Dự án bảo vệ hành tinh - Giờ trái đất xuất phát từ mong muốn kêu gọi mọi người cùng nhau chống lại biến đổi khí hậu thông qua những hành động đơn giản nhất.
“Bảy năm trước, chúng tôi bắt đầu dự án Giờ trái đất và nó đã phát triển thành sự kiện thu hút nhiều người tham gia. Từ 1 đến hơn 7.000 thành phố, từ 1 đến 7 châu lục, từ 2 triệu đến hàng trăm triệu người cùng hưởng ứng”, Andy Ridley - Giám đốc điều hành và nhà đồng sáng lập của chương trình Giờ trái đất (Earth Hour) cho biết.
Sinh ra tại Anh nhưng đến năm 2002, Andy Ridley chuyển đến sinh sống và làm việc ở Australia. Sau khi trở thành Giám đốc Truyền thông của tổ chức Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên Australia (WWF), Andy mong muốn thực hiện một chiến dịch nhằm thu hút mọi người cùng nhau chống lại sự biến đổi khí hậu thông qua những hành động đơn giản nhất. Ông cùng với các đồng nghiệp của mình suy nghĩ, tìm tòi và cùng nhau trở thành nhà đồng sáng lập của chương trình kêu gọi “tắt đèn” trong một giờ đồng hồ với tên gọi là “Giờ trái đất”.
Mục đích của sự kiện này nhằm đề cao tiết kiệm điện năng, hướng đến việc giảm lượng khí thải điôxit cacbon (loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính) và đánh động sự chú ý của mọi người về ý thức bảo vệ môi trường. Ý tưởng của ông Andy Ridley trở thành hiện thực khi có hơn 2 triệu người và 2.000 doanh nghiệp tại Sydney cùng tham gia tắt đèn trong lễ khai mạc Giờ trái đất vào ngày 31/3/2007. Đến nay, sự kiện này thu hút hàng trăm triệu người trên 7.000 thành phố, thị trấn và 154 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia.
Ông Andy Ridley cho biết: "Sự lớn mạnh của Giờ trái đất trong những năm qua chứng tỏ nhiều người muốn nỗ lực hơn nữa để bảo vệ hành tinh của chúng ta, cho dù đó là việc một em học sinh tạo ra sự thay đổi trong phòng học của mình, hay là việc một vị tổng thống muốn thay đổi quốc gia”.