Các bà mẹ cần chú ý khi trẻ bị sốt thì cơ thể sẽ thay đổi và còn một số lưu ý nhỏ thì bạn phải biết quan tâm và chăm sóc cho trẻ đúng cách để mau hết bệnh.
Đừng quá lo lắng và mất bình tĩnh khi bé có triệu chứng sốt. Có đứa bé nào là chưa một lần sốt trong đời? Bởi vì nó không chỉ là triệu chứng bệnh khá phổ biến ở bé nhỏ khi sức đề kháng của bé còn rất yếu mà còn là một phản ứng tự nhiên của hệ miễn dịch để cảnh báo cho cơ thể trước các tác nhân gây bệnh tấn công bé nhỏ. Vậy ba mẹ phải chăm sóc bé như thế nào khi bị sốt?
Khi bé bị sốt cao mẹ cần kiểm tra nhiệt độ của bé
Những lời khuyên và hướng dẫn của các chuyên gia dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng “ứng phó” kịp thời trong thời điểm này.
Tại sao bé bị sốt?
Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với các bệnh nhiễm khuẩn, hoặc do bị nóng lạnh đột ngột hoặc những biến đổi về chuyển hóa bên trong cơ thể. Khi đó, sốt chính là triệu chứng của một số bệnh lý bé mắc phải.
Thường có hai nhóm nguyên nhân chính gây ra sốt là virus và vi khuẩn. Sốt khi bé bị viêm mũi họng, viêm amydal, sốt do cảm cúm… thường chỉ kéo dài 3-4 ngày. Trường hợp này, bé sốt nhưng vẫn tỉnh táo, vẫn ăn uống được và thường kèm theo các dấu hiệu như sổ mũi, hắt hơi, ho hoặc phát ban …thường là lành tính.
Trường hợp thứ hai, khi sốt là một trong những dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm như: viêm phổi, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm màng não, viêm não nhiễm khuẩn huyết…. Bé thường sốt cao và rất mệt mỏi kèm theo các triệu chứng khác như rét run, xuất huyết, co giật, nôn, khó thở, tím tái, li bì,, vật vã hay hôn mê gọi hỏi không biết… những trường hợn sốt kèm theo các triệu chứng trên rất nguy hiểm, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bé nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Những biểu hiện của bé khi bị sốt:
- Thân nhiệt bé trở nên nóng hơn rất nhiều.
- Bé quấy khóc, hay dễ nổi cáu.
- Mệt mỏi.
- Thở gấp.
- Ngủ lơ mơ.
Khi bé có những biểu hiện như trên, các bậc cha mẹ cần nhanh chóng đo nhiệt độ cho bé. Khi cặp nhiệt độ thì nhiệt độ thân nhiệt cao hơn 37oC.
Thang đo mức độ khi bé bị sốt:
- Khi nhiệt độ từ 37,5oC -38,5oC là sốt nhẹ.
- Khi nhiệt độ từ 38,5oC – 39oC là sốt vừa.
- Khi nhiệt độ từ 39oC-40oC là sốt cao.
- Khi nhiệt độ >40oC là sốt rất cao.
Mẹ nên làm gì khi bé bị sốt:
Khi bé bị sốt nhẹ:
- Thay quần áo thoáng mát cho bé hoặc nới lỏng. Bạn cũng cần lưu ý theo dõi thân nhiệt mỗi 4 giờ, đừng quên cho bé uống nhiều nước để tránh mất nước.
Khi bé bị sốt vừa:
- Cởi bớt quần áo, cho bé mặc đồ mỏng và rộng để dễ thoát nhiệt.
- Cho bé nằm ở nơi thoáng mát, giảm nhiệt trong phòng.
- Cho bé uống nhiều nước.
- Cho bé dùng thuốc hạ sốt có chứa hoạt chất Paracetamol. Hiện nay, có nhiều thuốc hạ sốt được đặc chế dạng siro để bé dễ uống và hấp thu. Các loại này cũng có xilanh bơm thuốc chuyên dụng tính theo cân nặng của bé. Với các chai dạng hỗn dịch thế này, cha mẹ cần bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng trực tiếp, và để ngoài tầm với của bé.
- Lau mát cho bé bằng nước ấm.
Khi bé bị sốt cao hay sốt rất cao – trên 39oC:
- Sử dụng các biện pháp hạ nhiệt như trên để hạ sốt tạm thời và nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế.
- Khi bị sốt, nước và muối bị mất thông qua việc toát mồ hôi của bé. Năng lượng và các Vitamin tan trong nước cũng bị hao hụt.
- Bạn hãy bù lại cho bé bằng cách cho uống nhiều nước, các loại nước ép trái cây giàu chất dinh dưỡng, hay uống các loại thuốc bổ đa sinh tố, trong đó cần nhất là Vitamin C và Vitamin nhóm B.
- Trong thời gian sốt, bé thường bỏ ăn. Bạn nên cố gắng cho bé bú và ăn nhiều lần trong ngày để tránh mất nước và sụt cân.
Chăm sóc khi bé bị sốt
Khi bé bị sốt bố mẹ nên quan tâm tới không khí trong phòng của bé. Đối với bé nhỏ khi bị ốm, sốt bạn cần để cho bé nghỉ ngơi trong những căn phòng thoáng mát, nhiệt độ thấp vừa phải, để giảm sức nóng đối với thân nhiệt của bé.
