Trước thực trạng nguồn nước có xu thế ngày càng khan hiếm, việc quản lý khai thác và sử dụng nước trở thành vấn đề quan trọng và cấp thiết. Hướng tới giải quyết vấn đề này, “nước ảo” đóng vai trò gì trong việc quản lý sử dụng nước? Bài viết này trình bày một số khái niệm về “nước ảo” và vai trò của lý thuyết này trong việc giúp giải quyết bài toán thiếu nước.
Khái niệm về nước ảo
Khái niệm “nước ảo” đã được nhà khoa học người Anh John Anthony Allan – Giáo sư Đại học Hoàng gia ở Luân Đôn nêu ra từ những năm 1988 và đưa ra phương pháp tính toán lượng nước cần thiết để làm ra thực phẩm và hàng tiêu dùng mang tên “nước ảo”. Với lý thuyết này, ông được giải thưởng Nước Stockholm năm 2008.
Rõ ràng, với sản xuất hàng hóa công, nông nghiệp và các dịch vụ đều yêu cầu phải có nước. Lượng nước cần phải sử dụng để sản xuất ra một sản phẩm đến tay người tiêu dùng được nhà khoa học GS. Allan lần đầu tiên gọi là “nước ảo”.
Allan (2005) đã phát biểu rằng: “Nước được cho là ảo bởi vì một khi cây lúa mì được trồng thì lượng nước thật sự dùng để trổng cây đã không còn chứa trong cây lúa mì. Nước ảo không có mặt trong sản phẩm. Khái niệm nước ảo giúp chúng ta nhận biết lượng nước cần thiết đã được dùng để sản xuất những hàng hóa hay dịch vụ khác nhau. Trong những khu vực khô hạn và nửa khô hạn, biết được giá trị của nước ảo trong một món hàng hoặc một dịch vụ có thể hữu ích trong việc đưa ra cách tốt nhất để sử dụng lượng khan hiếm có được”.
Trong tính toán nhu cầu nước, thay vì chỉ tính lượng nước cần dùng cho sinh hoạt để uống, tắm, giặt… thì lý thuyết “nước ảo” tính cả lượng nước được dùng để sản xuất cho tất cả các lương thực, thực phẩm và sản phẩm hàng hoá tiêu dùng.
“Ảo” ở mức độ chính hàng hóa được trao đổi, chứ không phải lượng nước cần thiết cho sản xuất hàng hóa đó. Để chỉ lượng nước không tồn tại trong sản phẩm (hạt ngô, lúa…) mà được sử dụng trong quá trình sản xuất ra nó, gọi là “nước ảo”.
Nhận thức nước là thứ hàng hóa có giá trị kinh tế và là “hàng hóa” đặc biệt hơn các loại hàng hóa thông thường khác, thì khái niệm nước ảo được định nghĩa như một một tài nguyên và là món hàng hoá trên thị trường ngành nước. Nước ảo thể hiện ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong việc quản lý nguồn nước hiệu quả.
Khái niệm “nước ảo” cho phép hiểu tại sao hoạt động buôn bán có những hậu quả trực tiếp đến nguồn nước ở các nước xuất khẩu.
Nước ảo trong các sản phẩm hàng hóa
Khái niệm “nước ảo” cũng trở thành phương tiện để tính toán toàn bộ lượng nước tiêu tốn cho mỗi sản phẩm, từ khi được sản xuất tới khi đến tay người tiêu dùng.
Theo cách tính toán này, phải cần đến 140 lít “nước ảo” để làm ra một tách cà phê, kể từ khâu chế biến đến vận chuyển đến người tiêu dùng (tương đương với lượng nước mà một người ở Anh dùng cho sinh hoạt hằng ngày).
Trong khi đó, để làm ra một chiếc bánh hamburger tiêu tốn khoảng 2.400 lít nước (một người Mỹ tiêu thụ bình quân 6.800 lít “nước ảo” mỗi ngày) và để sản xuất ra một kilogram lúa mì, cần phải có 1300 lít nước.
Nước ảo trong thị trường nước và giao dịch nước ảo
Sự giao dịch hay trao đổi “nước ảo” hướng đến một cách hiểu rằng, khi những hàng hóa hay dịch vụ được trao đổi cũng chính là đang trao đổi nước ảo.
Nếu một nước nào đó xuất khẩu một lượng hàng hoá có nghĩa là nước này đã xuất khẩu nước dưới một hình thức ảo. Như vậy, cũng nghĩa là đối với nước nhập khẩu hàng hóa không cần phải dùng lượng nước đó để tự mình sản xuất. Điều này có nghĩa là, quốc gia nhập khẩu đó đã tiết kiệm được nước và làm giảm nhẹ sức ép đối với nguồn tài nguyên nước của mình, nếu như quốc gia này khan hiếm nước. Cách giải quyết này là phương án tối ưu.
Ngược lại, nếu quốc gia xuất khẩu hàng hoá có nguồn nước dồi dào thì loại hình trao đổi này trớ thành một công cụ có hiệu quả đối với việc sử dụng tối ưu nguồn nước trên thế giới. Chính vì vậy, việc trao đổi nguồn nước ảo được coi là một phương tiện rất có ích để khắc phục tình trạng thiếu nước đối với một số quốc gia.
