Ngóng chờ

Posted on at




Tony tìm miết mới tuyển được 1 bạn tên T, định cho làm trưởng chi nhánh hãng Phượng Tím ở tỉnh H. Ở tỉnh H, Tony có người quen nên định thuê nhà của hai bác ấy làm văn phòng. Sáng qua, Tony kêu bạn T em rảnh chạy qua coi khảo sát mặt bằng. T nói dạ vâng. Rồi tới 5h chiều, Tony gọi lại hỏi đi chưa em ơi. T nói là 9h tối mới đi, lúc đó mới có đầy đủ 2 bác chủ nhà. Tony bảo đi sớm đi, hôm nay chủ nhà có ở nhà, anh vừa gọi cho họ xong. T bảo vâng em đi ngay. Dặn dò xong, Tony mới điện thoại nói 2 bác chủ nhà chờ nhé, người của tụi cháu chút nữa tới coi.

Sáng nay gọi lại hỏi tình hình thì T bảo là tối qua đi việc riêng về trễ nên quên, anh cho số ĐT chủ nhà em gọi xin lỗi cho, người cho thuê nhà ấy mà. Tony không chấp nhận lối suy nghĩ và cách làm này. Đã hẹn với ai thì phải thực hiện. Không thực hiện thì phải gọi điện lại báo cho người ta. Cái cảm giác chờ đợi ngóng trông nó kinh khủng lắm. Hai bác chủ nhà nói, từ lúc cháu gọi, hai bác đợi đến khuya, 11h đêm mới dám tắt đèn cổng, mà không dám gọi điện lại cho cháu sợ phiền, nghĩ là người của cháu đang trên đường đến.

Nhiều người cứ tự cho mình là hơn trong các quan hệ. Ví dụ với ứng viên đến phỏng vấn xin việc, với người bán hàng, người cho thuê nhà (nhiều bạn quan niệm mình là chiếu trên, người kia là chiếu dưới, mình bỏ tiền ra nên muốn gì cũng được, người ta cần mình mà). Suy nghĩ này không văn minh, các bạn trẻ phải từ bỏ lối suy nghĩ tầm thường này.

Thử hẹn ngày đi thi, đi phỏng vấn xin việc, đi xin visa nước ngoài…các bạn có quên được không. Chắc chắn là không, vì lợi ích của mình, ngu gì quên. Còn hẹn hò với ai mà quên không đi, là mình có ý coi thường việc đó/người đó. Hoặc do mình không biết sắp xếp công việc, không ghi chép vào sổ, không biết làm gì trước làm gì sau, cuối cùng quên cái này quên cái kia. 

Cả 2 đều không thể chấp nhận. Cái đầu là thái độ, với thái độ ấy, không ai ưa nên làm gì cũng thất bại. Cái sau là cách làm, việc lười ghi chép và không có phương pháp như vậy, không thể thành công.

Nên Tony đã nói T xin việc khác.



About the author

160