chúng tôi đổi thành Tomek. Từ ngày có Tomek, Việt rất vui và hạnh phúc. Anh chăm bẵm, nâng niu Tomek như con đẻ. Thằng bé yêu bố lắm. Nhưng vì lo việc làm ăn, nên hàng ngày chúng tôi phải gửi cháu ở nhà bà bảo mẫu từ sáng sớm đến tối mịt. Về đến nhà là Việt giành hết phần chăm sóc con. Anh chỉ buồn là thằng bé suốt ngày ở với người Ba Lan nên bao nhiêu công sức bỏ ra để dạy nó nói tiếng Việt nhưng vẫn không thành. Cho đến năm bốn tuổi, Tomek chỉ biết gọi "bố ơi" và bập bẹ câu "bố ru à ơi đi" bằng tiếng Việt mỗi khi nằm cuộn tròn trong lòng để được nghe bố hát ru hàng đêm. Bao giờ cũng bắt đầu bằng câu “à…ơi”…
Marta cố bắt chước giai địêu mà Việt đã hát ru Tomek nghe ngồ ngộ. Rồi cô ta nhấp thêm ngụm rượu, mắt khép lại như đang tự lắng nghe tiếng ngân còn đang vọng trong lòng mình...
-... Cuộc sống của chúng tôi chả sung túc gì nhưng vẫn thấy đầy đủ, trọn vẹn… Chúng tôi có nhau, đủ cả ba người thành một gia đình, có bạn bè, cả những người Việt ở quanh đây… Có hội hè, tụ tập để Việt nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương. Tomek có bạn bè giống như nó để nô đùa… Cuộc sống của chúng tôi cứ êm đềm trôi đi mà chả mong ước gì hơn thế… Cho đến một đêm, Việt từ biệt hai mẹ con tôi lên Vác sa va lấy hàng về bán…
Marta nghẹn lời, nước mắt tràn xuống má. Cô cố giữ không bật thành tiếng. Hắn rót cho cô thêm một ly vang nữa. Marta ngửa cổ uống cạn. Rồi lại ngồi im phắc. Hắn đợi một lát rồi rụt rè hỏi:
-Có chuyện gì xảy ra vậy?
Marta lấy tờ giấy ăn trên bàn thấm đôi mắt ướt nhượt:
-Chính tôi cũng không biết. Sáng hôm sau, xe cảnh sát chở tôi tới một cánh rừng gần đường quốc lộ nhận xác chồng. Việt bị giết ngang đường, bao nhiêu tiền nong bị cướp sạch.
Hắn ngậm ngùi:
-Tôi cũng có được nghe qua về vụ này hồi… (Suýt nữa thì hắn bật ra ba chữ “hồi ở tù”)… -Không ngờ, người đó lại là chồng cô... Thế cảnh sát có tìm ra thủ phạm không?
Marta buồn bã lắc đầu, khẽ chua chát:
-Chưa, hơn hai năm trôi qua rồi. Có lẽ họ cũng chẳng thèm tìm nữa. Anh biết đấy, thân phận của người dân nhập cư ở đất này như chiếc lá rụng vào cuối thu ấy mà.
Hắn nhói lòng nhưng miệng lại chợt mỉm cười. Marta nhìn nụ cười của hắn và khẽ cúi thấp đầu xống.
-Những ngày đầu khi Việt mất, Tomek chẳng chịu ăn, cứ khóc ngằn ngặt gọi "bố ơi!" và hỏi bố bao giờ bố về? Tôi biết nói sao với thằng bé hả anh?... Con khóc, mẹ cũng khóc theo… Khổ nhất là ban đêm, nó cứ bắt tôi "ru à ơi". Mà tôi đâu có biết ru bài hát Việt nào? Nó khóc lả đi tới khi kiệt sức. Trong giấc ngủ, thỉnh thoảng lại thổn thức gọi "bố ơi!"… Kể từ đó, thằng bé thường ngồi lặng hàng giờ bên khung cửa sổ, nhìn xuống đường, nơi ngày xưa Việt hay đỗ xe mỗi lần đi xa về. Nó lặng lẽ như một cái bóng. Ngay cả khi tôi hỏi và dỗ dành nó chỉ gật hay lắc đầu. Đến nỗi, những ngày đầu tới trường, các cô giáo tưởng nó câm. Giờ tan học, trong khi các bạn nô đùa ngoài sân, Tomek vẫn một mình thừ thẫn bên gốc sồi già, nhìn theo những đứa trẻ được bố đến đón… Đêm đến, nó ôm ảnh Việt vào lòng, thầm thì gọi: "Bố ơi! Bố ru à ơi đi!" cho tới khi thiếp đi. Mãi đến hôm nay, nó mới lại nói nhiều như vậy, vì ngỡ rằng…
-Tôi là Việt? - Hắn buột miệng và chợt thấy mắt mình cay cay.
