Tôi nhìn bàn tay mình, bàn tay cố thản nhiên để không xiết tay Hoài An chặt quá, để không nắm tay Hoài An lâu quá, vừa đập vỡ mối quan hệ gắng giữ bấy lâu.
...Nhưng mỗi mùa đông, tôi tự kiếm một góc vắng, hé cửa một chút để gió lạnh tìm đường áp vào mặt. Những lúc như thế, tôi nhớ Hoài An khủng khiếp.
***
1. Chuyện thứ nhất
Năm lớp mười một.
Ngồi trong lớp vắng hoe, tôi ngồi đọc vẩn vơ tập đề cương Lý cho học kì I. Phòng thực hành hoá sinh bị hỏng khóa cửa sau, là nơi an toàn để tôi lưu lại trường sau giờ học thêm một khoảng những lúc tâm trạng không được tốt. Như hôm nay.
Tiếng cửa mở. Tôi vặn to tiếng ipod, bản dubstep gõ mạnh vào màng nhĩ, chạy thẳng đến đầu ngón tò mò theo nhịp. Tay mấu chặt vào vài tờ photocopy, tôi cố tránh ánh mắt lạc sang người di chuyển bên cạnh. Bỗng một làn gió mỏng, lạnh cứng, bám sát quanh cổ áo tôi. Khẽ ngước nhìn lên, khuôn mặt nhỏ của An cách tôi tầm chừng hai gang tay, đang xoáy đôi mắt nửa như dò hỏi phán đoán, nửa như chấp nhận với vẻ biết trước hồ nghi.
- Cậu làm cho Vân ở lớp Pháp khóc?
- Bạn ý khóc? Lúc nói chuyện với tớ, bạn ý không khóc.
- Nhưng cậu là nguyên nhân.
- Tớ không cố ý – buổi tra khảo tôi không mong chờ vẫn đến với đối tượng quen thuộc. Tôi lảng mắt, hướng ánh nhìn ra ngoài dãy để xe. Cũng đã vãn tầm nhìn.
- Cậu bị điên, Dương. Tỉ lệ con trai ở Việt Nam đang cao hơn con gái. Cậu định không thích ai thật sao? – An bỗng dí sát gò má khô vào gần tai tôi, thì thầm như bí mật nói ra sợ bị bay mất: Hay cậu bị gay?
Tôi lắc đầu, nhét tập đề vào cặp. Khe cửa hun hút, trời chưa đông sao đã khô cong bàn tay. Hoài An đứng yên, nhìn tôi đi ngang qua, chợt nói to: "Chiều nay có Chrono Cross nữa không?" Câu hỏi lạc đàn, cứu vớt câu chuyện hờ như chạm mức gay gắt. Tôi im lặng, bỏ đi.
Buổi chiều hiếm hoi Hoài An nghỉ, cô bạn nhắn tin giữa giờ bơi đội tuyển, đòi tôi đến nhà với một chùm bóng bay. Tôi bỏ lơ tin nhắn, tập trung bơi hết số vòng quy định. Đường về dọc hồ lạnh queo. Người tan tầm như những khối sẫm màu di động, mặt nhìn đồng hồ đèn đỏ đếm giây không chút cảm xúc. Những quả bóng lưa thưa nổi màu khối trên bầu trời xám lạc lõng.
Tôi mua gấu pooh màu vàng buộc vào giỏ xe, nghe mấy album indie mới, vòng xe về phía nhà cô bạn. Hoài An mặc chiếc áo bông to sụ, nhưng với đôi legging đen dù có dày đến mấy vẫn lộ ra bàn chân nhỏ, thò ra khỏi balcony sắt mảnh ở tầng trên. Cô bạn vừa khịt mũi, vừa cầm hộp kem, xúc những miếng nhỏ ăn ngon lành. Thảng như cô chú tâm đặc biệt, không để ý tới sự có mặt của tôi. Nhưng rồi, cô bỗng cất lên cái giọng lào khào như một bà già đang phàn nàn trách móc:
- Tớ đã ngồi thế này hơn một tiếng.
- Tớ không thể bỏ về giữa chừng – sự duy lý của tôi bắt đầu hiện lên. Tôi không muốn cãi nhau. Đủ thứ mệt mỏi rồi.
- Tớ đã ăn gần hết hộp kem.
Im lặng. Dù tôi biết tôi có thể chỉ trích cô trong việc có thể chọn giữa chờ và không chờ, có thể chọn giữa ăn kem và không ăn kem, thì tôi biết tốt nhất mình không nên nói gì cả. Hoài An đứng dậy, xuống cầu thang, hé cánh cửa trong tối om. Cô bạn đưa tôi một cái thìa. Tôi leo lên nhà, buộc quả bóng vào thanh sắt hoa văn cong cong trên cái balcony kiểu Pháp ấy, xúc một thìa kem lạnh tê người. Rồi cũng lạnh như thế, Hoài An vươn người, đặt một nụ hôn vào tai tôi. Tôi giật mình, chiếc thìa rơi xuống khoảng sân nhỏ lanh canh.
