Có lẽ những ngày ấy, nơi ấy đối với một số nhiều người nó cũng sẽ chỉ còn là một vùng kí ức nhạt nhòa, nhưng đối với hắn và hắn biết những người dân nơi ấy cũng vậy, nỗi đau ấy luôn hiện diện và thường trực trong hắn và chính họ.
***
Nước, nước là thứ có sức mạnh khủng khiếp và đáng sợ, nó có thể cuốn phăng đi tất cả mọi thứ kể cả chút lương tâm còn xót lại mà không để lại dấu tích.
Lão ngồi đó trên cái bậc thềm phóng ánh nhìn ra xa nơi cái ray tàu, nơi mà cái đêm lão đã để trôi mất vợ của mình. Trước mắt lão, phía sau lão, xung quanh lão và chính tại nơi lão ngồi tất cả mọi thứ đều đổ nát: khung cảnh đổ nát, lòng người đổ nát… Con gái và con rể lão đã mấy lần năn nỉ lão về ở với họ, nhưng lão không chịu, lão muốn ngồi lại nơi đây để gặm nhấm nỗi đau, để xé nát chính tâm hồn của mình.
Những người lính vẫn cặm cụi xúc từng xẻng đất, lăn từng cục đá, lượm lặt phân loại những gì còn xót lại trên ngôi nhà dột nát mấy mươi năm của lão. Họ im lặng, không ai nói với nhau một câu nào, lâu lâu lại đưa mắt nhìn lão.
Tiếng hô: “1,2,3” khi những người lính cố gắng lăn tảng đá dăm ba người ôm làm lão chợt tỉnh. Lão đứng dậy ra phía sau mảnh đất nơi trước đây là gian nhà bếp xập xệ, một vài người hàng xóm dựng lên 1 căn chòi căng tấm bạt tạm bợ bắc ngang qua làm nơi ngủ cho lão. Một lúc sau lão quay ra trên tay là 1 dĩa bánh ngọt mà con gái lão sáng nay mang qua cho lão khi nghe tin bộ đội về giúp dân.
“Mấy chú nghỉ tay, ăn đi đã rầu làm”.- Giọng nói the thẽ phát ra từ nơi cổ họng như đang bị đong đầy bởi đờm đặc.
Từ sáng đến giờ đây cũng là lần lầu tiên hắn trực diện lão, hắn nhìn chăm chăm.
Gương mặt khắc khổ, nước da đen sạm, 2 gò má teo húm lại, bộ râu có vài sợi lún phún bạc, một gương mặt chẳng có gì đặc biệt ngoài đôi mắt của lão.
Đôi mắt sưng húp, đỏ hoe, những vết chân chim kéo rộng ra tới vành tai càng làm lão trở nên khắc khổ, già nua nhưng điều đặc biết hắn nhìn thấy ở đôi mắt của lão đôi mắt hiền hậu của một người già.
Họ nhìn lão rồi lại nhìn nhau không biết phải cư xử thế nào cho phải đạo. Nhìn khung cảnh hoang tàn đổ nát, nhìn những con người lam lũ, khắc khổ, thấy một vùng quê tang tóc đau thương. Những người lính đến đây họ tự hào, tự hào vì họ đã được đến, để được giúp đỡ người khác. Đơn vị đã cấm tuyệt đối không được nhận bất cứ thứ gì dù là nhỏ nhất của người dân, họ coi điều ấy như là 1 điều răn dạy mà họ tuyệt đối phải phục tùng.
Hắn bước lại gần, nhận dĩa bánh trên tay từ lão, rồi nói cám ơn, để phá đi cái sự yên lặng vốn dĩ của nó. Lão rời tay khỏi dĩa bánh như trút đi được gánh nặng của mình, lão thở dài, lão lại bước tới cái bậc thềm, ngồi ngay lại chính cái vị trí lão vẫn ngồi, ngậm điếu thuốc trên môi lão lại trở thành chính lão như những ngày trước.
Lấy chi vậy mày, tí ông Đại đội trưởng lên thấy ổng la chết đó mày -Tiểu đội trưởng trách hắn.
Mày không ăn tao ăn, thấy người ta như vậy mày không nhận được à?- Hắn đáp lại với vẻ mặt nhăn nhó.