-Vâng! – Marta khẽ gật đầu - Bởi anh và Việt có nhiều nét giống nhau tới mức chính tôi cũng ngạc nhiên từ cái nhìn đầu tiên.
Tới giờ, hắn đã hiểu vì sao lại cảm thấy khuôn mặt của người đàn ông ở tấm ảnh đầu giường Tomek trông rất quen.
-Thế bây giờ hai mẹ con sống ra sao?
Marta rít một hơi thuốc, lắc đầu buồn bã:
-Chật vật và mệt mỏi. Tôi không nhận được sự trợ giúp nào của gia đình mình, vì mọi người đã quay lưng lại ngay từ khi tôi lấy Việt.
-Thế còn những người bạn của Việt? Những người vẫn thường tụ tập với gia đình chị khi Việt còn sống? -Hình như hắn chợt cao giọng và gay gắt.
Marta cười mệt mỏi:
-Họ có giúp hai mẹ con tôi. Nhưng chỉ sau khi Việt mất được vài tháng, họ đã phải bỏ đi chỗ khác sinh sống. Vì đây là thị trấn sát biên giới Đức, các nhóm đưa người hay tập kết làm chỗ vượt biên nên cảnh sát và lính biên phòng truy lùng gắt gao lắm. Mà họ lại không có giấy tờ cư trú hợp lệ.
-Tôi hiểu! -Hắn cay đắng nghĩ đến cảnh nháo nhào, tán loạn như ong vỡ tổ của những người đồng bào chạy trốn các đợt bố ráp của cảnh sát hay đám lính biên phòng.
Marta nhìn hắn dò hỏi:
-Còn anh có giấy tờ đấy chứ?
-Có! -Hắn đáp, theo thói quen, khẽ đưa tay sờ vào túi, nơi có quyết định tha trước thời hạn của Viện kiểm sát tỉnh N. và lệnh cấm không được ra khỏi biên giới Ba Lan trong thời hạn sáu tháng để thử thách. Cái lệnh này chính là lá bùa cứu cánh của hắn trước các nhà chức trách, vì họ không thể trục xuất một kẻ bị cấm xuất cảnh.
-Anh có vợ chưa? –Marta nheo mắt.
-Chưa!
-Thế con cái? -Lại một cái nheo mắt kèm theo nụ cười trêu trọc.
-Điều này thì chính tôi cũng không biết!
Hắn đáp một cách hết sức thành thật rồi nhìn Marta. Cả hai cùng tủm tỉm cười. Nụ cười đầu tiên từ khi hắn có mặt trong căn hộ cũ kĩ này.
Chợt có tiếng kẹt cửa. Cả hai cùng quay lại. Tomek đứng thập thò ở cửa bếp nhìn họ.
-Kìa, con ngủ đi chứ! Đang ốm kia mà? –Marta nói với thằng bé.
Thằng bé vẫn im lặng, trân trân nhìn hai người.
-Con đói à? Mẹ múc xúp cho con nhé?
Vẫn im lặng, chỉ cái đầu khẽ gật gật. Thằng bé tiến vào bàn, kéo ghế ngồi bên cạnh hắn. Marta để đĩa xúp trước mặt Tomek.
Thằng nhỏ thần người nhìn đĩa xúp, rồi lại ngẩng nhìn hắn như chờ đợi. Không thấy hắn phản ứng gì, nó lẳng lặng đứng dậy mở cửa nhà vệ sinh, mắt ngấn nước.
Marta thì thào:
-Nó muốn anh xúc cho, như ngày trước Việt vẫn làm.
Hắn gật đầu, chợt hiểu và đứng dậy. Đứng nép trong góc toilet, thằng bé gục đầu khóc không thành tiếng. Người nó run bần bật, mắt đỏ hoe, môi sưng vều, trên tay cầm chiếc khăn bông dày cộp. Hắn tiến tới, cúi xuống ôm lấy nó:
-Đừng khóc nữa! Quay lại bàn ăn đi, bố sẽ xúc cho con!
