Hiểm họa là một sự kiện hoặc hiện tượng không bình thường có thể đe dọa đến tính mạng con người, tài sản, cơ sở vật chất, kinh tế xã hội và môi trường.
Các loại hiểm hoạ:
- Hiểm họa tự nhiên: Bão, Lũ lụt, Sạt lở đất, Hạn hán, Động đất, Sóng thần,...
- Hiểm họa do con người gây ra: Ô nhiễm môi trường, rò rỉ khí độc, chiến tranh, khủng bố,...
- Hiểm họa do tác động bởi các hoạt động của con người: Làm gia tăng tốc độ phát thải khí nhà kính (một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu) như chặt phá rừng, đốt rừng để sản xuất; xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng làm thay đổi, ngăn chặn dòng chảy của nước sông/suối,...
Thảm họa
Là sự phá vỡ nghiêm trọng hoạt động của một cộng đồng, gây ra những tổn thất về người, môi trường, vật chất trên diện rộng và vượt quá khả năng đối phó của cộng đồng bị ảnh hưởng nếu chỉ sử dụng các nguồn lực của cộng đồng đó.
Cấp độ thảm họa được xác định theo hai cách:
- Cách 1: cấp 1, 2, 3 theo số lượng người bị thiệt hại;
- Cách 2: nhẹ, vừa, nặng.
Tình trạng dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu
Là mức độ mà một hệ thống (tự nhiên, xã hội, kinh tế) có thể bị tổn thương do biến đổi khí hậu (BĐKH) hoặc không có khả năng thích ứng với những tác động bất lợi của BĐKH
Khả năng (ứng phó và thích nghi)
Là những nguồn lực, phương tiện và điểm mạnh tại các hộ gia đình và cộng đồng có thể giúp họ đối phó, chống chịu, phòng ngừa, ngăn ngừa, giảm nhẹ hoặc nhanh chóng phục hồi sau thảm họa.
Khả năng được nhận định trên nhiều góc độ
- Khả năng tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực trong thời điểm bình thường, và trong thời điểm bất thường của thiên tai, khí hậu. Các nguồn lực này bao gồm:
+ Nguồn lực tài chính, tín dụng
+ Tài nguyên thiên nhiên: đất, nước, không khí, rừng
+ Cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng,...
+ Điều kiện kinh tế: các nguồn thu nhập, các nguồn chi sản xuất sinh hoạt,
+ Điều kiện phát triển con người: y tế, giáo dục, dân số
+ Điều kiện phát triển đời sống văn hóa xã hội: liên kết xã hội, văn hóa truyền thống, tôn giáo...
- Khả năng tham gia quyết định trong các quy trình, quá trình xây dựng và phát triển của cộng đồng, quá trình xây dựng cơ chế, tổ chức thể chế, luật và các chính sách, đặc biệt liên quan đến các khâu quản lý rủi ro thiên tai, khí hậu.
- Thái độ và động cơ của cá nhân, đơn vị, tổ chức... liên quan đến công tác giảm rủi ro thiên tai, khí hậu…
Ứng phó với biến đổi khí hậu
Là các hoạt động của con người nhằm thích ứng và giảm nhẹ BĐKH.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Là sự điều chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc con người đối với hoàn cảnh hoặc môi trường thay đổi, nhằm mục đích giảm khả năng bị tổn thương do dao động và BĐKH hiện hữu hoặc tiềm tàng và tận dụng các cơ hội do nó mang lại.
Giảm nhẹ biến đổi khí hậu
Là các hoạt động nhằm giảm mức độ hoặc cường độ phát thải khí nhà kính.
Biến đổi khí hậu
Là sự biến đổi trạng thái của khí hậu so với trung bình hoặc dao động của khí hậu duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là vài thập kỷ hoặc dài hơn. Biến đổi khí hậu có thể là do các quá trình tự nhiên bên trong hoặc các tác động bên ngoài hoặc do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển hay trong khái thác sử dụng đất.