Hắn nhìn dĩa bánh chập chừng, không biết có nên ăn hay là không. Hắn thấy chính hắn cũng không hiểu nổi hắn, hắn nghĩ: "Không nhận không được, nhận rồi không ăn không được". Vậy là hắn quyết định: - Thôi ăn đi, tụi mày không ăn tao ăn ngồi thèm chết ráng chịu nghe.
Cả lũ phá lên cười.
Không biết có ai cảm thấy như hắn, hắn cảm nhận chiếc bánh như một thứ gì đó có vị vừa ngọt vừa đắng trong nó vậy.
Bão về
Lúc ấy lão đang ở dưới Thị trấn nơi nhà con gái lão, lão xuống ấy mấy ngày trước để khám bệnh vì trong người không được khỏe. Trời mưa như trút nước, đêm ấy lão bắt con rể lão phải chở bằng được lão về: -Má mày ở nhà một mình tao không yên tâm.
Cái đêm ấy cũng là cái đêm mà lão mất tất cả chỉ trừ lại nỗi đau.
Lão và bà không ngủ được dẫu đã gần 2h sáng, ngoài trời mưa gió vẫn như đang muốn xé toạc căn nhà mái ngói rêu mục tựa lưng vào vách núi.
Rầm...lão nghe như có tiếng va chạm phía sau gian nhà bếp, căn nhà lung lay.
Lão lật đật nắm lấy tay bà rồi kéo chạy ra khỏi ngôi nhà hướng về phía ray tàu qua 1 đoạn trũng ngăn cách ngôi nhà lão với cái ray tàu.
Nước, nước lênh láng nước tràn ngập khắp mọi nơi, nước cuốn phăng tất cả mọi thứ trên đường mà nó đi, nước lên đến ngực lão và vẫn đang tiếp tục dâng lên. Lão cố gắng dùng hết sức bình sinh nắm lấy tay bà, kéo bà bơi về hướng ray tàu để trèo lên trên nó, lão bám được tay lên thành đường rồi trèo lên trên, lão cố gắng để kéo bà lên nhưng dường như chút sức lực của tuổi già nhiêu đó là không đủ cho 2 người. Nước có phải tại nước đã cuốn bà đi, hay là vì tại chính lão bất lực khi chỉ biết nhìn dòng nước cuốn qua đi người mà lão yêu thương trong đêm đen kìn kịt. Lão đã để trôi tuột mất vợ mình trong dòng nước.
Sáng hôm sau mưa dần nhẹ hạt, người ta thấy lão nằm trên ray tàu không động đậy. Mọi người đưa lão về nhà của người hàng xóm để cấp cứu.
Nước qua đi nước để lại gì, để lại cảnh tang tóc đau thương của một vùng quê vốn dĩ yên bình với những người nông dân cần cũi đặm mình trên ruộng lúa. Nước để lại 3 người còn sống xót kịp leo lên nóc nhà ở một ngôi xóm nhỏ ven sông với 5 nóc nhà còn nước cuốn đi 18 sinh mạng, nước để lại những người vợ góa con côi ngày đêm trông ngóng tin chồng từ biển cả bao la, nước để lại những người dân đứng thẫn thờ nhìn đống đổ nát. Nước để lại nỗi đau, nỗi đau cho rất nhiều người không chỉ riêng cho lão.
Nước, sức mạnh của nước là đáng sợ là khủng khiếp nhưng không khủng khiếp và đáng ghê tởm bằng lòng người. Những con người dửng dưng đối với mạng sống.
Nước ở đâu? nước mưa, hay là nước từ những đập chứa nước từ thủy điện.
Đêm ấy lợi dụng trời mưa, thủy điện xả nước từ các hồ chứa. Họ xả lũ trong khi người dân vẫn còn say giấc, họ xả lũ để giết chính đồng loại của mình, họ làm tăng lên nỗi uất hận của người dân nơi đây đối với nước.
Họ, những người dân vẫn dửng dưng rằng mưa bão không thể làm gì được họ, mưa không đủ để xóa đi sự hiện diện của họ trên cõi đời này. Nhưng họ đã lầm.
Có lẽ những ngày ấy, nơi ấy đối với một số nhiều người nó cũng sẽ chỉ còn là một vùng kí ức nhạt nhòa, nhưng đối với hắn và hắn biết những người dân nơi ấy cũng vậy, nỗi đau ấy luôn hiện diện và thường trực trong hắn và chính họ.