Chính hắn cũng ngạc nhiên về những điều vừa nói. Dường như có cái gì lạ lắm, vô cùng ấm áp đang từ góc tối thẳm sâu lan toả khắp cơ thể. Cả người hắn chùng xuống. Đôi cánh tay lực lưỡng mềm mại quấn quanh người thằng bé nhấc bổng nó ra khỏi toilet như nâng một bông hoa tuyết mong manh. Hắn lấy thìa bón súp cho Tomek. Thằng bé cố há to mồm nhai trệu trạo những lát bắp cải đã được ninh nhừ. Hắn bẻ mẩu bánh mì đen cho vào mồm nó. Tomek gạt tay, bặm môi, lắc đầu. Đôi mắt nó ngước lên, ngỡ ngàng. Marta đứng cạnh lặng lẽ, căng thẳng theo dõi hai người và đợi lúc thằng bé cúi mặt chờ đợi bèn cuống quít ra hiệu phải xé bánh mì thành những mẩu nhỏ cho vào đĩa xúp. Hắn vụng về làm theo. Thấy những mẩu bánh mì vụn lềnh bềnh trong đĩa xúp, thằng bé ngẩng lên nhìn hắn vẻ hài lòng. Nó gắng sức, nhẫn nại ăn bằng hết.
Đêm ấy, khi ôm thằng bé ở trong phòng ngủ, nó cứ chăm chăm nhìn bức ảnh, rồi lại phủ ánh mắt ấy lên gương mặt hắn vẻ phân vân, đắn đo… Nhớ lại lời kể của Marta, hắn tháo bức ảnh Việt đang treo trên tường đưa cho Tomek để nó ôm trong giấc ngủ. Thằng bé nhìn hắn hồi lâu, vẫn cái vẻ phân vân, đắn đo… Rồi đặt bức ảnh lên bàn, ngần ngừ nó vòng tay ôm chặt lưng, đầu đổ gục vào bộ ngực vạm vỡ, khiến những sợi tóc mềm mại thoang thoảng như hơi thở phà vào cái cằm đầy râu của hắn. Hắn đỡ thân thể bé xíu, mềm như một nhúm bông đang cuộn tròn trong lòng hắn và khẽ khàng nằm xuống.
Hắn chạnh lòng nghĩ đến phần đời đã qua của mình. Trước khi sa cơ lỡ vận, hắn đã có những người đàn bà. Họ chiếm đoạt hắn, hay hắn chiếm đoạt họ trong bao đêm cô đơn buồn tủi? Cũng vậy cả thôi! Cũng chỉ là những cuộc tình tạm bợ như kiếp sống lang thang được chăng hay chớ, bèo dạt mây trôi. Hắn chẳng nhớ được mấy khuôn mặt của họ, vì đa phần các cuộc tình ấy luôn tắm trong rượu và những nỗi chán chường. Cả tên tuổi, màu da, mái tóc, dáng vẻ… Có chăng một chút gì đó trong ánh mắt còn lưu lại khi hắn chạm mặt họ vào giây phút ít tính người nhất. Nếu có cơ sự nào đó gặp lại lần thứ hai chắc gì đã nhận ra nhau? Hắn đã yêu ai chưa nhỉ? Hình như chưa. Những cuộc tình chớp nhoáng, hối hả chợt đến, chợt đi trên mọi nẻo đường nơi hắn đặt chân. Cũng có lúc, hắn thèm lắm một mái ấm gia đình, nơi có người đàn bà gọi là vợ và những đứa con do nàng đẻ ra. Nhưng chỉ ở tù một thời gian, hắn chả thiết tha gì cái mái ấm ấy nữa, mà chỉ muốn có một hai đứa con của mình và đếch cần quan tâm đến việc người đẻ ra chúng là một con điếm hay nữ hoàng… Bốn năm ngồi bóc lịch, hắn đã nhiều lần chứng kiến các cuộc thăm nuôi mà tụi bạn tù được hưởng. Năm thằng cùng phòng với hắn đều đã có gia đình. Nhưng đứa hạnh phúc nhất cũng chỉ được vợ đi thăm nuôi hết năm thứ hai là vác mông chạy theo thằng khác. Để rồi sau đó họ chìm đắm trong nỗi đau của kẻ thất bại bị bỏ rơi, quên lãng. Nó còn kinh khủng hơn nỗi cô đơn của hắn… Những lúc ấy, hắn thấy mình còn may chán, bởi cuộc sống tù đày như một con tàu chậm rì rì nhưng lại cần mẫn chạy một mạch mà không tốn thời gian dừng lại ở các ga xép dọc đường... À không, nói chính xác, hắn cũng được thăm nuôi một lần bởi một cô gái điếm mà hắn từng là khách ruột. Hắn quen nàng tình cờ trong một “tổ quỉ” ở trung tâm thành phố và thấy thích thú ngay với vẻ chân quê của cô thôn nữ miền hạ lưu sông Đông lưu lạc sang đất này. Nàng chân chất, giản dị, hay nói theo ngôn ngữ của đám quen xài “vợ một đêm” như bọn hắn, là “còn