Gánh rau của mẹ!

Posted on at


Đi khắp thế gian không ai sánh bằng Mẹ

Gian khổ cuộc đời ai nặng gánh hơn Cha…

***

ganh hang rau cua me Gánh hàng rau của mẹ

Hơn 2 tuổi, nhà neo người không có người trông, con được gửi đi nhà trẻ. Mỗi chiều, Mẹ đến đón con rồi đưa con ra chợ, nơi ở một góc nhỏ, gánh hàng rau mẹ bán. Con ríu rít hát hò, kể chuyện cô chuyện bạn ở lớp, miệng kể mồm nhai nhồm nhoàm những thứ quà vặt mẹ mua cho. Mùa nào thức ấy, khi thì bắp ngô, khi thì chiếc bánh rán hay quả ổi, quả quýt… mẹ chọn mua từ chợ sớm. Hai Mẹ con ngồi bên nhau, Mẹ phe phẩy quạt cho con, dù trán mướt mồ hôi nhưng Mẹ vẫn mỉm cười mãn nguyện, “con cò bé bé nó đậu cành tre, biết đi đường nào…” , hôm nay con thuộc được 2 câu hát.

Con lên 5 tuổi, mỗi chiều tan lớp Mẹ vẫn tới đón rồi hai Mẹ con lại ôm nhau ngồi bán  hàng. Bây giờ hàng rau của Mẹ đã được căng bạt cố định, không còn cảnh Mẹ phải đội mưa nhường con cái nón hay nghiêng theo bóng nắng che mát cho con nữa. Hôm nào Mẹ cũng đi lấy hàng từ lúc gà còn chưa gáy rồi về nhà khi gà đã lên chuồng nên con hay mè nheo, bắt mẹ bế mọi lúc có thể. Con thích lắm, có khi ngủ gục trên tay Mẹ bắt tội Mẹ phải vừa bồng con vừa lấy rau cho khách. Có lúc giật mình tỉnh giấc, mồ hôi Mẹ rơi ướt trán con.

Vào lớp 1, con hào hứng mua sắm sách bút, quần áo mới cho ngày khai giảng. Con nhất quyết đòi đeo cái cặp in hình búp bê barbie to hơn người, miệng cười líu lo : ” Mẹ có phải xách ba lô nặng đâu mà mặt Mẹ buồn thế ?”

Ngày đầu tiên đi học, trường mới, bạn mới, đồng phục mới…bao điều lạ lẫm, con như trút bỏ hết được mọi bỡ ngỡ ngại ngùng khi được về nhà núp trong vòng tay Mẹ : ” Hôm nay cô giáo hỏi cả lớp bố mẹ làm nghề gì, con bảo Mẹ con bán rau xanh tươi ngon lắm !”. Mắt mẹ cười rạng rỡ.

Lần đầu đi văn nghệ, con tới lớp từ sớm để cô giáo bện tóc cho. Lần đầu được đánh phấn son, con cười tươi nghĩ Mẹ thấy sẽ khen thật xinh, hôm qua con đã dặn Mẹ phải đến xem con hát. Buổi lễ kết thúc, Mẹ hớt hải đến trong bộ cánh đẹp nhất : “Xin lỗi con gái nhé, có khách đặt hàng nên Mẹ đến muộn”. Suốt chặng đường về con dỗi mẹ vì không kịp mang hoa tới cho con tặng cô giáo. Má con loang lổ vệt phấn trôi vì nước mắt. Hôm ấy, ngày mùng tám tháng ba.

Con lên cấp hai, hàng rau của Mẹ đã được nâng cấp cho sạch sẽ cao ráo hơn nhưng con không còn lui tới thường xuyên như trước . Con cũng không còn hào hứng nắm lấy tay Mẹ mỗi khi tới trường, chiếc xe Mẹ đi sao mà khác biệt với xe của những phụ huynh khác thế ! Còn nhớ có lần cô giáo bảo con đổi giúp cô tiền lẻ để đi chùa, tiếng ‘Vâng ” lí nhí nghẹn ngào trong họng. Cô biết, con biết và tất cả lớp đều biết nhà mình nhiều tiền lẻ, vì mẹ bán rau, thu về từng nghìn lẻ chứ không phải hàng chục hay hàng trăm như nhà các bạn khác.

Và chẳng biết từ khi nào, con lớn đần lên, phổng phao đầy sức sống. Có lẽ cũng dần dần từ khi ấy, con ngại nhắc tới Mẹ cũng như hàng rau mà Mẹ đã gắn bó gần nửa đời người. Thay vì ngồi bên Mẹ mỗi chiều tan học như ngày thơ bé, con lại muốn được cùng ban bè tụ tập, la cà hay lang thang một mình. Chỉ cốt là có lý do không phải ngồi bên hàng rau của Mẹ. Con xấu hổ khi bạn bè trông thấy !

