[Radio truyện số 6] Người mẹ điên phần 2
Trời lấy đi khát vọng được làm một con người bình thường nhưng liệu có thể lấy đi bản năng và khát vọng làm mẹ? Tình mẫu tử thiêng liêng có thể vẹn nguyên trong những con người ấy? Blogtamsu.vn mời các bạn cùng lắng nghe phần cuối câu chuyện “người mẹ điên”
Khi tôi vào lớp 1, cha tôi vẫn vất vả làm công việc canh hồ cá, mỗi tháng 50 tệ. Mẹ vẫn đi làm đồng dưới sự chỉ bảo của bà, chủ yếu chỉ cắt cỏ lợn.
Nhớ mùa đông đói rét, năm tôi học lớp 3, trời đột ngột đổ mưa, bà sai mẹ mang ô cho tôi. Có lẽ trên đường trơn ướt mẹ đã ngã ì ạch mấy lần, toàn thân như con khỉ lấm bùn, mẹ đứng ngoài cửa sổ lớp học nhìn tôi cười ngớ ngẩn, miệng gọi tôi: “Thụ … Ô”
Có mấy đứa bạn cười khúc khích, tôi như ngồi trên bàn chông, vừa oán hận mẹ không biết điều làm tôi xấu hổ vừa hận thằng Hỷ cầm đầu trêu chọc.Tôi tức lên chộp lấy hộp bút đập mạnh cho nó một phát, nhưng thằng Hỷ tránh được và nó xông tới bóp cổ tôi, chúng tôi giằng co đánh nhau, nó to và mạnh nên tôi dễ dàng bị nó đè xuống đất. Lúc này, chỉ nghe một tiếng “vút” kéo dài từ bên ngoài lớp học, mẹ như một đại hiệp bay ào tới, một tay tóm cổ thằng Hỷ, đẩy ra tận ngoài cửa lớp.
Ai cũng bảo người điên rất khỏe, đúng như vậy, mẹ dùng hai tay nhấc bổng thằng bắt nạt tôi lên không trung, nó kinh sợ khóc gọi bố mẹ. Mẹ không thèm để ý, vứt nó vào ao nước cạnh cổng trường, mẹ thản nhiên đi ra.
Mẹ vì tôi gây ra đại họa, nhưng mẹ coi như không có gi xảy ra. Trước mặt tôi, mẹ lại có vẻ khiếp nhược, chỉ muốn lấy lòng tôi. Tôi hiểu ra đây là tình yêu của mẹ, dù đầu óc mẹ không tỉnh táo, thì tình yêu mẹ vẫn tỉnh táo vì con trai của mẹ bị người ta bắt nạt.
Lúc đó, tôi không kìm được, kêu lên “Mẹ“, đấy là tiếng gọi đầu tiên kể từ khi tôi biết nói. Mẹ sừng sờ cả người, nhìn tôi rất lâu, mẹ như một đứa trẻ vui mừng, rồi cười ngớ ngẩn. Hôm đó lần đầu tiên hai mẹ con cùng che chung cái ô về nhà.
Tôi kể sự tình cho bà nội nghe, bà sợ rụng rời ngã lăn trên ghế, vội vã nhờ người gọi cha tôi về.
Cha vừa bước vào nhà, một đám thanh niên vạm vỡ tay dao tay thước xông vào nhà tôi, không cần hỏi han trắng đen gì , họ đập nát như tương các thứ trong nhà tôi.
Bố thằng Hỷ hung hãn chỉ vào cha tôi nói: “con trai tao sợ quá phát điên rồi, đang nằm nhà thương, nhà mày không mang 1.000 tệ trả tiền thuốc thang, tao đốt sạch nhà mày ra“.
Một ngàn tệ? Cha tôi làm 1 tháng 50 tệ, nhìn họ đằng đằng sắt khí, mắt cha tôi đỏ lên, cha nhìn mẹ với ánh mắt cực kỳ khủng khiếp, một tay nhanh như cắt cha dỡ lấy thắt lưng da đánh tới tấp khắp người mẹ.
Trận đòn khủng khiếp, mẹ như con chuột , khiếp hải run rẩy, như con thú săn bị dồn vào đường chết, mẹ kêu lên thảm thiết.
Sau đó trưởng đồn cảnh sát phải đến can ngăn bàn tay bạo lực của cha, kết quả là: “cả hai bên đều tổn thất , không ai phải bồi thường ai, nếu ai còn gây sự sẽ bắt ngay người đó“.
Đám người đi rồi cha tôi nhìn khắp nhà, mọi thứ tan tành, cha lại nhìn mẹ tôi vết roi đầy mình, bất ngờ cha ôm mẹ vào lòng khóc thảm thiết “mẹ điên ơi, không phải tôi muốn đánh mẹ, mà nếu như không đánh thì việc này không dàn xếp nổi, làm sao có tiền mà đền người ta, bởi nghèo khổ mà thành họa đấy thôi“.
Cha lại nhìn tôi “Thụ, con phải cố mà học lên đại học, không thì nhà ta cứ bị kẻ khác bắt nạt suốt đời“. Tôi gật đầu.