chưa biết vẽ mặt”. Nếu phần lớn các cô gái bán hoa đều luôn giữ gìn “ốc đảo” của mình thật nhẵn nhụi, bảnh bao để phòng tránh bệnh tật, thậm chí còn chăm chỉ hơn cả đám đàn ông hàng sáng đứng cạo râu trước gương, thì nàng giống như cánh rừng hoang vu với tất cả những dấu tích nguyên thủy mà thiên nhiên trù phú ban tặng. Đám cỏ miền thảo nguyên mềm mại sau cơn mưa lan tỏa từ miền đồng bằng, lên bình nguyên, xuống thung lũng như níu kéo, như chỉ dẫn cho con chiên tội nghiệp đường đến thiên đàng. Đối với những hiệp sĩ mệt mỏi lang thang, đơn thương độc mã một mình một ngựa suốt ngày phải đánh nhau với cối xay gió ở những vùng bình địa, thì cánh đồng lúa mì vàng rực ấy luôn là nỗi khát khao. Chẳng hiểu có phải cũng cám cảnh thân phận cá nước chim trời của kiếp trai tứ chiếng, gái giang hồ hay vì cách đối xử hào hiệp đầy vẻ Đông Ki Sốt của gã khách chơi, mà nàng dành cho hắn một sự ưu ái thật đặc biệt. Mỗi lần hắn đến, dù là với vẻ phởn phơ thèm muốn của một con đực đang đói khát, hay với nét mệt mỏi, chán chường của con la già kiệt sức; bao giờ nàng cũng đằm thắm hôn rất lâu vào môi hắn theo cái lối mà chỉ những nữ thần trên đỉnh Ôlimpơ dành cho người tình trong mộng. Những lúc ấy, dường như cả hắn và nàng đều quên đi thân phận lưu lạc của mình, quên đi số kiếp hẩm hiu như mang theo từ tiền kiếp… Chỉ còn lại đôi tình nhân đắm đuối chợt nhận ra kẻ kia là món quà quí báu duy nhất trên đời dành cho họ. Có nhiều lần “đi qua đêm”, sau những thời khắc mê mải ân ái, hắn ngủ thiếp đi, nhưng vẫn lờ mờ cảm nhận được mình đang gối đầu vào lòng nàng. Nàng ngồi lặng lẽ vuốt tóc, vuốt mặt hắn, ngắm nhìn cái dáng ngủ còng queo nhăn nhó vừa qua một trận ẩu đả tranh giành trong cuộc mưu sinh. Có lần hắn đã bắt gặp những giọt nước mắt âm ấm, mằn mặn rơi ra từ đôi mắt màu hạt dẻ… Nàng khóc cho hắn hay cho chính thân phận bèo bọt của mình? Đến lúc bị bắt, đôi khi hắn vẫn thoảng nghĩ đến nàng như nghĩ về chân trời tự do đang vẫy gọi… Nhưng nghĩ là nghĩ vậy thôi.
...Ai ngờ, vào một buổi chiều thu sau nửa năm ngồi ngắm trời xanh qua khung cửa sổ tò vò, người ta gọi hắn lên gặp thân nhân. Lầm lũi đi theo viên quản giáo qua bốn lần cửa sắt, năm dãy hành lang dài hun hút, hắn băn khoăn tự hỏi cái người cất công đến tận nơi heo hút này với hắn là ai? Đến lúc thấy nàng ngồi sau tấm kính, hắn ngỡ ngàng choáng váng như đang trong bóng tối bất đồ bước ra ánh nắng… Đúng là nàng! Đôi mắt màu hạt dẻ buông trùm cái nhìn buồn bã rưng rưng lên hắn. Hắn ngồi lặng đi, trân trân nhìn nàng và cố hiểu điều gì đang xảy ra? Sau giây phút choáng ngợp, cả người hắn bừng bừng thèm khát được nhoài người qua tấm kính cách li xiết chặt lấy tấm thân rừng rực mà hắn đã quá quen thuộc ngấu nghiến cho xương cốt nàng kêu răng rắc như con trăn núc mồi, và sau đó lại được gục đầu vào lòng nàng như những phút giây hiếm hoi nào đó mãi mãi lùi xa vào quá khứ. Đến khi lờ mờ hiểu ra rằng nàng tìm đến để từ biệt, vì có một gã khách làng chơi người Đức đem lòng yêu và đón nàng sang bên đó thì giờ thăm nuôi đã hết. Hắn cuống cuồng, vội vã, chỉ kịp lào khào nói với nàng những lời không đầu không cuối, rằng nàng hãy bảo trọng, rằng hắn còn một khoảng thời gian ngồi tù dài dằng dặc, nếu thấy cuộc sống bên đó không ổn thì hãy quay lại tìm hắn sau ba năm rưỡi nữa… Nàng nhìn hắn, lặng lẽ gật đầu, từ đôi mắt u buồn những giọt nước mắt ứa ra. Đôi môi mọng ướt mấp