Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trung bình một người Mỹ lãng phí khoảng 20 pound thực phẩm/ tháng (tương đương 9 kg), tính ra một gia đình 4 người lãng phí 2.275 USD - cao gấp rưỡi GDP bình quân đầu người của Việt Nam.
Xét trên mức độ quốc gia, năm 2008 lãng phí gần 167 tỉ USD, thấp hơn 8% so với con số 180 tỉ của năm ngoái. Năm 2008 là lần gần nhất USDA tính toán tổng giá trị thiệt hại từ các loại thực phẩm do hộ gia đình, siêu thị, nhà hàng và các nhà cung cấp dịch vụ thức ăn bỏ đi (chưa tính đến con số lãng phí từ các nhà nông).
Sự hoang phí diễn ra tại từng mắt xích của chuỗi cung ứng thực phẩm, từ thu hoạch trang trại, đưa ra thị trường cho đến quá trình chế biến, vận chuyển đến các trung tâm phân phối. Ông Jonathan Bloom - tác giả sách American Wasteland được mệnh danh là cuốn "biên niên sử" ghi chép lại sự lãng phí trong hệ thống thực phẩm Mỹ - tính toán rằng nước Mỹ đang "ném" 250 tỉ USD vì sự lãng phí trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm.
Theo Cơ quan bảo vệ môi trường, tất cả những loại thức ăn không dùng được đều chuyển đến các bãi rác chôn lấp. Thức ăn thừa là nguồn rác đứng đầu (tính về khối lượng) tại đây, nhiều hơn cả nhựa plastic, và chiếm khoảng 14% trong tổng lượng chất thải rắn đô thị, "góp" 25% vào việc phát thải khí methane và tiêu tốn 1,3 tỉ USD cho việc vận chuyển.
Lãng phí thức ăn đang trở thành một thói quen mang tính văn hóa. Khi mua sắm, người Mỹ thường muốn cửa hàng chỉ bán những loại rau củ và trái cây tươi ngon nhất. Những người chủ siêu thị vẫn hàng ngày giúp người dân "làm sạch tủ lạnh" theo cách như vậy. Đối với người kinh doanh ngành công nghiệp thực phẩm thì tiền lãng phí chỉ đơn thuần là chi phí kinh doanh. USDA tính toán các siêu thị lãng phí 15 tỉ USD mỗi năm, chỉ tính riêng rau củ và trái cây.
Thói quen lãng phí này đòi hỏi sự điều chỉnh về văn hóa. Người khổng lồ Sodexco chuyên về dịch vụ thực phẩm đã cho nhân viên cắt giảm lượng lãng phí, bằng cách sử dụng các đĩa cân có kết nối với màn hình cảm ứng của thiết bị đầu cuối. Trước khi thực phẩm bị loại bỏ, nhân viên phải cân chúng và phải cung cấp tên thức ăn lẫn lý do vứt bỏ. Thiết bị này sẽ ghi lại ngày, giờ, trọng lượng và ước tính giá trị của thực phẩm. Các dữ liệu sau đó được sử dụng để công ty điều chỉnh đơn hàng. Sau khi thử nghiệm tại 7 trường đại học, Sodexco đã giảm gần 50% trọng lượng và giá trị lãng phí.
Christy Cook - Giám đốc cấp cao phòng phát triển bền vững Sodexco - cho biết: "Chiếc máy sẽ tạo ra các chuyên gia chất thải (trong nhà bếp) và đó là chương trình mang tính nền tảng”. Đến nay, Sodexco đã ứng dụng hệ thống trong 50 nhà ăn của các trường đại học.
Một số người phản đối lãng phí thực phẩm tin rằng chính phủ nên đóng vai trò trực tiếp hơn trong việc cắt giảm lãng phí. "Chúng ta chỉ mới nhận thức được rằng chúng ta đã và đang lãng phí một lượng lớn thực phẩm. Bước kế tiếp là phải làm cho người dân thấy được đây là một vấn đề và cần phải hành động", theo ông Jonathan Bloom.
Trong một báo cáo gần đây, nhà khoa học phụ trách dự án của Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Dana Gunders kêu gọi nước Mỹ phải thực hiện một nghiên cứu toàn diện và đặt ra mục tiêu quốc gia để giảm thiểu chất thải. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không tin chính phủ sẽ đưa vấn đề này vào mục tiêu quốc gia, như Vương quốc Anh đang làm.