Điều ước cuối đông.

Posted on at


Có lẽ nó cũng cần trở về tổ ấm thực sự của mình, cái tổ ấm mà ở tuổi mười tám nó vẫn khao khát bay đi.

***

Nửa tháng trước Tết dương lịch, trời vẫn rất lạnh. Cái lạnh của những cơn gió mùa miền Bắc có gì đó thật đặc biệt. Chẳng thế mà mấy đứa bạn cùng lớp của nó đi du học bên kia quả địa cầu thỉnh thoảng vẫn mail về kêu rằng nhớ cái rét đặc sản ấy quá.

Một ngày cuối tuần hiếm hoi nó cho phép mình được ngủ nướng, quấn mình trong chăn trong căn phòng gần chục mét vuông, nơi nó gọi là vương quốc riêng tư của mình. Rồi bất chợt như nhớ ra điều gì đó quan trọng, nó đạp tung chăn tìm chiếc điện thoại mày mò một lúc chợt phát hiện ra một điều làm nó quên cả cái rét vẫn đang làm nó nổi da gà. Thì ra Tết dương lịch năm nay vào Chủ nhật. Chuyện này đồng nghĩa với việc thứ 2 hoặc thứ 6 sẽ được nghỉ bù. Tóm lại nó có 3 ngày tự do tha hồ lên kế hoạch. Chẳng hiểu sao việc đầu tiên hiện ra trong đầu nó lúc này là về quê nhỉ. Có lẽ đã lâu lắm rồi nó chưa được gặp mẹ và nhìn những khuôn mặt quen thuộc nơi quê nhà yêu dấu kia.

images Điều ước cuối đông

Nghĩ thế nó lại càng chạnh lòng khi chợt nhớ ra rằng hai cái Tết trước nó cũng không về quê được. Nó tự an ủi mình rằng dù sao cũng là Tết dương lịch, không quan trọng lắm, Tết âm nó sẽ về. Lần đầu tiên không về nó viện cho mình cái lý do năm đầu tiên lên Thủ đô nên phải ở trên đây cảm nhận cho biết. Rồi lần thứ hai nó chẳng về được do ngày nghỉ Tết lại chơi vơi giữa tuần, mà như thế có muốn nó cũng không về được. Nó nhớ lần nào cách Tết một tuần mẹ lại gọi điện lên hỏi xem có về được không, anh chị ai cũng làm gần nhà, chỉ thiếu mỗi mình nó. Nếu lần này cũng không về được thì là ba năm rồi vắng mặt nó trong mâm cơm gia đình ngày đoàn tụ. Nó chợt nghĩ đến bài thơ bọn bạn viết tặng trong lưu bút trước ngày tốt nghiệp phổ thông mà càng nhớ mẹ, nhớ nhà nhiều hơn:

Ước gì nhặt được nắng chiều nay

Con sẽ đặt lên đôi vai gầy của mẹ

Chiều cuối đông nhạt nhòa trong mưa khẽ

Nắng tràn về cây lúa sẽ xanh hơn

Ước gì nhặt được nắng chiều nay

Con sẽ đặt lên đôi bàn tay mẹ

Mỗi buổi sớm khi bình minh trở dậy

Mẹ đi làm trong ánh nắng reo ca

Bốn mùa đông con đi học xa nhà

Là bốn mùa mong nắng về với mẹ

Đường con đi có bước chân lặng lẽ

Và cuối đường mắt nắng mẹ chờ mong.