máy câu “vĩnh biệt”. Năm ngón tay gầy guộc trắng muốt huơ huơ sau tấm kính. Viên quản giáo phải giục đến lần thứ hai, hắn mới lê nổi bước chân. Vừa cố tình dùng dằng kéo dài thời gian trước khi rúc đầu vào khung cửa sắt nặng trịch, hắn vừa ngoái đầu nhìn lại bóng dáng mảnh mai của nàng đang đi qua khoảng sân rợp lá vàng. Bỗng một cơn gió thốc đến, cuốn những chiếc lá vàng cuối thu xơ xác vướng vít quanh đôi chân nàng đang bước đi liêu xiêu, ngập ngừng… Hắn chợt sợ nàng vấp ngã trong cơn gió nhẹ ấy. Rồi lại chợt nao lòng nhớ về thành phố tuổi thơ bây giờ cũng đang tiết heo may…
Tomek khe khẽ cựa mình, hoảng hốt ngồi nhỏm dậy, mắt vẫn nhắm nghiền, đưa tay quờ quạng… Bàn tay bé xíu lứơt nhẹ trên gương mặt hắn. Rồi nó yên tâm đổ gục xuống, hơi thở nhẹ dần, nhẹ dần… Khẽ nâng đầu thằng bé gối lên bắp tay, hắn áp mặt vào mái tóc ngầy ngậy mùi sữa và vỗ nhè nhẹ vào mông nó. Sao bỗng dưng hắn thấy mình yếu đuối thế này? Cứ muốn được nằm mãi như vậy, bên thằng bé, ôm ấp nó, hít hà mùi da thịt con trẻ, mọi nỗi niềm đau đớn tan chảy… Bỗng dưng thấy mắt cay cay. Chả muốn khóc và chả có lý do gì để khóc nhưng nước mắt cứ chờ chực bờ mi. Cả người nhũn ra, không còn bất cứ sự chống chọi nào, cố gắng nào. Muốn buông bỏ tất cả. Mặc xác cuộc mưu sinh bất tận. Mặc kệ cuộc đời chó má. Hắn muốn vứt hết, vứt hết để đổi lại giây phút này. Lạ quá, chưa bao giờ hắn thấy bình yên đến thế.
Ngoài trời gió vẫn điên cuồng gào thét, tuyết vẫn tả tơi bay. Thằng bé lại mơ ngủ, bàn tay vẫn quờ quạng tìm kiếm trên gương mặt hắn. Nâng nhẹ mấy ngón tay bé xíu âm ấm se sẽ cà lên mặt, hắn bất chợt mỉm cười. Những ngón tay nhỏ duỗi dần, duỗi dần, vô lực… Hắn khẽ ngậm từng đầu ngón tay trong miệng, lẩn mẩn như đang thực thi một nghi lễ không biết chán. Mặc kệ ngày mai. Mặc kệ tương lai. Mặc kệ hết…
Chợt có tiếng kẹt cửa rất khẽ. Marta!
Cô ta rón rén đi vào trong phòng, tiến tới chiếc giường, nơi hắn đang ôm Tomek nằm thao thiết, khẽ ngồi xuống thành giường, đưa tay sửa chiếc chăn và xoa đầu Tomek. Bàn tay run run vuốt dọc theo má Tomek và khẽ chạm phải cánh tay hắn. Bàn tay dừng lại. Ngập ngừng… Hắn nằm im thin thít trong bóng tối lờ mờ, cố nén một tiếng thở dốc. Ít giây sau, bàn tay ấy khẽ khàng lần theo cánh tay vạm vỡ tiến lên cổ, lên mặt hắn. Những ngón tay lùa vào mái tóc, lan xuống mặt và mơn man bờ môi kèm theo tiếng thở dài nghèn nghẹt. Hơi thở bị kìm nén nóng hổi phả vào mặt hắn. Cái mũi vốn bình thường luôn khụt khịt, thậm chí để thở cũng không xong, lúc này trở nên thính nhạy đến lạ lùng. Một mùi ngai ngái, ngầy ngậy, đặc trưng của giống cái lúc động dục như lan tỏa, thấm đẫm từng tế bào đang căng cứng trong thân thể hắn. Bàn tay đang ở phần ngực, xuống dần phần rốn. Hắn khẽ hóp bụng. Bàn tay chui sâu, khựng lại. Những ngón tay run run vuốt lên, vuốt xuống. Người hắn nhũn ra, đầu óc mụ mị, đờ đẫn. Hắn vờ trở mình, đặt tay lên đùi nàng. Lập tức, có một bàn tay khác khẽ nắm lấy nó lôi đến miền ẩm ướt rậm rạp. Những ngón tay hắn trơn tuột, xõng xoài. Hắn đưa tay còn lại vít lên cần cổ mong manh đang cong xuống. Như chỉ chờ có thế, tấm thân mềm nhũn, nóng hổi phủ phục lên người hắn. Trong một sự cố gắng ghê gớm, hắn khẽ khàng tuột xuống giường nhẹ nhàng như một con mèo để khỏi kinh động giấc ngủ của thằng bé và bồng lấy tấm thân mềm oặt nóng rực của thiếu phụ đi sang phòng khác…
-Sao bây giờ anh mới xuất hiện hả Vinh?
