Vua Anh đánh rơi bộ trang sức Hoàng gia khi đang vượt biển, còn Cơ quan Lưu trữ Mỹ không thể xác định kẻ đánh cắp hoặc phá hủy sơ đồ kế hoạch thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản.
Quyền trượng nghị viện của bang Victoria, Australia
Quyền trượng là biểu tượng của Văn phòng Chủ tịch và quyền hiến định của nhân dân bang Victoria, Australia. Ảnh: ABC |
Quyền trượng là biểu tượng cho Văn phòng Chủ tịch cơ quan lập pháp và quyền hiến định của người dân bang Victoria, Australia. Ngày 9/10/1891, bọn trộm đánh cắp nó.
Một số nhân chứng cho biết họ thấy Thomas Jeffrey, một kỹ sư, chạy ra từ tòa nhà Nghị viện vào chiều hôm vụ việc xảy ra, mang theo một gói dài có hình dạng giống quyền trượng. Cảnh sát cũng tìm thấy những công cụ dùng để phá khóa trong nhà Jeffrey. Tuy nhiên, họ không đủ chứng cứ. Vì thế, hắn thoát tội,eMelbourne đưa tin.
Vài người cho rằng đây là một trò đùa, rằng một số thành viên nghị viện đã lấy quyền trượng và đặt nó trong một nhà chứa. Dù không tìm thấy bằng chứng, ủy ban điều tra khẳng định chắc chắn rằng nó chưa từng xuất hiện trong nhà chứa.
Mặc dù chiếc quyền trượng không mang giá trị thực chất, chính quyền bang Victoria vẫn trao thưởng 50.000 USD cho người có thể tìm thấy nó. Vì thế, những thợ săn kho báu đã tìm ở khu vực xung quanh sông Maribyrnong, ngoại ô thành phố Melbourne, nhưng tới nay họ vẫn chưa thấy.
Bộ trang sức hoàng gia của vua John
Bộ trang sức Hoàng gia của Anh là một trong bộ trang sức phô trương và ấn tượng nhất thế giới. Ảnh: Historyplace |
Nhiều người cho rằng Bộ trang sức Hoàng gia của Anh là một trong bộ trang sức phô trương và ấn tượng nhất thế giới. Hoàng gia Anh sử dụng chúng trong các lễ đăng quang và cất giữ chúng trong Tháp London với hệ thống bảo mật cao. Vệ binh Yeoman chịu trách nhiệm canh giữ bộ trang sức, bao gồm vương miện, vương trượng và một số đồ trang trí khác của hoàng gia. Họ trở thành điểm thu hút khách du lịch đến tham quan Tháp London.
Bộ trang sức Hoàng gia từng bị thay thế, đánh cắp và phá hủy nhiều lần. Một trong số những rủi ro ấy xảy ra dưới thời vua John. Năm 1216, khi vượt qua vịnh Wash ở hat Lincolnshire, nhà vua tính nhầm thủy triều và để mất hành lý - bao gồm Bộ trang sức. Sóng cuốn chúng ra biển khơi. Vài ngày sau, vua John lâm bệnh nặng và qua đời, BBC cho hay.
Vịnh Wash là khu vực nguy hiểm do thủy triều và bùn thường dâng lên nhanh chóng. Dù vậy, hàng năm, các thợ săn kho báu vẫn không ngừng tìm kiếm nơi Bộ trang sức rơi xuống với hy vọng đổi đời.
Gia tài của Dutch Schultz
Dutch Schultz là tên cướp nổi tiếng ở thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Listverse |
Dutch Schultz là biệt danh của tên cướp nổi tiếng Arthur Flegenheimer ở thành phố New York, Mỹ. Hắn kiếm khoảng 20 triệu USD mỗi năm nhờ trộm cướp và buôn lậu. Khi cảnh sát lùng bắt hắn vì tội trốn thuế, Dutch đã đặt toàn bộ gia tài vào một hộp sắt và chôn nó ở núi Catskills, bang New York.
Dutch Schultz nung nấu ý định tìm lại chiếc hộp sau khi vụ viêc lắng xuống. Đồng thời, hắn cũng lo sợ những kẻ khác sẽ đánh cắp nó nếu hắn vào tù. Vì thế, tên cướp giữ bí mật về nơi chôn hộp sắt. Cuối cùng, tòa tuyên bố hắn trắng án. Tuy nhiên, ngay sau đó, kẻ thù của Dutch bắn chết hắn tại một quán ăn, New York Times đưa tin.
Vì thế manh mối và chi phí để xác định vị trí của chiếc hộp trong một khu vực quá rộng lớn, người ta dần lãng quên nó. Đến nay, hàng triệu USD bất chính vẫn đang nằm đâu đó ở New York, chờ người khác phát hiện.
Mỏ vàng bí ẩn ở bang Arizona, Mỹ
Mỏ vàng bí ẩn ở bang Arizona, Mỹ, là mục tiêu của nhiều kẻ săn kho báu muốn đổi đời. Ảnh: Chris C. Jones |
Nhiều người cho rằng mỏ vàng của người Hà Lan mất tích chỉ là một câu chuyện cổ tích. Song nhiều người lại sẵn sàng mạo hiểm, thậm chí đánh đổi tính mạng, để tìm kho báu nổi tiếng.
Theo một số lời đồn, người ta phát hiện mỏ vàng vào những năm 1840 trên dãy núi Superstition ở miền trung bang Arizona, Mỹ. Một gia đình làm việc trong hầm mỏ và vận chuyển vàng về Mexico. Sau đó, bộ tộc Apache giết họ.
Vài người sống sót và bỏ trốn sang Mexico. Ngày nay, người ta gọi khu vực mà cuộc tấn công xảy ra là Khu Thảm sát. Truyền thuyết ra đời từ đó. Nhiều người còn tuyên bố rằng họ giữ bản đồ hoặc biết chính xác vị trí của mỏ vàng. Tuy nhiên, họ đều gặp bất hạnh trước khi tiếp cận nó.
Vào những năm 1870, người ta đồn rằng một người Đức nhập cư tên là Jacob “Người Hà Lan” Waltz đã tái phát hiện mỏ vàng nhờ sự giúp đỡ của một hậu duệ trong gia đình từng sở hữu nó. Họ cũng đồn rằng Waltz nhanh chóng chết nhưng không rõ là do bộ tộc Apache giết hay ông ta tự sát, Fox News cho hay.
Sơ đồ kế hoạch đánh bom hai thành phố Nhật Bản
Sơ đồ kế hoạch đánh bom nguyên tử xuống hai thành phố ở Nhật Bản của Không quân Mỹ trong Thế chiến II. Ảnh: Listverse |
Chiến tranh là một trong những lý do chính khiến các kho tàng vô giá thất lạc. Tuy nhiên, rất nhiều bảo vật là kết quả của những cuộc chiến.
Cơ quan Lưu trữ Mỹ đã đánh mất một số sơ đồ quan trọng, bao gồm hai sơ đồ kế hoạch tấn công bằng bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, do Không quân đặt ra vào tháng 4/1945. Đây là lời nhắc nhở về thời kỳ đen tối trong lịch sử nhân loại.
Không ai biết chắc về thời gian vụ trộm xảy ra. Đội điều tra vẫn chưa làm sáng tỏ cách kẻ đột nhập lấy cắp hay phá hủy hai tấm sơ đồ. Một cựu nhân viên cũng trộm những cuốn băng ghi âm từ kho lưu trữ và lên kế hoạch rao bán chúng trên eBay, Time cho biết.