Nên cho bé uống những loại nước mát như nước lọc, cam, chanh để nhanh chóng cải thiện tình hình. Hạn chế và tốt nhất không nên cho bé sử dụng những loại đồ uống có chứa caphêin hay gas khiến cho cơ thể càng dễ bị khử nước.
Cho bé uống si rô, đặc biệt là loại si rô có chứa thành phần paracetamol. Tuy nhiên, việc sử dụng loại si rô nào còn phụ thuộc vào độ tuổi của bé. Nhưng nên nhớ rằng, đối với những bé dưới 3 tháng tuổi được khuyên không nên dùng bất cứ loại si rô nào. Vì thế, bạn không nên tự ý cho bé sử dụng si rô mà chưa hỏi ý kiến các bác sĩ chuyên khoa.
Nên thường xuyên cặp nhiệt độ cho bé để kiểm soát mức thân nhiệt của bé. Hãy nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện nếu tình trạng sốt của bé kéo dài, không có dấu hiệu thuyên giảm và nhiệt độ ngày một tăng lên.
Cần chắc chắn bạn hiểu rõ về cách sử dụng loại nhiệt độ bạn dùng. Nếu bạn sử dụng loại nhiệt độ đo ở trong miệng của bé, hãy đặt nhiệt kế phía dưới lưỡi và bỏ nhiệt độ ra trong vòng 2 phút. Không nên để bé cắn vào nhiệt độ.
Những loại thuốc như Acetaminophen và Ibuprofen là những loại thuốc giúp nhanh chóng giảm đau và hạ sốt. Tuy nhiên, ở những bé nhỏ, việc sử dụng loại thuốc Ibuprofen sẽ gây nên cho bé những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ. Liều lượng thuốc cho bé dùng phụ thuộc phần lớn vào trọng lượng và độ tuổi của bé.
Nên cho bé ăn loãng. Đây cũng là một nguyên tắc quan trọng khi bé bị sốt. Sốt cao liên tục sẽ làm cơ thể bé mất nước. Vì vậy, hãy cho bé ăn thức ăn loãng, dễ tiêu như cháo, súp. Trong nhiều trường hợp có thể pha oresol theo tỷ lệ cho bé uống để phòng nguy cơ mất nước do sốt kéo dài.
Bố mẹ không nên làm những việc sau khi bé bị sốt
Khi bé bị sốt mẹ không nên tự ý cho bé uống si rô mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
- Tự ý sử dụng si rô mà chưa hỏi ý kiến các bác sĩ chuyên khoa.
- Đắp cho bé quá nhiều chăn, và nếu bé còn nhỏ thì không nên quấn nhiều tã, mặc cho bé nhiều quần áo trước khi tiến hành đo nhiệt độ.
- Để bé một mình khi đo nhiệt độ.
- Dùng thuốc hạ sốt ngay khi nhiệt độ của bé dưới 38oC
- Phối hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cho bé
- Ủ ấm bé, sẽ càng làm tăng nhiệt độ
- Lau người cho bé bằng nước đá lạnh, cồn, dấm
- Vắt chanh, đổ thuốc vào miệng bé khi đang co giật, sẽ rất dễ gây ngạt thở
- Tự truyền dịch cho bé mà không có chỉ định của bác sỹ
Khi nào cần đưa bé đến cơ sở y tế?
+ Tất cả bé em dưới 5 tuổi bị sốt sau khi đã xử trí trên 1 ngày vẫn còn sốt cần đưa bé đến cơ sở y tế để tìm nguyên nhân.
+ Những trường hợp sốt cao dùng thuốc hạ nhiệt và các biện pháp không giảm.
+ Bé sốt kèm theo các dấu hiệu như mệt mỏi, li bì, co giật, bỏ ăn không uống hoặc nôn, đau bụng, xuất huyết, rét run, khó thở…
Cần đi khám cấp cứu ngay càng sớm càng tốt
Tóm lại, cần bình tĩnh theo dõi và xử trí. Cho uống thuốc hạ sốt, sau đó cần đưa bé đến cơ sở y tế để tìm nguyên nhân. Những trường hợp sốt kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm như co giật, không ăn uống …cần đưa bé ngay đến cơ sở y tế.
Nên gọi cho bác sĩ trong trường hợp nếu:
- Bé thay đổi thái độ.
- Bé có biểu hiện đau đầu dữ dội.
- Da khô, môi khô kéo dài.
- Đau họng kéo dài.
- Đau tai.
- Sốt kéo dài trong vài ngày.
- Đau bụng.
- Không có cảm giác đói.
- Thở khò khè
- Làn da trở nên tím tái.
- Nếu bé bị sốt co giật, phải ngay lập tức dùng khăn mềm kẹp giữa hai hàm răng để bé khỏi cắn phải lưỡi.
Để cập nhật những kiến thức về sốt và hạ sốt cho bé, cũng như các thông tin khác về chăm sóc trẻ, phụ huynh có thể truy cập: https://www.facebook.com/trungtamhasotbe
Nguồn: Efferalgan Kid