Con đỗ đại học, bố mẹ mừng khôn xiết, mua bao nhiêu đồ về nấu những món mà hiếm lắm cả nhà mới dám ăn. Họ hàng sang chơi, ai cũng khen : ” Nhà này tốt phúc có đứa con gái vừa ngoan vừa giỏi !” và đỡ đần cho vay mượn tiền bạc. Ngày con nhập trường, ngại ngùng, bỡ ngỡ như ngày đầu đi học. Mẹ vẫn bên con, nắm tay con thật chặt, “Con tự đi được mà Mẹ !”, con không còn cảm giác muốn nắm tay Mẹ nhiều như ngày xưa nữa.

“Bố mẹ cậu làm nghề gì đấy ?’

” À, ừ … nhà mình bán hàng tạp hóa !”

Con gượng gạo trả lời người bạn mới quen rồi nói lảng sang chuyện khác. Ở hội trường có điều hòa, đâu có nóng như ngồi ở hàng rau ngoài chợ mà sao Mẹ quay đi gạt mồ hôi trên mi mắt ?

Những tháng ngày sinh viên, con được tự lập cuộc sống, tự do học hành chơi bời thỏa thích mà không phải lo nghĩ vì bố mẹ vẫn gửi tiền cho hàng tháng. Thỉnh thoảng, Mẹ ở quên lên thăm mang theo bao nhiêu là đồ. Khi thì bao gạo, khi thì chục trứng gà nhà và tất nhiên không thể thiếu những mớ rau, quả bí xanh rì.

“Lần sau Mẹ mang ít đồ thôi, mà không phải mang rau đâu nhé. Ở đây rau còn rẻ hơn ở nhà, mạng theo mất công !”

“Vì Mẹ nghe báo đài thấy rau thành phố nhiều thuốc, lại đắt đỏ sợ con không dám ăn. Thôi lần sau mẹ không mang nữa vậy !”

Tiễn Mẹ bước lên xe khách rồi mà vẫn thấy dáng Mẹ gầy gầy, liêu xiêu đến nao lòng. Và rồi số lần Mẹ lên thăm cũng ít dần như con muốn, tỉ lệ thuận với số lần con mua rau về ăn, nhất là những lần mưa triền miên. Ở thành phố, rau đắt gấp mấy lần ở quê !

Năm thứ ba, con được nhận giải thưởng nghiên cứu của trường. Mẹ tất bật xuống xem con nhận giải trong bộ cánh mà lần nào xuống thăm Mẹ cũng mặc. Và cũng như nhiều năm về trước, Mẹ lại tới trễ, “Mẹ đi xe bus vào đây, tắc đường quá con ạ !”. Nhưng khác với năm ấy, lần này con không hề thấy buồn hay giận dỗi vì vắng Mẹ, “Mẹ về nhà trọ chờ con nhé, con đi với lớp một lát !”. Còn nhớ tối ấy về muộn, thấy Mẹ ngủ gục bên chiếc bàn sinh viên bé tẹo chờ con. Sáng hôm sau tỉnh dậy đã không thấy Mẹ đâu, “Mẹ ra bến trước không nhỡ xe, con không phải lo đâu nhé. Mẹ có luộc ít khoai khi nào con dậy thì nhớ ăn.”

Con đi mua quà giáng sinh cho mấy đứa bạn, chuông điện thoại nhà kêu liên hồi. Phố đông ồn ào, thôi để về phòng gọi lại, chắc không có gì quan trọng đâu. Con về phòng trọ trong tâm trạng rất vui và hớn hở hẹn bạn tối đi dạo phố chụp ảnh. Mở điện thoại lên với bao nhiêu cuộc gọi nhỡ. Rồi con như chết lặng khi đọc được tin nhắn từ bố : “Mẹ tai nạn vào viện, con về ngay nhé !”

Mẹ bị tai nạn trên đường đi chở hàng khi chiếc xe đằng sau phóng nhanh va phải. Mẹ nằm đấy, bất động và bình yên. Con chạy vào òa khóc nức nở như đứa trẻ bị đòn, tiếng nấc át cả tiếng thở khó nhọc của Mẹ. Trên tóc mẹ con vương cọng rau đã úa màu, màu vàng úa trên nền tóc điểm bạc. Rồi con chủ động nắm lấy bàn tay Mẹ, đã bao lâu rồi nhỉ ? Bàn tay thô ráp, gầy gầy xương xương với những đầu móng đã chuyển thành màu đen quạch theo năm tháng. Ngày xưa tay Mẹ đẹp lắm !

Nhìn Mẹ, con đau đến thắt lòng.

Nước mắt rơi chan chứa

“Mẹ ơi, con xin lỗi !”

 

 

 

_ songsinh – 03/10/2013 _

Fb : songsinh Thanh Thu


TAGS:


About the author

160