Người miền Trung

Posted on at


Nhìn sơ qua bản đồ Việt Nam, nếu mường tượng đây là một người phụ nữ, đầu đội nón lá, đôi lưng gầy đang khom khom cặm cụi làm việc thì đôi lưng gầy và cong oằn bắt đầu từ Thanh Hóa, kéo dài đến tận chấm Bình Định, Phú Yên lại là mảnh đất miền Trung thân yêu.

Mảnh đất Việt Nam hình chữ S, ở phía Bắc phình ra giống như chiếc nón. Từ chấm lưng Thanh Hóa đến tận mũi Cà Mau tạo thành một đường cong. Nhìn sơ qua bản đồ Việt Nam, nếu mường tượng đây là một người phụ nữ, đầu đội nón lá, đôi lưng gầy cong oằn đang khom khom cặm cụi làm việc thì đôi lưng gầy và cong oằn bắt đầu từ Thanh Hóa, kéo dài đến tận chấm Bình Định, Phú Yên lại là mảnh đất miền Trung thân yêu.

"Đôi lưng gầy yếu" ấy là điểm tựa của cả gia đình, là nơi gánh nặng nhiều đợt bão lũ thiên tai, là nơi nắng khô hạn mùa hè, là mưa to gió lớn bão lũ vào mùa đông. Sức nặng của thiên tai, hạn hán, lũ lụt, mùa màng thất bát, cái nóng lạnh, đói nghèo, cơ cực mà tấm lưng miền Trung hết năm này qua năm khác cong oằn để đỡ cho "người phụ nữ đội nón lá Việt Nam". Thương lắm đôi lưng trần miền Trung.

Miền Tây, dù cái nghèo vẫn còn, nhưng khí trời thuận lòng người, đói thì cũng có rau, cá, cây trái đầy vườn. Người miền Trung nếu không biết dành dụm, chắt chiu, gom góp thì chỉ cần một lần càn quét của bão, cả nhà hàng chục miệng ăn phải nhịn đói, chịu rét, chia sẻ nhau từng miếng cơm, manh áo nhỏ.

Khổ nỗi, người dân quê nghèo làm lụng, tiền gom góp được thường họ không có thói quen đi gửi ngân hàng, ngân hàng với người miền quê nó sang, xa và lạ lắm. Người dân quê dành dụm được chút ít của ăn của để, lại đem mua heo, mua gà vịt, trâu bò thả đầy trong vườn để nuôi, đó là tài sản quý giá nhất. Họ thường ngày nhìn heo, gà, trâu bò sinh sôi nảy nở, lớn lên, họ lại vui, lại mừng, lại lạc quan về một tương lai tươi sáng.

Bi kịch của họ nằm ở chỗ những tài sản gom góp được quy đổi thành trâu bò, heo, gà chỉ sau một đợt bão lũ kế tiếp lại chết sạch. Mỗi đợt bão lũ đi qua không thiếu hình ảnh nhiều gia đình mất trắng ruộng vườn, trâu bò, gà vịt. Nhà cửa tốc mái, xiêu vẹo, đổ nát đã đành, thứ tài sản vốn dĩ đem gửi “ngân hàng” lại tang thương cuốn trôi theo bão lũ. Đó là chưa kể sau mỗi đợt bão lũ, mất mát tài sản chỉ là một phần, mất mát về con người mới là điều đau thương.

Ai có dịp theo dõi những thước phim chiếu về cảnh bão lũ miền Trung, nước ngập tận nóc nhà, nhiều cụ già ngồi chèo queo nhìn ra biển nước, bất lực và tuyệt vọng. Có nhiều em bé cùng một gia đình mất cả cha lẫn mẹ, ngồi túm tụm trong một góc và khóc nức nở. Trong bụng họ nhiều ngày vẫn chưa có cái ăn, và trên người không lấy một chiếc áo khô ấm để giữ nhiệt cho cơ thể.

Nếu nói sự yên bình về thiên nhiên ở các vùng miền khác, khí trời thuận lòng người để làm ăn sinh sống, thì miền Trung dấu yêu vô tình đã gánh chịu hết những sự trừng phạt của thiên nhiên. Người anh em của chúng ta đấy! Nếu trong một gia đình có người thường xuyên gặp bất hạnh, thì vô tình họ đã gánh hộ nhiều tai ương cho mình, để mình gặp nhiều may mắn và phước đức. Chúng ta phải thương miền Trung, người anh em ruột thịt bất hạnh.

Người miền Trung hay nói về tương lai, bởi vượt ra khỏi cái cơ cực hiện tại, cái khát vọng từ tận đáy lòng của họ là một ngày mới bắt đầu với thời tiết ôn hòa, mùa màng thu hoạch thuận lợi, thoát khỏi cái đói cái nghèo. Người miền Trung hay dành dụm để cho con ăn học đến nơi đến chốn. Với họ, tấm bằng kỹ sư, bác sĩ sẽ giúp tránh bớt khỏi sự trừng phạt khắc nghiệt của thiên nhiên khi hàng ngày phải cầu trời cho mùa màng thuận lợi. Cái bằng nó ổn định, đáng tự hào cho cả gia đình khi con cái học hành thành đạt. Có khổ cỡ nào, khó cỡ nào, con phải được ăn học đầy đủ.

Bởi thế những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên tại miền Trung, từ nhỏ đã được thấm nhuần tư tưởng phải dùng tri thức, phải nỗ lực trong học tập thì mai này mới thành tài, mới thoát khỏi cái nghèo, cái khổ. Vì vậy người miền Trung hiếu học, thèm học.