Khi một nước nhập khẩu một tấn lúa mì thay vì tự sản xuất, thì quốc gia đó đã tiết kiệm được 1.300 m3 nước thực. Nếu đây là một quốc gia khan hiếm nước thì lượng nước được “tiết kiệm” này có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác. Nếu quốc gia này tự sản xuất thì đồng nghĩa rằng, đã xuất đi 1.300 m3 nước vào việc trồng lúa mì và không còn nước dành cho những mục đích khác nữa.
Singapore là một nước nhập khẩu không phải chỉ hầu hết lượng thực phẩm mà cả phân nửa lượng nước để dùng cho gia đình và công nghiệp; Jordanie có thể vừa đủ cung cấp cho nhu cầu về nước trong gia đình và công nghiệp của mình, nhưng phải nhập 80% lượng thức ăn và thực phẩm.
Mỹ, Argentina và Brazil “xuất khẩu” hàng tỉ lít nước mỗi năm, trong khi những nước như Nhật Bản, Ai Cập và ý lại “nhập khẩu” hàng tỉ lít nước mỗi năm thông qua việc xuất nhập các hàng hóa.
Mỹ là nước có các nguồn tài nguyên nước dồi dào, đang bị cạn dần trữ lượng của mình khi dành 1/15 lượng nước sử dụng được của mình cho canh tác nông nghiệp xuất khẩu.
Sri Lanka và Nhật Bản là 2 quốc gia trong tốp các nước phải nhập khẩu nước ảo, thông qua việc nhập khẩu một lượng lớn lương thực và thực phẩm. Như vậy nước ảo đã giúp cho Sri Lanka và Nhật Bản tiết kiệm được nguồn nước thực của mình.
Nước ảo là thước đo sự phân biệt giữa các nước xuất khẩu và các nước nhập khẩu nước. Những trao đổi trong lĩnh vực này trong phạm vi quốc tế cho phép dự báo được các nạn thiếu nước trong tương lai.
Cân bằng nước ảo được tính bằng tổng lượng nước ảo nhập khẩu và trừ lượng nước ảo xuất khẩu. Những quốc gia xuất khẩu nước ảo thì có cân bằng âm (negative balance), ngược lại, quốc gia nhập khẩu nước ảo thì có cân bằng dương (positive balance).
Nước ảo trong quản lý nguồn nước
Khái niệm “nước ảo” giúp các nhà nghiên cứu có cơ sở đánh giá hợp lý mức độ liên quan giữa nguồn nước trong lĩnh vực nông nghiệp, BĐKH, kinh tế và chính trị.
Những quốc gia khan hiếm nước có thể nhập khẩu thực phẩm như một nguồn “nước ảo” để giảm nhẹ áp lực thiếu nước. Từ đó, chính phủ các nước có thể sử dụng nước một cách hiệu quả và có chính sách sản xuất nhập khẩu hợp lý.
“Nước ảo” có ảnh hưởng rất lớn đến chính sách phát triển kinh tế – xã hội trên toàn cầu, đặc biệt là ở những khu vực và các quốc gia khan hiếm nước. Trong điều kiện tài nguyên nước của trái đất ngày càng cạn dần, lý thuyết “nước ảo” giúp mọi người ý thức được việc quản lý nguồn nước, đặc biệt có thể giúp giải quyết bài toán khan hiếm nước ở tầm vĩ mô.
Để tránh những rủi ro về ổn định của hoạt động kinh tế và chính trị, các nhà quản lý đã đưa ra những giải pháp dựa trên khái niệm nước ảo.
Khái niệm “nước ảo” giúp cho các nhà quản lý (các cấp trong quốc gia) chú trọng đến việc tiết kiệm trong việc sử dụng nguồn nước sao cho hiệu quả. Ngoài những biện pháp thường được áp dụng như biện pháp công trình, phi công trình, biện pháp kinh tế nhằm bảo vệ và phát triển nguồn nước, việc buôn bán nước ảo là một trong những biện pháp mang tính kinh tế được bàn thảo trong các diễn đàn, hội thảo.
Chính nhờ sự buôn bán nước ảo mà các nước giàu về kinh tế nhưng nghèo về nguồn nước, cho đến nay vẫn không bị mất ổn định từ nguồn nước.
Đối với Việt Nam, hằng năm, nước ta xuất khẩu bình quân 6 triệu tấn lúa gạo (nhiều nhất nhì thế giới) và nhiều mặt hàng khác đồng nghĩa với việc đã xuất khẩu một lượng nước rất lớn! Điều này giúp nước ta có được một nguồn lợi khá lớn về kinh tế và giúp ổn định an ninh lương thực thế giới. Tuy nhiên, về iâu bền cần phải xem xét đến việc qui hoạch sản xuất phù hợp với nguồn tài nguyên nước ở từng khu vực, từng địa phương mang tính vĩ mỏ trên cả nước.
Vì trong thực tế hiện nay, nước ta cũng đang có nguy cơ thiếu nước khá lớn tại một số vùng, nhất là trong các tháng mùa khô. Điều này hướng đến một suy nghĩ về việc xuất khẩu lúa gạo, thực phẩm, hàng hóa… Giao dịch, trao đổi nước ảo cho phép hướng đến việc đánh giá và phân tích những lựa chọn những chính sách trong các lĩnh vực hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế bền vững.