Nhấm nháp những giọt mồ hôi đang túa ra ướt đẫm ngực hắn, Marta vừa hỏi, vừa ngước nhìn bằng ánh mắt âu yếm, nuối tiếc và đầy trách móc. Lúc này nàng đã gọi đúng tên hắn, chứ không phải là “Việt” như ít phút trước đó mà nàng đã gào khản cổ trong những cơn khoái cảm liên tiếp.
Hắn nhìn nàng trìu mến, pha lẫn chút mệt mỏi nhưng đầy sảng khoái, thốt nhiên bật ra một câu như từ trong vô thức:
-Cho anh thay thế chỗ của Việt, được không em?
Một cái lắc đầu đầy tuyệt vọng, đôi mắt nàng nhắm nghiền:
-Muộn quá rồi Vinh ạ! Anh chỉ có thể là Việt đối với Tomek thôi!
-Tại sao? - Hắn nhíu mày.
Marta như chực khóc, nàng giơ ngón tay áp út:
-Bởi em đã đính hôn với người khác mất rồi…
-Daniel phải không? - Hắn chợt nhớ đến lời mách của Tomek và khoảng lặng ngượng ngùng giữa hai người lúc ngồi ngoài bếp.
-Vâng! –Nàng khẽ gật đầu xác nhận.
-Bỏ hắn đi. Chẳng lẽ cái nhẫn này lại có thể trói chân em được sao? -Hắn chợt ngừng lời và thấy mình vô lí kinh khủng khi xui một người đàn bà bỏ chồng chưa cưới như xui một đứa trẻ con vứt đi chiếc kẹo đang mút dở.
-Không, muộn mất rồi! –Đôi môi nàng lại run lên – Em đã có thai với Daniel.
Nàng òa khóc.
Hắn lặng đi.
-Lẽ ra chúng em đã sang Ý, bố mẹ Daniel định cư bên đó, nhưng vì vướng bé Tomek nên chưa đi được… - Nàng ngước mắt nhìn hắn, đầy đau khổ rồi ngập ngừng: - Cả Daniel và gia đình anh ấy, không ai muốn có thằng bé… Vì Tomek không phải… là một đứa trẻ da trắng.
Nàng nói những từ cuối một cách chật vật, khó khăn rồi thở hắt ra.
Hắn choáng váng cau mặt, nghiến răng, bàn tay nắm chặt lại. Run run. Nhìn vẻ hung dữ của hắn, Marta tái mặt lắp bắp:
-Không… không… Vinh, em xin lỗi. Em không có ý định xúc phạm anh…
Hắn cười gằn:
-Hừ, không sao. Mười lăm năm nay, tôi đã quá quen rồi với những lời miệt thị ấy mà.
Marta nhẫn nhục cúi đầu.
Hắn hỏi tiếp:
-Thế hóa ra vì thằng bé mà các người chưa đi Ý được à? Các người định làm gì với nó đây?
Marta lắc đầu:
-Chính em cũng chưa biết. Daniel bảo nên cho Tomek vào trại trẻ mồ côi. Anh ấy đã sắp đặt xong việc này…
-Thế thằng bé đã biết là nó sẽ phải nhập trại chưa? -Hắn gần như quát lên. – Sao các người lại nỡ làm thế?
-Chưa, em chưa biết phải nói với cháu thế nào? - Marta bất khóc thút thít – Em có muốn thế đâu? Nhưng anh biết đấy, em là đàn bà…
Hắn nghiến răng, gằn giọng:
-Không được! Các người không được cho thằng bé vào đó!