Không khó để về quê, tôi nghe hàng xóm láng giềng kể chuyện, nào là kể thằng Tí đầu xóm làm 2,3 chục triệu/ tháng, cái Hạnh vào công ty ngon, kiếm tiền nhiều, giàu có. Mặc dù khi vào Sài Gòn tôi gặp những người đó, họ cũng bươn chải và khổ cực mới trụ lại được Sài Gòn chứ chẳng phải 2,3 chục triệu hay giàu có như tôi nghe ở quê. Nhưng đó không phải là sự khoe khoang bỗ bã, tôi cho đó là một nét đẹp và thường cười thầm khi nghĩ về những điều ấy.

Khi bạn có con, cơ cực cho con ăn học thành tài thì việc bạn tự hào hay nói quá khi con cái đi làm đó là điều thường tình. Chính sự tự hào đó giúp họ vượt qua được bao nhiêu sự cơ cực, khổ nhọc, để đặt cược cả tương lai vào con cái. Hy vọng “sau này con nó sẽ làm rạng danh dòng họ”. Người miền Trung rất đáng yêu.

Miền Trung vốn dĩ là nơi hội tụ nhiều “đặc sản” văn hóa của người Việt Nam. Miền Bắc từ Nghệ An đổ ra tới Lào Cai, Móng Cái, hoặc miền Nam từ Nha Trang, Ninh Thuận đổ dài đến Cà Mau đều có giọng nói giao tiếp không khó để nghe lẫn nhau. Nhưng đặc biệt ở miền Trung, từ Phú Yên, Bình Định đổ ra tận Quảng Trị, mỗi tỉnh là một đặc sản giọng nói.

Người Bình Định và Quảng Ngãi không quen thì nói với nhau như 2 bên chửi lộn. Hoặc người Quảng Nam mà nói với người Quảng Trị thì nghe cũng “khó đỡ”. Người Quảng Ngãi có thể đổ lỗi cho người Bình Định nói “khó nghe quá”. Người Bình Định thì cười phá lên “cái thằng quỷ này nó nói cũng có ai nghe được chữ nào đâu mà nói mình khó nghe”.

Đặc sản giọng nói ở miền Trung ít vùng miền nào ở Việt Nam có được, mà nào chỉ có giọng nói, nếu nói về ẩm thực miền Trung thì lại là một thế giới khác. Ai đã ăn bánh nậm bánh lọc, bánh mèo, bún bò Huế, ai từng ăn mì Quảng, bún chả cá Quy Nhơn, nem Ninh Hòa, nem Chợ Huyện Bình Định, bánh ít, bánh hồng, bánh tráng nước dừa? Ai từng thưởng thức bánh canh cá dầm Nha Trang, cơm gà Hội An, bì Tré chua chua ngọt ngọt... Nói về ẩm thực thì đặc sản miền Trung là một kho báu nhiều sắc màu mà không phải ai cũng có dịp ghé qua và trải nghiệm.

Tôi kể về người miền Trung với niềm tự hào riêng là người miền Trung. Con gái miền Trung, phần nhiều đều mang đầy đủ nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam mà văn học miêu tả, chịu thương chịu khó, chung thủy hết mực. Con trai miền Trung thật thà, chất phác, luôn lạc quan về tương lai và nỗ lực, chịu khó ở hiện tại.

Người miền Trung tâm lý “xóm làng” vẫn còn nhiều. Khi vào Sài Gòn, chứng kiến một đám tang ở Sài Gòn mà tôi không biết “nên vui hay nên buồn”. Đám tang ở đây nhạc xập xình, thuê người nhảy múa hát hò suốt đêm, toàn bộ mọi thứ từ dàn nhạc đến người khóc thuê phải bỏ tiền ra để có được một đám tang chỉn chu và nhiều tiếng tăm.

Người miền Trung không phải vậy, đám tang của một người, hàng xóm kế bên là người tới phụ dọn dẹp, căng bạt, dựng trại. Mọi công việc đào huyệt, khiêng quan, liệm, huy động xe khách và xe quan đều do hàng xóm láng giềng và người thân phụ giúp không lấy tiền. Nếu có chăng người không thân thích như mấy anh tài xế xe quan, xe khách chở người đi đến nghĩa địa, hầu như họ không lấy tiền. Đó vốn dĩ được họ quan niệm cũng là tạo phúc đức cho bản thân mình, và giúp đỡ người trong lúc tang gia bối rối.

Người miền Trung quan tâm và đùm bọc lẫn nhau rất nhiều. Họ hiểu rằng, chỉ có sự yêu thương, quan tâm lẫn nhau thì mới có thể chống chọi lại những sự trừng phạt khắc nghiệt của thiên nhiên, của cuộc sống, của cái nghèo khổ, cơ cực mà hàng ngày họ vẫn phải gánh chịu.

Nói về chuyện lập gia đình, nhiều đứa bạn tôi còn “bị” gia đình khuyên ngăn không nên quen con gái miền Nam, nên lấy con gái miền Trung, tuy nghèo 1 chút, tuy không “thời trang phấn son” hay “da trắng như trứng gà bóc” - nhưng họ tin tưởng vào con gái miền Trung, con gái miền Trung chung thủy và chịu thương chịu khó, biết quan tâm đến gia đình và lo cho chồng con.

Có thể những điều trên không phải là đúng tất cả, con gái miền khác hay những nét đẹp miền khác vẫn là những niềm tự hào của riêng mỗi vùng miền. Nhưng thôi kệ, tôi là người miền Trung, hãy cứ tự hào, dù miền Trung còn nghèo, còn vất vả và cơ cực nhiều.

 


TAGS:


About the author

160