Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho chính người hút mà còn gây hại cho những người xung quanh, theo các bác sỹ và chuyên gia nghiên cứu về sự độc hại của thuốc lá, trẻ em đặc biệt dễ bị tác động bởi khói thuốc thụ động.
Hút thuốc thụ động là gì?
Hút thuốc thụ động hoặc hít khói thuốc thụ động (tiếng Anh: passive smoking, secondhand smoking hoặc exposure to environmental tobacco smoke, viết tắt: ETS exposure) là hình thức hít khói thuốc từ không khí, mà không trực tiếp hút thuốc lá hoặc thuốc lào và cũng bị tác hại gián tiếp dẫn đến những nguy cơ về bệnh như ung thư phổi.
Thành phần của khói thuốc
Khói thuốc được coi là chất độc hại nhất trong môi trường cư trú. Khi hút thuốc, người hút thường thở ra 2 luồng khói chính và phụ và 20% khói thuốc bị hít vào trong luồng chính, 80 % còn lại được gọi là luồng phụ, nảy sinh khi kéo thuốc (giữa những lần hít vào) và khi tắt thuốc.
Khói thuốc cấu tạo từ một hỗn hợp khí và bụi. Theo Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO), trong khói thuốc có khoảng 4000 chất hóa học, trong đó có 40 được xếp vào loại gây ung thư, gồm những chất như nicotin, oxide carbon, hắc ín và benzene, formaldehyde, ammonia, acetone, arsenic, hydrogen cyanide ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.
Nicotine là chất có trong khói thuốc, dính trên da, quần áo hay mái tóc của cha mẹ, chất này được coi là “kẻ trung gian” trong việc hút thuốc thụ động ở trẻ em. Mức nicotine trong tóc những trẻ sơ sinh ngủ chung phòng với cha mẹ lớn gấp ba lần so với những bé ngủ riêng nếu cha mẹ chúng có hút thuốc.
Khói thuốc ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?
Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho chính người hút mà còn gây hại cho những người xung quanh, theo các bác sỹ và chuyên gia nghiên cứu về sự độc hại của thuốc lá, trẻ em đặc biệt dễ bị tác động bởi khói thuốc thụ động.
Trẻ dễ bị đột tử không lý do (SIDS)
Trẻ em có thể bị nhiễm khói thuốc ngay từ khi còn đang nằm trong bào thai theo hình thức thụ động. Những bà mẹ mang thai hút thuốc lá hoặc có chồng hút thuốc lá sẽ nhiễm chất nicotine và carbon monooxide làm bào thai trở thành "một dân nghiền thuốc lá" bất đắc dĩ, bị thiếu dưỡng khí kinh niên và con có thể bị hen suyễn. Các bé này dễ bị chết lúc sinh, nhẹ cân hơn các trẻ khác.
Các chức năng của hệ thần kinh
Hít phải khói thuốc lá do người khác hút sẽ làm suy yếu các chức năng của dây thần kinh nhận thức như trí nhớ và khiến nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt cao hơn gấp 3 lần những người không sống trong gia đình có người hút thuốc lá.
Ngoài ra, các nhà khoa học tại trung tâm sức khoẻ môi trường trẻ em ở Mỹ đã thực hiện nghiên cứu trên gần 4.400 trẻ em tuổi 6 - 16. Kết quả cho thấy những đứa trẻ ở trong môi trường nhiều khói thuốc lá sẽ có kết quả học tập kém hơn những bạn bè khác. Một lượng khói thuốc nhỏ trong nhà thôi cũng đủ ảnh hưởng tới khả năng đọc và làm toán của trẻ.
Khói thuốc cũng khiến cho những bà mẹ mang thai có nguy cơ sinh ra những đứa trẻ bị rối loạn hành vi, tính tình hung hăng, hay cáu gắt, có thể gặp các vấn đề về tâm lý như chứng tăng động giảm chú ý.
Các vấn đề về phổi, đường hô hấp
Ngoài việc tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, hút thuốc lá thụ động cũng khiến phổi của trẻ em phát triển chậm hơn.
Trong lúc trẻ còn trong bụng mẹ, chừng 30% bị nhiễm độc thuốc lá do người mẹ hút thuốc lá trong lúc mang thai, ngược lại sau khi ra đời, hơn một nửa (50%) trẻ em dưới 5 tuổi phải chịu đựng khói thuốc lá do người trong gia đình hút. Các trẻ này dễ bị sưng phổi, sưng cuống phổi hơn các trẻ em cha mẹ không hút thuốc, đồng thời trẻ cũng dễ bị khò khè hơn, dễ bị đau tai (viêm tai giữa, otitis media) hơn.
Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ nhiễm lao phổi, khởi phát cơn hen, viêm phế quản, viêm phổi, … hay làm trẻ thường xuyên ho, sổ mũi.
Các chuyên gia ước tính rằng mỗi năm, Việt Nam có khoảng 150.000 - 300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến môi trường có khói thuốc. Những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi con của những người không hút thuốc.
Những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc có nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc.
Kết quả của một cuộc nghiên cứu được thực hiện tại Nam Phi cho thấy có mối liên quan giữa hút thuốc thụ động và nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis tăng cao ở các trẻ sống chung trong một gia đình với bệnh nhân lao. Mối liên quan có thể có giữa hút thuốc thụ động và nhiễm lao ở trẻ em là một vấn đề đáng quan tâm trong bối cảnh hút thuốc lá và bệnh lao ngày càng phổ biến ở các nước đang phát triển. Nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan thực hiện tại Nam Phi cho thấy số trẻ em hút thuốc lá thụ động sống chung nhà với một bệnh nhân lao có tỷ lệ nhiễm lao cao gấp gần 5 lần.
