Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nước Mỹ

Posted on at


Biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa xa vời mà là thực tế nước Mỹ phải đối mặt.

Bản “Đánh giá khí hậu quốc gia” do chính phủ Mỹ công bố tháng 5/2014 đã công khai những nghiên cứu cụ thể về hậu quả của biến đổi khí hậu trên toàn nước Mỹ, đồng thời kêu gọi những giải pháp nhanh chóng và tích cực.

Theo Tiến sĩ John Holdren, Trợ lý tổng thống Mỹ phụ trách về Khoa học - Công Nghệ, Báo cáo đã đưa ra những “báo động mạnh mẽ, rõ ràng nhất” về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động đến nước Mỹ và dự báo những nguy cơ trong tương lai. Đồng thời John Holdren nhận định “biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa xa vời mà là thực tế con người cần phải đối mặt.”

Tác động tiêu cực đối với nhiều vùng miền và ngành nghề kinh tế

Các khu vực địa lí và ngành nghề kinh tế Mỹ đều đang chịu tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi. Tình trạng hạn hán ở khu vực Tây Nam nước Mỹ trở nên nghiêm trọng hơn, gây cạn kiệt nguồn nước và gia tăng cháy rừng. Hạn hán kéo dài ở California, tiểu bang lớn nhất nước Mỹ và các đám cháy thường xuyên xảy ra ở Oklahoma. Tại Alaska, nhiệt độ trung bình hàng năm gia tăng 5,4 độ làm tan chảy lớp băng vĩnh cửu gây lũ lụt, khiến đất liền khô hơn, gia tăng cháy rừng và biến đổi môi trường sống của sinh vật hoang dã.

Theo dự báo thì trong vài thập niên nữa, nhiệt độ tại Hoa Kỳ sẽ tăng lên thêm 2 độ F nữa. Tại khu vực bắc Mỹ, như ở Alaska, nhiệt độ gia tăng nhanh hơn. Nhưng nếu như các loại khí gây hiệu ứng nhà kính như carbon dioxide và methane tiếp tục gia tăng ở mức nhanh chóng thì nhiệt độ có thể vựợt 10 độ F vào cuối thế kỷ này.

Nhiều cơn bão lớn sẽ đổ bộ vào bờ biển phía Đông, đặc biệt ở bang Florida và Mississipi do mực nước biển tăng lên và gây nguy hiểm cho cư dân vùng ven biển.

Các tuyến đường và các cơ sở huyết mạch của kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với các cơn bão nhiệt đới thường xuyên và nguy cơ bị nước biển xâm lấn.

Tuyến đường cao tốc số 1 của bang Louisiana nối New Orleans với trung tâm dầu mỏ chiến lược ở Cảng Fourchon đang thấp dần so với mực nước biển. Nước Mỹ có thể thiệt hại tới 7,8 tỷ USD nếu con đường này bị đóng cửa trong vòng 90 ngày do ảnh hưởng của bão lụt.

Theo báo cáo của Tổ chức chống biến đổi khí hậu khu vực Đông Nam Florida và nghiên cứu của bộ Giao thông vận tải Florida, nhiều tuyến đường giao thông ở Miami sẽ bị ngập lụt và thu hẹp khi mực nước biển khu vực này tăng lên 60cm vào năm 2060.

Với cấu trúc địa chất độc đáo được xây dựng trên nền đá vôi xốp, Miami dễ dàng bị nước biển xâm thực, xâm nhập mặn vào hệ thống cung cấp nước ngọt và phá hủy cơ sở hạ tầng của thành phố. Chính quyền địa phương ước tính thiệt hại có thể tăng lên nhiều tỷ USD, thậm chí hàng nghìn tỉ USD.

Thị trưởng Miami Philip Levine cho biết: “Bãi biển Miami đang đối mặt với tình trạng mực nước dâng cao. Chúng tôi đã thảo luận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với thành phố và đang tìm các giải pháp đối phó với hiểm họa này”. Ông này cũng đã ủng hộ 400 triệu đô la cho dự án nâng cấp hệ thống xử lí nước thải thành phố linh hoạt hơn khi thủy triều dâng.

Bất đồng lợi ích cản trở hành động thống nhất

Các quan chức địa phương đã nỗ lực đoàn kết cộng đồng hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi: sự gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Điều này chỉ được thực hiện bằng các chính sách chung mang tầm quốc gia và quốc tế.

Bản thân Tổng thống Barack Obama từng đưa ra cam kết, trong nhiệm kỳ hai này của ông, nước Mỹ khởi động lại nỗ lực trong công tác đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó có biện pháp sử dụng quyền hạn hành pháp không thông qua Quốc hội. Nhưng những nỗ lực của Tổng thống Obama trong việc thông qua dự luật về áp thuế cacbon đối với các nhà máy nhiệt điện đã bị các nghị sĩ Đảng Cộng hòa, những người coi dự luật này là “cuộc chiến về than” cực lực phản đối.

Ba ứng cử viên tiềm năng trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016 của Đảng Cộng hòa là Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Cựu thống đốc bang Florida Jeb Bush và Thống đốc Florida đương nhiệm Rick Scott đã khước từ tham gia mọi phiên thảo luận công khai về vấn đề biến đổi khí hậu.

Thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Thượng nghị viện, Thượng nghị sỹ Mitch McConell từ Nevada, tiểu bang phát triển nhờ công nghiệp khai thác mỏ, nhận định rằng việc nước Mỹ cần ưu tiên phát triển kinh tế và nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu của riêng nước Mỹ là không hiệu quả nếu thiếu sự hợp tác của các cường quốc công nghiệp khác trên thế giới.

Trong Thông điệp Liên bang tháng 1/2014, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh biến đổi khí hậu là thực tế nước Mỹ phải đối mặt. Ông cũng cam kết thiết lập giới hạn lượng khí thải CO2 cũng như những quy định để hạn chế lượng khí thải độc hại từ các nhà máy điện và tất cả các loại ô tô. Ông Obama cũng dự định sẽ tham dự phỏng vấn truyền hình trực tiếp với các nhà khí tượng học trên khắp cả nước về vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong những cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines gần đây, Barack Obama đều đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu và bày tỏ quan ngại về việc Nhật Bản và Hàn Quốc tài trợ cho các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện ở các quốc gia đang phát triển.

Ngay trong tuần công bố Phúc trình quốc gia đánh giá khí hậu, một hội nghị tập trung vào xây dựng công trình xanh, Tổng thống Obama công bố Kế hoạch phát triển năng lượng mặt trời mới giúp Mỹ giảm hơn 380 triệu tấn khí thải CO2/năm. Barack Obama cũng đang xem xét đề nghị các quy định mới kiểm soát khoan dò khí tự nhiên để hạn chế rò rỉ khí metan và quản lí chặt chẽ cũng như cắt giảm phát thải từ các nhà máy nhiệt điện đang hoạt động, vốn là nguồn gốc của 40% lượng khí thải CO2 của nước Mỹ./.



About the author

ng-nht-anh

i was born 1990 in ha noi, vietnam!

Subscribe 0
160