- Người ta thường nói bạn thân thường dễ thích nhau – An bắt đầu lời giải thích bằng một nhận xét chung. Tôi không muốn nghe.
- Không phải tớ...
- Cậu không thích tớ? Ngay cả khi tớ là đứa con gái duy nhất cậu nói chuyện, cùng chơi game và chờ cậu về?
- Tớ xin lỗi – tôi lắc đầu, khóa chặt điểm nhìn vào chiếc thìa dưới sân. Những mối tình bong bóng thời học sinh, một thằng con trai lơ đễnh như tôi sẽ làm tổn thương Hoài An. Một khi chia tay, tôi có thể sẽ mất cô ấy mãi mãi.
Hoài An không khóc. Là bạn thân của tôi, cô ấy không khóc như người khác. Tôi siết nhẹ tay cô, rồi đi về. Ra đầu ngõ, tôi chợt nhìn thấy con gấu pooh đang bay cao, vô định trong khoảng trời tối dần. Tôi vuốt quanh bờ tai đỏ bừng, cố giấu cảm xúc lẫn lộn trên đường về.
2. Chuyện thứ hai
Lớp mười hai.
Hoài An bỏ đội tuyển bơi. Tôi cũng thế.
Hoài An không chờ tôi về nữa.
Năm cuối bận rộn với đủ thứ lịch học thêm, tôi không nhìn thấy Hoài An thường xuyên. Cũng không nhận ra sự bất thường trong sinh hoạt của mình. Thảng hoặc, ngồi trong phòng hoá sinh không người, tôi tự kéo cửa sổ lên, hở đủ một khe nhỏ. Sinh nhật tôi, cô bạn mua tặng quyển "Nỗi cô đơn của các số nguyên tố". Sinh nhật cô bạn, tôi không báo trước, đem chùm bóng bay treo trước cửa nhà không người. Giữ một mức độ biết về nhau đủ thông tin, giữa chúng tôi không còn câu hỏi tò mò đặt quá sâu về nỗi cô đơn của người khác. Tối không ngủ được, tôi ngồi đọc vài chương sách, tay thi thoảng chạm vào vành tai trái, rất lâu.
Sang học kì cuối. Hoài An đi về với cậu bạn khác. "Bảo rất tốt, lại thích tớ". Cô bạn rời khỏi tôi, đóng khe cửa sổ tôi đã mở ra lúc vào lớp. Lần đầu tiên, nhưng Hoài An có lẽ cũng chẳng để tâm là tôi có nhận ra điều đó không nữa. Tôi nhìn ra khung cửa bám bụi thấy hai người về cùng nhau. Thảng như mình không còn tồn tại. Mọi suy nghĩ thôi không xô vào nhau, trở nên đứt quãng, để lại sự im lặng vô minh bao trùm. Tự nhủ ngay cả như thế, Hoài An vẫn có thể gặp tôi, điều đó thật tốt. Tối đi học thêm về, tôi mua quả bóng bay gấu pooh, thả trần nhà. Mặt cười trên cao nhìn tôi chơ vơ. Nhớ lại lúc nhìn thấy bàn tay Bảo đặt lên tay An, tôi không tức giận, không buồn bã, chỉ như có tâm trạng lửng lơ như ngồi trên tấm ván thuyền giữa đại dương mênh mông im vắng.
Ngày tốt nghiệp. Chương trình văn nghệ ồn ào. Tôi chẳng ngồi với đám bạn ầm ĩ được lâu, tự rảo bước về phía dãy nhà thực hành quen thuộc. Hoài An đã ngồi đó, chênh vênh bờ vai mảnh trong chiếc áo dài trắng. Cô bạn mỉm cười, nhìn tôi như sự thân quen biết trước thế nào rồi tôi cũng sẽ đến. Tạm quên Bảo đi, tôi ngồi cạnh cô như lâu nay vẫn thế. Có thể đúng là những người bạn thân dễ yêu nhau, nhưng có lẽ là không cùng một thời điểm. Lúc tôi yêu An đến mức không thể tập trung vào việc gì khác nữa, có lẽ An đã thuộc về người khác. Hoặc tôi sẽ yêu người con gái khác, nhưng mối quan hệ với cô vẫn đáng giá hơn bất kì thứ gì tôi có thể đánh đổi. Tôi thà để được đi cạnh Hoài An mãi, còn hơn là nắm tay giữ chặt rồi đến lúc buông tay sẽ chẳng níu giữ được gì.