Hắn hốt hoảng thật sự, vì chợt nhớ tới thằng bạn tù cùng phòng, là trẻ đường phố bị thu gom vào trại trẻ mồ côi. Số phận những kẻ như nó, thằng bạn tù bảo, hoặc là cầm súng sẵn sàng nhả đạn theo lệnh thượng cấp bất kể cái đích nhằm đến là ai, hoặc là cuộc đời trôi dạt ở những nơi tăm tối không ai buồn đặt chân tới. Chính cái thằng bạn tù ấy trước khi “nhập kho” đã từng lăn lộn, ngập ngụa trong những cuộc chiến đẫm máu vô nghĩa ở xứ Macedonia gần hai năm trời... Vậy mà giờ đây, người ta định cho Tomek vào trong đó. Hắn không ngăn được sự tức giận bỗng chợt bùng lên như đám cháy. Hắn hất mái đầu có lọn tóc nâu mềm mại ra khỏi cánh tay một cách thô bạo, rít lên:
-Tại sao các người lại đón nó sang đây nếu không đủ dũng cảm để chịu trách nhiệm về nó? Chẳng thà cứ để nó yên ổn với cái trại tế bần tại xứ sở của nó có phải hơn không? Đằng nào thì cũng là một cuộc sống khốn nạn, nhưng ít ra ở nơi ấy, nó không phải là con quạ đen giữa đàn quạ trắng. Và đất nước các người cũng chẳng hề hấn gì nếu thiếu mất một tay súng, một cái máy giết người có nguồn gốc da vàng đâu, hiểu không?
Hắn bật dậy, gầm gừ đi lại quanh căn phòng như một con hổ. Con hổ ấy đang khỏa thân và không còn ý thức đang ở đâu, được phép làm gì, nói gì?
Marta rền rĩ:
-Vâng, em hiểu. Nhưng em đâu có muốn để sự thể xảy ra như vậy. Em đã kể hết với anh rồi cơ mà?
Một quyết định vụt đến nhanh như tia chớp. Hắn nhìn người đàn bà đang ủ rũ thu vai ngồi trên giường nệm tan hoang, tanh bành.
-Được, tôi sẽ nhận Tomek làm con nuôi để giải phóng cho cô. Ngay ngày mai, chúng ta sẽ ra văn phòng luật sư hỏi thủ tục. Đằng nào thì cho tới giờ phút này, tôi vẫn một thân một mình hệt như thằng bé và nó lại cùng chủng tộc với tôi. Tốt cả cho tôi và cả cho nó… Tôi chưa bao giờ làm cha, nhưng nếu Tomek trở thành con tôi, thì cô hãy tin tôi sẽ là một thằng bố có trách nhiệm nhất. Cô cứ yên tâm mà chuẩn bị cho chuyến di cư của mình.
Người đàn bà ngồi ngẩn trên giường, nhìn hắn đang đứng giữa phòng, trần truồng, cơ bắp đang gồng lên trong cơn tức giận như bức tượng thần Hercules:
-Anh… anh nói thật đấy chứ?
-Tôi không có ý định kể chuyện tiếu lâm cho cô nghe đâu! - Bức tượng lạnh lùng trả lời.
Người đàn bà bước xuống đất, đến trước mặt hắn và quì xuống. Nàng ngước nhìn hắn bằng ánh mắt van vỉ.
-Em mang ơn anh, Vinh! Xin hãy cứu giúp hai mẹ con em! Hãy chăm sóc Tomek, vì quả thật, em không thể làm khác được.
Rồi bất ngờ, nàng bò đến bên hắn, úp mặt vào giữa hai đùi. Hơi thở ấm nóng, vành môi mềm mại, hối hả hôn lên đó một cách thành kính và đầy vẻ biết ơn. Hắn thô bạo đẩy đầu nàng ra.
-Cô định trả công cho tôi bằng cách này đấy à?
Marta đau khổ van vỉ:
-Không, đừng hiểu nhầm. Lẽ nào anh lại không thấy là em thèm khát anh thật sao! Chưa bao giờ em được hưởng cảm giác ấy với những người đàn ông khác. Vinh! Hãy yêu em đi!
Hắn nhìn chằm chằm vào mắt nàng, đôi mắt ấy đang dại đi nhưng vẫn lấp lánh một ngọn lửa. Hắn hiểu là nàng thành thật…
Buổi sáng, còn đương lơ mơ với giấc ngủ vùi muộn mằn, chợt hắn cảm thấy có một bàn tay sờ vào má, vào vai, khẽ lay lay.
Tomek đang nhìn hắn bằng đôi mắt trong veo, hun hút buồn. Rồi nó luồn tay qua gáy kéo hắn ngồi dậy, lặng lẽ ấn vào chân hắn đôi kapcia . Hắn đưa mắt nhìn và chợt hiểu đây là đôi dép của Việt. Hơi chật, nhưng để chiều thằng bé, hắn vẫn cố ních chân vào. Tomek nắm tay hắn kéo ra ngoài, không thốt một lời.
