Mạng sống của 12 con người quá mong manh

Posted on at


 Cả nước đều quan tâm đến 12 con người bị kẹt trong đường hầm thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo. Ít nhất, mỗi người trong chúng ta dâng một lời cầu nguyện cho họ.

(Công việc cứu hộ đang được tiến hành rất khẩn trương)

 

(Công việc cứu hộ đang được tiến hành rất khẩn trương)

 

 

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến Lâm Đồng để phối hợp với lãnh đạo địa phương trong hoạt động cứu nạn. Sự có mặt của lãnh đạo các ngành tại hiện trường, ngoài công tác chỉ đạo, còn là nguồn động viên rất lớn đối với lực lượng cứu nạn đang xông pha tại hiện trường cũng như gia đình, người thân của nạn nhân.

 

Cuộc cứu nạn mang tầm quốc gia, hy vọng với sức lực của một quốc gia, chúng ta không thể thất bại trong trận này.

 

Đối với 12 nạn nhân trong hầm tối, họ đang chiến đấu từng giây với cái đói, cái lạnh và ghê gớm hơn là căng thẳng vì sợ hãi. Gia đình, người thân của họ đang trong tâm trạng lo lắng tột cùng. Rất may cho đến giờ này, tín hiệu an toàn vẫn được phát ra.

 

Lực lượng cứu nạn hiện nay khá đông, gồm 378 người và 42 phương tiện các loại,sẵn sàng làm hết sức, suốt ngày đêm, chạy đua với thời gian để giành giật mạng sống của 12 người mắc nạn. Nhưng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, trong trường hợp này, tính chuyên nghiệp cần hơn số đông. Và quan trọng hơn, lúc này cần một phương án cứu nạn, nhanh nhất, hiệu quả nhất. Chậm một ngày, mối đe dọa về mạng sống càng nghiêm trọng hơn.

 

Vì vậy, ngoài ba phương án cứu nạn đang triển khai, rất cần sáng kiến khác từ cộng đồng. Bất cứ ai có kinh nghiệm về cứu nạn, đặc biệt là chuyên gia hầm mỏ, đều có thể đóng góp ý kiến, đề xuất phương án trực tiếp đến “bộ chỉ huy” cứu nạn. Biết đâu, sẽ có sáng kiến bất ngờ, cứu được các nạn nhân.

 

Cũng từ vụ sập hầm này, cho thấy sự chuẩn bị cho công tác cứu hộ cứu nạn của Việt Nam còn lung túng, thiếu tính chuyên nghiệp. Đội ngũ chuyên gia cứu hộ cứu nạn mỏng, trang thiết bị phục vụ cho công tác này cũng hạn chế. Được biết mũi khoan từ trên đỉnh xuống được 40 m thì gãy, phải khoan mũi khác. Một mũi khác phải tạm dừng vì nước và bùn trong hầm chảy ra quá mạnh, chưa thể tiếp tục triển khai. Rất mừng là đã có một mũi khoan tiến thành công vào khu vực công nhân măc kẹt.

 

Cán bộ lãnh đạo làm hết trách nhiệm, lực lượng tham gia cứu hộ đều xả thân, đông đảo nhân dân hướng về nạn nhân với tất cả tấm lòng. Nhưng đối phó trước các thảm họa, tấm lòng thôi chưa đủ, mà cần sức mạnh của trang thiết bị hiện đại và sự tinh nhuệ.

 

Trước những diễn biến khôn lường của thiên nhiên, thảm họa cũng sẽ khôn lường. Do đó, công tác cứu hộ vụ sập hầm này sẽ là một bài học kinh nghiệm quý giá để đối phó với những thảm họa có thể xảy ra.


TAGS:


About the author

160