Chẳng biết ai đã viết bài thơ này mà đúng với tâm trạng của nó bây giờ thế. Mẹ nó ở quê bây giờ chỉ có một mình. Bố nó là liệt sĩ, mẹ vẫn hay nói thương nhất thằng An chưa từng được nhìn mặt bố, chẳng thế mà cả nhà vẫn hay cưng chiều nó. Hai mươi tuổi rồi, mười tám năm nó sống dưới sự nuôi dưỡng dạy dỗ của mẹ. Nó thấy mình thật may mắn vì có được một người mẹ tuyệt vời như vậy. Vẫn nhớ ngày đầu tiên đi học xa nhà, có lẽ nó phải kiếm một cuốn sổ ghi những điều mẹ dặn thì may ra mới nhớ hết được, từ việc chịu khó nấu ăn không nên ăn quán đến việc mặc ấm khi ra ngoài. Mẹ bảo Hà Nội rét hơn quê mình nhiều, cái bệnh viêm họng hạt mãn tính của nó lại càng làm cho mẹ lo lắng hơn. Đôi lúc nghĩ mẹ tỉ mỉ như vậy nó lại cười trách mẹ: con lớn rồi mà mẹ, con tự lo được. Mẹ nhìn nó quắc mắt “con lớn so với ai được cơ chứ?”. Mẹ vẫn hay trách nó không biết quan tâm đến mình. Ngày còn bé, mùa đông đi học mẹ bắt nó mặc thật nhiều áo, nó bảo trông mình chẳng khác nào con heo con rồi cởi hết ra đuổi nhau với đám bạn. Kết quả nó bị ốm cả tuần do viêm phổ cấp. Mẹ biết tính nó thế, mẹ hiểu nó hơn chính cả bản thân nó nữa, với mẹ nó mãi là đứa con nít bướng bỉnh. Nó nghĩ thế rồi cười tủm một mình.

Bên ngoài chiếc ban công nhỏ, gió lạnh vẫn rít lên như thách thức làm những chậu hoa đá trông càng cô quạnh. Cốc cà phê nhỏ trên tay như hơi ấm duy nhất nó có được trong cái lạnh của buổi sáng sớm. Điện thoại kêu, tin nhắn tới.

- Tết dương lịch này mày có về không? Nhóm mình hình như về hết. – Tùng, thằng bạn học Thương mại nhắn tin cho nó.

- Tao chắc là có – nó gửi lại

- Ok , thế nhé để bảo bọn Hùng Hóng, và Vinh Lợn. Lần này về nhất định phải đập phá một trận

- Uhm

Humh… nó lại thở dài. Về quê mà bọn chúng định đập phá gì chứ? Có mỗi ba ngày nghỉ, trừ thời gian đi về thì nó chỉ có khoảng hơn một ngày được ở nhà. Từ lúc trở thành sinh viên sao lúc nào nó cũng phải tính ngày tính tháng được ở nhà. Chẳng bù cho lúc trước ngày rộng tháng dài thì nó lại khát kháo bay khỏi vùng quê nghèo toàn cát với sỏi. Nó ghen tỵ với bọn bạn sống trên thành phố này, chúng được sống no đủ hơn nó, chúng có nhiều cơ hội hơn nó. Nó đã từng nghĩ nếu có được như chúng bạn nó có thể sẽ làm được hơn thế. Nhưng rồi nó cho rằng những ngày tháng trước đây của nó với mẹ, với mảnh đất chôn rau cắt rốn chẳng gì có thể đánh đổi được. Chúng bạn đó chắc chẳng bao giờ biết được những lúc lòng hồi hộp vì sắp được về nhà cất tiếng “Mẹ ơi”, được mẹ chăm sóc dặn dò khi sống nơi xa. Điều mong mỏi đơn giản đó lại rất thật với tất cả những đứa sinh viên ngoại tỉnh đi học xa như nó.

Chuông điện thoại lại kêu, tin nhắn từ lớp trưởng: Lớp ta từ tuần sau sẽ học cả ngày thứ 7 để kết thúc kỳ học sớm. Thôi! thế là hết, trong một buổi sáng nó nhận cả tin vui lẫn tin dữ. Sau bao nhiêu hào hứng thì kế hoạch về quê của nó lại phá sản ngay trên bàn giấy. Chẳng nhẽ nó phải đợi đến Tết âm thật sao, lúc đó là đã tròn 5 tháng xa quê xa mẹ rồi. Lại nghĩ rằng gần nửa năm mới được nhìn thấy mẹ, nó thấy lòng chua sót. Nó muốn gọi điện luôn cho mẹ, tính không nhầm thì cũng gần một tháng rồi nó chưa gọi điện về nhà. Bất chợt nó sợ mẹ bị ốm bởi những đợt không khí lạnh tăng cường mà đài báo vẫn nói suốt mấy hôm nay. Nó lo mẹ mặc không đủ ấm, nó lo mẹ vẫn vác cuốc ra đồng trong những cơn gió lạnh dù bệnh viêm họng của mẹ không nhẹ hơn nó. Và cái cửa sổ không biết đã được ai đóng lại chưa vì nhiều lần những cơn gió đêm vẫn làm mẹ chẳng được ngon giấc.