Những trẻ em có phơi nhiễm với môi trường khói thuốc hay bị viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng, và bị cúm hơn những đứa trẻ không phơi nhiễm. Những trẻ có tiếp xúc khói thuốc cũng phải nạo VA và cắt Amidal nhiều hơn.
Hệ miễn dịch, các chức năng tế bào
Khói thuốc lá có tác dụng tiêu cực đến hệ thống miễn dịch của bé nói chung và phổi nói riêng. Ngoài ra, khói thuốc làm giảm lượng vitamin C trong cơ thể bé cũng làm suy yếu nhanh hệ miễn dịch.
Tiếp xúc với khói thuốc lá có thể lấy đi các chất chống ô-xy hoá trong cơ thể của trẻ. Trẻ nhiễm khói thuốc lá càng nhiều thì hàm lượng chất chống ô-xy hoá trong cơ thể càng thấp.
Tiếp xúc với khói thuốc lá còn làm thay đổi chức năng tế bào như làm giảm tỉ lệ thanh thải các chất hít vào và độ thấm bất thường của tế bào và mạch máu.
Hệ thống tim mạch, huyết áp
Hút thuốc thụ động có thể ảnh hưởng lên hệ thống cơ tim của trẻ. Những ảnh hưởng này bao gồm việc hạn chế cung cấp oxy cho các mô của cơ thể, làm giảm đáp ứng của nhịp tim khi hoạt động, và làm tăng nhịp tim từ từ liên tục.
Chỉ cần hít phải một lượng nhỏ khói thuốc lá cũng có thể khiến huyết mạch của trẻ gặp nguy hiểm, Thậm chí chỉ cần một chút khói thuốc trong nhà hay ở các khu công cộng cũng ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch của trẻ trong độ tuổi tiểu học.
Một nghiên cứu tại viện môi trường, trường Đại học Minnesota, Mỹ đã chỉ ra rằng các bé trai tiếp xúc với khói thuốc có xu hướng có mức huyết áp cao hơn bé trai khác, do đó mắc nguy cơ phát triển bệnh cao huyết áp khi chúng lớn lên. So với các trẻ trai không tiếp xúc với khói thuốc, bé trai tuổi từ 8-17 phải tiếp xúc với khói thuốc có mức huyết áp tâm thu cao hơn nhiều. Nhưng các bé gái thì lại ngược lại – có mức huyết áp thấp hơn.
Hệ tiêu hóa, đường ruột
Hút thuốc thụ động cũng là một yếu tố nguy cơ gây các loại bệnh đường ruột mạn tính khác, viêm đại tràng. Những trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thì nguy cơ bị loét đại tràng tăng gấp 2 lần so với trẻ không tiếp xúc.
Các vấn đề khác
Khi khói thuốc lá được thong thả bay bổng trong một không gian kín mít, không khí sẽ bị ô nhiễm nhiều hơn không khí bình thường tới 40 lần. Trong môi trường này, trẻ sẽ bị kích thích, mắt cay sè, dàn dụa nước mắt nước mũi, ngứa họng, đau ngực, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn. Sau nửa giờ tiếp tục hít thở, lượng carbon monoxide trong máu tăng, nhịp tim đập mau, khả năng suy luận, phán xét giảm sút.
Tại nhà, giới trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá dễ nghiện thuốc lá nhiều hơn từ 1,5 đến 2 lần so với những người không tiếp xúc khói thuốc lá.
Một số nghiên cứu gần đây ở Mỹ và New Zeland cho thấy nếu người mẹ hút thuốc trong lúc có bầu cũng như sau khi sinh, những đứa con dễ gặp vấn đề tập tính như trẻ khó dạy, phá phách.
Bên cạnh đó còn phải kể đến những tai nạn cháy nhà do thuốc lá gây nên mà nạn nhân thường là trẻ em.
"Vì tương lai con em chúng ta"
Chất độc trong khói thuốc có thể bám vào tóc, quần áo của người hút; và bám vào các bề mặt đồ đạc trong nhà, bao gồm cả thảm và ghế với thời gian rất lâu sau khi khói thuốc ngừng nhả. Trẻ có thể tiếp xúc với những đồ vật này khi chơi, bò trường hay ôm ấp người hút thuốc lá .
Do đó, nếu bạn là người hút thuốc và trong nhà có trẻ nhỏ, hãy tránh hút thuốc trong nhà là an toàn nhất cho trẻ. Hãy cố gắng để trẻ không trở thành nạn nhân hút thuốc lá thụ động. Và nếu bạn không thể từ bỏ thói quen này, hãy cố gắng hút thuốc ở những nơi mà trẻ không bao giờ có mặt ở đó.
Đề nghị khách khứa, bạn bè và mọi người trong gia đình không được hút thuốc trong khu vực đang có con bạn, đề nghị những người đi cùng xe với bạn và con bạn không được hút thuốc trong xe ô tô. Nếu bạn vào một nhà hàng hay vào rạp xem phim, ca nhạc, hãy đề nghị hoặc chọn mua vé ở khu vực dành cho người không hút thuốc. Không cho người giữ em bé, người giúp việc hút thuốc trong nhà hoặc ở gần các em…
Từ những hiểu biết về tác hại, ảnh hưởng của khói thuốc đến sức khỏe của trẻ, bạn hãy chủ động cùng người thân, bạn bè và những người xung quanh đảm bảo cho trẻ một môi trường “không khói thuốc”, an toàn để trẻ có thể phát triển khỏe mạnh.