Mùa hè năm 2000 tôi đỗ trung học với kết quả xuất sắc, bà nội cực nhọc cả đời nên mất trứơc đó, gia cảnh ngày càng khó khăn hơn. Gia đình tôi thuộc diện đặc biệt nghèo đói, nên tôi được chính phủ trợ cấp 40 tệ tháng, nhờ đó tôi được tiếp tục học. Gánh nặng tiếp tục đặt lên vai mẹ tôi.
Tôi học nội trú, cha tôi vẫn làm việc với 50 tệ một tháng. Mỗi lần bà thím nhà bên giúp nấu thức ăn xong, thì đưa mẹ mang đến trường cho tôi, mỗi ngày 20 ki lô mét đường núi ngoằn ngoèo làm khổ mẹ tôi phải nhớ đường đi, có ngày gió tuyết mẹ cũng đi. Và thật là kỳ tích, hễ bất cứ việc gì làm vì con trai, mẹ đều không điên tí nào, ngòai tình yêu mẫu tử ra, tôi không biết cách giải thích nào khác hiện tượng này.
Ngày 27 tháng 4 năm 2003, là ngày chủ nhật, mẹ lại đến, không chỉ mang thức ăn ,mẹ còn mang đến hơn chục quả đào dại. Tôi cầm một quả cắn một miếng, cười hỏi mẹ “Ngọt quá, ở đâu ra?“, mẹ nói: “tôi… hái…“, không ngờ mẹ tôi cũng bíêt hái cả đào dại, tôi chân thành khen mẹ: “mẹ, mẹ càng ngày càng tài giỏi“, mẹ cười hì hì.
Trước lúc về, tôi có thói quen dặn dò mẹ phải cẩn thận an toàn, mẹ ờ ờ trả lời. Tiễn mẹ xong tôi bận rộn lo ôn thi cúôi cùng thời phổ thông để thi vào đại học.
Ngày hôm sau, khi đang trong lớp học, bà thím vội vã chạy đến trường, nhờ thầy giáo gọi tôi ra ngòai. Thím hỏi, mẹ tôi có đến tiếp tế đồ ăn không? Tôi nói: “hôm qua mẹ có đến và về rồi“. Thím bảo “không, mẹ mày đến giờ vẫn chưa về“. Tim tôi thót lên một cái, mẹ tôi chắc không lạc đường, chặng đường này mẹ đã đi 3 năm rồi, không thể lạc được.
Thím hỏi “mẹ mày có nói gì không?“. Tôi nói: “không, mẹ chỉ cho cháu chục quả đào tươi“, thím đập hai tay “Thôi chết rồi, hỏng rồi có lẽ vì mấy quả đào dại rồi“.
Thím kêu tôi xin nghỉ học, chúng tôi men theo đường núi về tìm. Đường về , quả thật có mấy cây đào dại, trên cây lơ thơ vài quả cọc, bởi nếu mọc ở vách đá mới còn giử được quả, cùng lúc đó chúng tôi nhìn thấy trên cây đào có nột vết gảy cành, dưới cây là vực sâu trăm thước.
Thím nhìn tôi rồi nói “chúng ta xuống khe vách đá tìm“, tôi nói “Thím, thím đừng dọa cháu”, Thím không nói gì kéo tay tôi đi xuống vách núi.
Mẹ nằm yên tĩnh dưới khe núi, những trái đào dại vương vãi chung quanh, tay mẹ nắm chặt một quả, máu trên người mẹ đã cứng lại thành màu đen nặng nề.
Tôi đau đớn tới mức ngũ tạng như vỡ ra, ôm chặt cứng lấy mẹ, gọi: “Mẹ ơi , mẹ ơi… mẹ sống chẳng được sung sướng ngày nào“.
Tôi áp sát đầu vào khuôn mặt lạnh cứng của mẹ, khóc tới mức những hòn đá trên đỉnh núi như cũng rớt nước mắt theo.
Một năm sau ngày chôn cất mẹ, thư gọi nhập học của Trường Đại học Hồ Bắc bay thẳng vào nhà tôi.
Tôi gài lá thư đến muộn ấy vào ngôi mộ cô tịch của mẹ “Mẹ, con đã có ngày mở mặt mở mày rồi. Mẹ có nghe thấy không, mẹ có thể ngậm cười nơi chín suối“.
…
Tình mẫu tử – một tình cảm thân thuộc nhất của mỗi chúng ta, nhưng có mấy ai nhận ra điều đó, thứ tình cảm thiêng liêng nhất luôn được đề cao hơn bao giờ hết. Danh dự và sự nghèo khó có thể ngăn cản, nhưng chẳng thể nào ngăn cản mãi được, bởi dây yêu thương giữa mẹ và con là không thể nào đứt. Một điều đơn giản thế mà giờ đây cũng có những người không nhận ra, thật đáng xấu hổ cho những kẻ chà đạp lên một tình yêu thiêng liêng nhất đời người. “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không.”