Nó cầm máy gọi cho mẹ. Vẫn giọng nói dịu dàng đó làm nó thấy thân quen giữa vô số âm thanh phố xá. “An đấy hả? Con vẫn khỏe chứ?…Con học hành sao rồi? Tết dương này con có về được không…?” Mẹ hỏi nó liên tục, lần nào cũng thế vẫn những câu hỏi đó, lần nào nó cũng trả lời hết từng câu một. Nhưng lần này nó chỉ trả lời câu hỏi cuối trong ấp úng : “Con… con cũng chưa biết.”

Dù cố giấu nhưng nó biết mẹ lại ốm rồi. Những cơn gió mùa kia chắc làm khổ mẹ nhiều lắm. Nó biết Tết dương lịch này nó phải bận học. Mẹ vẫn luôn nhắc nó không được bỏ buổi học nào cả, hơn nữa lúc đó cũng là lúc thi cuối kỳ lại càng quan trọng. Nghỉ một buổi học đối với nó thật không dễ. Nhưng sao bây giờ nó muốn về với mẹ đến thế, nó chỉ ước cái cuối tuần thứ 7 kia là của riêng nó để nó có thời gian về bên mẹ. Nó ước có thể đánh đổi tất cả những lúc ngủ nướng của mình để có được một ngày. Nó ước… nó ước nhiều lắm. Nó biết mình tham lam. Nhưng nếu được như thế nó sẽ dành cả ngày bên mẹ, không chơi bời tụ tập nữa, với bạn bè sẽ còn nhiều thời gian. Nó sẽ đòi mẹ nấu những món ăn nó thích, nó sẽ quanh quẩn ngoài vườn bên những gốc khế mẹ trồng và ăn đến chán mới thôi. Cả ngày đó nó sẽ cùng anh đóng lại cho mẹ chiếc cửa sổ, lót thêm lớp nilong để phòng trời mưa. Chỉ ba ngày đó thôi nó sẽ được trở về là thằng An của ngày xưa sống trong sự bao bọc của mẹ và gia đình. Nó sẽ để lại đằng sau những lo toan của cuộc sống và sống theo cách riêng của mình. Và trên hết nó biết mình còn là một người con, tại nơi xa kia luôn có mẹ mong ngóng bước chân nó chở về. Tất cả những điều đó hiện lên rất thật, thôi thúc nó đưa ra quyết định của mình.

Nó đi ra ngoài chiếc ban công bé xíu, cốc cà phê mới pha đã nguội lạnh tự bao giờ. Nhìn ra bầu trời đông xa tít tắp nó vẫn chỉ thấy một gam màu xám lạnh đến rợn người. Cái rét dưới 12 độ C như làm cho cả dãy phố thu mình lại, những chú chim chăm chỉ nhất cũng ngại bay khỏi tổ. Có lẽ nó cũng cần trở về tổ ấm thực sự của mình, cái tổ ấm mà ở tuổi mười tám nó vẫn khao khát bay đi. Nó biết nơi đó có mẹ, có những điều thân thương nhất, và cả một khoảng trời nó tha hồ vùng vẫy, không cần bon chen, chẳng phải ganh đua. Nó chợt nhận ra mỗi lần nghĩ đến những điều đó lòng nó lại yên bình đến lạ.

Nó nhẩm đọc lại bài thơ kia, mắt vẫn hướng ra xa xăm, hướng về quê mẹ…

… Bốn mùa đông con đi học xa nhà

Là bốn mùa mong nắng về với mẹ

Đường con đi có bước chân lặng lẽ

Và cuối đường mắt nắng mẹ chờ mong.

Con sẽ về mẹ ạ. Nó quả quyết.

Mr. Radio (Xuân Đài)



About the author

160