Marta đang pha trà, chuẩn bị bữa ăn sáng ngoài bếp. Nàng kể là sáng nay dậy trước, Tomek vạch áo và ngạc nhiên khi thấy vết đánh gió trên ngực. Được Marta giải thích, Tomek nhớ lại mọi chuyện xảy ra tối qua. Nó vội chạy đi tìm đôi kapcia (4) của Việt rồi hí húi mang bàn chải ra cọ sạch những vết mốc.
Sau bữa sáng Tomek đồng ý đến lớp học với lời bảo đảm là sẽ được hắn đưa đón như lũ trẻ khác. Từ bãi để xe, hắn dắt tay Tomek đi vào cổng trường. Thằng bé lầm lũi đi bên cạnh, thỉnh thoảng lại ngước mắt lên nhìn hắn. Khi hắn âu yếm nhìn lại, nó vội quay phắt đi. Marta lững thững đằng sau.
Một đám trẻ đang vốc tuyết thành những nắm to tướng ném vào người nhau. Thấy Tomek đi bên hắn, một đứa hét tướng lên:
-Ê, thằng con hoang! Mày đi với ai đấy?
Tomek ngước lên nhìn rồi bất ngờ tuột khỏi tay hắn, chạy lại húc đầu vào người thằng bé kia. Tất cả còn đang sững sờ ngạc nhiên vì thái độ phản ứng của Tomek thì thằng bé đã thản nhiên quay lại, nắm tay hắn kéo đi. Hắn cảm thấy bàn tay của thằng bé siết chặt những ngón tay hắn.
Hai phụ nữ đang đứng tán gẫu trước cổng trường, một người nhìn Tomek, nháy mắt cười thân thiện:
-Chào Tomek! Hôm nay có khóc nhè đòi bỏ học không đấy?
Thằng bé lắc đầu, dõng dạc:
-Rồi ngước lên nói với hắn: -Pani này là cô giáo của con!
Hắn nghiêng mình, lịch sự cúi chào. Bà giáo khẽ đáp lễ rồi ngớ người ra nhìn Tomek, lẩm bẩm:
-Lạy Chúa lòng lành! Hi vọng là mọi chuyện đã ổn với thằng bé!
Lúc chia tay trước cửa lớp, hắn cúi xuống ôm chặt Tomek. Thằng bé nhìn hắn, thì thào:
-Chiều nay bố có đến đón con không? Bố sẽ không bỏ con đi nữa chứ?
Hắn nhìn vào đôi mắt trong veo của thằng bé, giọng khàn khàn như mắc nghẹn nơi cổ họng:
-Tất nhiên… Bố sẽ đến đón con!
Tomek buông tay hắn, lững thững sải những bước dài vào trong lớp. Hắn nhìn theo cho tới khi nó đã lẫn vào giữa đám bạn mới quay người đi ra xe. Marta đứng cách một đoạn dưới gốc cây sồi già đã rụng trơ hết lá, chỉ còn lại các cành tua tủa phủ đầy tuyết trắng, nhìn hắn và thằng nhỏ. Ánh mắt nàng xa xăm, trĩu nặng ưu tư...
° ° °
-Rất tiếc phải nói với ông những lời này – Viên luật sư gõ nhẹ mấy ngón tay xuống mặt bàn như một thói quen khó bỏ - Nhưng rõ ràng là không ổn.
-Chẳng lẽ không còn cách nào hay sao? Đằng nào mà cháu chả phải sống trong trại tế bần- Hắn cầu khẩn.
-Không! Dù ai cũng biết cuộc sống trong trại tế bần không sung sướng gì, nhưng đó là một nơi được xã hội thừa nhận. Chắc chắn tòa sẽ không đồng ý cho ông nhận nuôi cháu bé, vì bản thân ông không có công ăn việc làm, nghĩa là không đảm bảo nguồn thu nhập để nuôi đứa nhỏ. Thêm một điều nữa… – Viên luật sư nhìn hắn vẻ ái ngại – Ông vừa ở tù ra. Điều này cũng sẽ làm cho quan tòa dễ dàng hơn để nói chữ “Không!”. Mặc dù tôi hiểu, đó chỉ là định kiến, một thứ định kiến chung của xã hội… Nhưng biết làm thế nào được?
-Tôi hiểu! - Hắn cay đắng thú nhận.
-Ông cũng nên thông cảm với các vị quan tòa, vì chẳng có gì bảo đảm khi hạn thử thách sáu tháng kết thúc, người ta sẽ cấp thị thực cư trú cho ông ở lại đất nư&