Không biết Hoài An có biết điều tôi nghĩ không, tôi chỉ ngồi yên, nghe cô nói về kế hoạch chạy trốn sau khi thi Đại học. Rồi như một con mèo nhỏ, Hoài An níu nhẹ vào khuỷu tay tôi, đặt một nụ hôn dài lên tai tôi. Một lần nữa. Hình ảnh ban công một năm trước nháy sáng như flash, vụt tắt trong đầu tôi rỗng không. Cô bạn lùi lại, lúng túng cầm vội chiếc balô nhỏ chạy đi. Tôi đứng dậy, vươn tay chụp lấy cổ tay An, giữ lại. "Tại sao cậu vẫn đi với Bảo?" "Vì cậu sẽ không bao giờ thích tớ cả." Lời nói của An như một mặc định mơ hồ về nỗi sợ ham muốn thứ không bao giờ có được. "Tính tớ thờ ơ. Tớ sẽ làm tổn thương cậu..." Lập luận của tôi trở nên yếu ớt. Tôi không nói được điều cần nói với cô bạn tôi yêu quí nhất. "Cậu là đồ hèn. Cậu thậm chí còn sợ tổn thương bản thân hơn cả việc yêu tớ. Để tớ yên." Hoài An hét lên, chạy lao vào mớ âm thanh hỗn độn bên ngoài.
Đứng sững một lúc, tôi quay lại, nghiêng đầu qua khe cửa. Cô bạn lao đi giữa lác đác đám đông với tiếng máy ảnh, chùi những giọt nước vỡ trên má. Tôi nhìn bàn tay mình, bàn tay cố thản nhiên để không xiết tay Hoài An chặt quá, để không nắm tay Hoài An lâu quá, vừa đập vỡ mối quan hệ gắng giữ bấy lâu.
Tôi kéo cánh cửa sổ lại. Rồi đi về.
3. Chuyện thứ ba
Hoài An đổi số. Tôi đến nhà mấy lần, nhưng không gặp ai.
Năm thứ ba đại học.
Tôi không nhìn thấy Hoài An nữa. Cuộc sống đại học hỗn tạp đủ người từ khắp mọi nơi. Tôi vẫn giữ thái độ bình thản, nhưng chấp nhận nhiều thứ hơn. Thi thoảng có vài cô bạn gái với lịch hẹn tưởng như thân thiết. Nhưng đâu đó giữa cuộc nói chuyện, tôi khựng lại. Hình ảnh Hoài An như miếng thủy tinh chạy qua đau nhói. Việc mua bóng bay cho người đi cùng hay rủ đi ăn kem trời lạnh trở thành điểm cuốn hút không cơn cớ với những cô bạn. Dù tôi không thể tiến xa hơn. Tôi không giữ, cũng chẳng sợ mất ai nữa. Sự lãnh đạm để bảo vệ bản thân khỏi căn nguyên đau đớn của cảm xúc, trở thành điều tổn thương cho những người tôi quen. Nhưng mỗi mùa đông, tôi tự kiếm một góc vắng, hé cửa một chút để gió lạnh tìm đường áp vào mặt. Những lúc như thế, tôi nhớ Hoài An khủng khiếp.
Hoài An gọi cho tôi vào một buổi chiều. Một dãy số lạ, tôi cũng không biết là ai, nghe máy thì không ai trả lời, xung quanh cũng tuyệt nhiên không có một tiếng ồn. Cho đến khi dập máy, tôi mới kiểm nghĩ xem ai có thể gọi cho mình. Gọi lại thì chỉ nghe những tiếng tút vô vọng. Nhưng tôi nghĩ là Hoài An. Tôi chắc là cô ấy đến mức khi số đó gọi lại vào nửa đêm, tôi mở máy ngay tức thì, và gọi tên cô. Bên kia chỉ có tiếng thở dài. Rồi dập máy. Tôi nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại cho đến lúc thiếp đi. Hoài An không gọi nữa.
Sáng hôm sau, tôi phóng xe đến nhà An thật sớm. Những mẩu giấy trắng nhỏ ngập sân. Mẹ cô mất hai tuần trước. Bằng một sự quái gở về truyền đạt thông tin nào đó, tôi đã không biết. Bố An mở cửa, nhìn tôi với đôi mắt buồn rầu. Căn phòng nhỏ của cô vẫn chẳng thay đổi gì. Hoài An ngồi im trên chiếc giường ga trắng phau, bàn tay mảnh khảnh xếp vào nhau, đặt hờ trên đầu gối. Tưởng như xung quanh cô đã như thế trong thời gian dài, trắng vô thanh và u ám thảm buồn. Tôi khẽ mở cánh cửa cạnh giường. Tiếng còi xe chói tai từ đằng xa vào một buối sớm tấp nập. An dường như đã quen với sự im lặng quá lâu, không khí bên ngoài ùa vào khiến cô giật mình, cánh tay bấu chặt vào thành giường. Tôi ngồi cạnh cô, cầm nhẹ bàn tay lạnh, giữ ấm trong bàn tay mình. Bằng sự can đảm gom từ nỗi nhớ, tôi vuốt nhẹ tóc mai cô, đặt lên tai cô một nụ hôn sâu.
Phải một lúc lâu, Hoài An mới quay lại, gục đầu vào vai tôi khóc.
Bên ngoài, tiếng xe cộ lịm dần đi. Chỉ còn tiếng chim sẻ ngô.