Khi vấn đề biến đổi khí hậu và khan hiếm lương thực còn chưa đặt ra, Einstein đã có phát biểu sau: “Không có gì lợi cho sức khoẻ con người và tăng khả năng tồn tại của đời sống trên Trái Đất bằng việc tiến dần đến một viễn cảnh u ám này cũng được đưa ra tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 2 về Nông nghiệp.
Thiếu hụt lương thực
Lương thực sản xuất trên thế giới ngày càng thiếu hụt trước nhiều yếu tố mà đặc biệt là các điều kiện thiên nhiên gây ra do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đà gia tăng dân số không kiểm soát được. Trong những năm gần đây, tình trạng hạn hán tại Mỹ, khu vực quanh Biển Đen, Ấn Độ đã đẩy giá lương thực tăng gấp đôi chẳng khác gì tình hình dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008. Chỉ riêng trong tháng 7-2012 vừa qua, giá lương thực toàn cầu đã tăng lên 10% theo một báo cáo cuối tháng 8 của Ngân hàng Thế giới [2] và Chủ tịch Kim Jim Yong của WB đã phải công nhận đây là một đợt gia tăng mang tính lịch sử.
Cũng trong báo cáo nêu trên, từ tháng 6 đến tháng 7-2012, giá lúa mì và bắp (ngô) đã tăng 25%, giá đậu nành tăng 17%, chỉ có giá gạo là giảm đi 4%. Ngân hàng Thế giới kết luận là giá lương thực tăng vọt sẽ đe doạ sự sống của người dân nghèo trên thế giới là chính, đặc biệt là ở châu Phi và vùng Trung Đông.
Tình hình đáng báo động trên có lẽ sẽ tiếp diễn trong những năm tới vì áp lực của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng kéo theo hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng… làm cho nhiều diện tích đất nông nghiệp không sử dụng được để sản xuất lương thực. Hơn nữa, tại nhiều nước trên thế giới, diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp vì có xu hướng dùng chúng để trồng cây tạo nhiên liệu sinh học [3]. Trong khi ấy, dân số thế giới ngày càng tăng, gây căng thẳng trong việc cung cấp lương thực cho một số dân ước tính là sẽ lên đến 9 tỷ người vào năm 2050. Với dân số 7 tỷ người như hiện nay, sản lượng lương thực trên thế giới vẫn chưa đủ và khoảng 1 tỷ người còn trong tình trạng thiếu đói; các nhà khoa học của Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO) tính rằng đến năm 2050, sản lượng lương thực cần phải tăng thêm 70%, một mục tiêu rất khó thực hiện.
Sự thiếu hụt lương thực trong những năm gần đây phần lớn là do nạn hạn hán trầm trọng xảy ra tại nhiều vùng trên thế giới - hiện tượng khí hậu cực đoan này cũng có nguyên nhân từ biến đổi khí hậu. Bản báo cáo gần đây của Viện Nước Quốc tế ở Stockholm [4] công bố nhân dịp Tuần lễ Nước Thế giới cũng nêu rõ: “Sẽ không có đủ nước trên đất canh tác của chúng ta để sản xuất đủ lương thực cho một dân số 9 tỷ người năm 2050 nếu ta cứ tiếp tục xu hướng dinh dưỡng hiện nay ở các quốc gia phương Tây”. Xu hướng ấy là 3.000 kcal trên đầu người với 20% lấy ra từ các protein động vật.
Nhận thấy sự thiếu hụt lương thực trên thế giới bắt nguồn từ hiện tượng biến đổi khí hậu làm cho Trái Đất ngày càng nóng lên nên biện pháp rõ rệt nhất là giảm thiểu sự phát tán của các khí nhà kính trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Trong công nghiệp, việc tiết kiệm năng lượng hay việc thay thế các nhiên liệu hoá thạch được xem là những hướng đi đáng khích lệ nhất [3]. Tuy nhiên trong những năm gần đây, người ta thấy rằng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo và phát tán khí nhà kính, do đó, ngành chăn nuôi súc vật để giết mổ làm thức ăn cho người đã gián tiếp góp phần vào việc gây khan hiếm lương thực trên thế giới.
Ngành chăn nuôi - thủ phạm phát tán khí nhà kính
Tài liệu Livestock’s Long Shadow của Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO) công bố năm 2006 [5] cho thấy ngành chăn nuôi có tác động quan trọng lên việc sản xuất lương thực dùng cho con người qua việc phát tán nhiều khí nhà kính gây biến đổi khí hậu. Theo tạp chí The Lancet của Anh [6], tất cả các hoạt động của ngành chăn nuôi súc vật để lấy thịt đều phát tán khí nhà kính ra không trung mà quan trọng hơn hết là khâu chuẩn bị đất làm đồng cỏ và để trồng cây làm thức ăn cho súc vật (chiếm 35,4% lượng khí thải), phát tán từ phân động vật (35,5%), từ tiêu hoá trong ruột các loài nhai lại (25%).
Các khí nhà kính do ngành chăn nuôi phát tán gồm điôxit cacbônic (CO2), mêtan (CH4, có khả năng gây biến đổi khí hậu cao gấp 21 lần CO2), ôxit nitrơ (N2O, có khả năng cao gấp 296 lần CO2). Nếu quy ra CO2 thì lượng khí nhà kính phát thải từ ngành chăn nuôi chiếm 80% tổng lượng khí thải có nguồn gốc từ nông nghiệp.
Khi biết rằng nông nghiệp tạo ra khoảng 22% của toàn bộ khí nhà kính có nguồn gốc từ các hoạt động của con người thì ta có thể nói là ngành chăn nuôi tạo ra 18% tổng lượng khí thải nhà kính. Đây là một tỷ lệ rất quan trọng vì đem so sánh với các ngành khác, ta thấy ngành giao thông vận tải bằng đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không gộp lại cũng chỉ đóng góp 14% cho tổng lượng khí nhà kính phát tán ra không trung. Vì vậy, giảm khí thải nhà kính bằng cách giảm số lượng động vật chăn nuôi lấy thịt là một biện pháp rất hữu hiệu để chống lại biến đổi khí hậu nhằm tăng nguồn lương thực trên thế giới.
Người ta cho rằng muốn đạt đến mục tiêu tăng sản lượng lương thực lên 70% vào năm 2050, người dân ở các nước công nghiệp giàu có hiện đang tiêu thụ phần lớn sản vật của ngành chăn nuôi phải chuyển sang một chế độ dinh dưỡng ít protein động vật, nghĩa là phải ăn chay [7]. Ăn chay để giảm số lượng động vật chăn nuôi lấy thịt còn làm tăng các tài nguyên thiên nhiên như đất và nước phục vụ sản xuất lương thực cho con người.
Ngành chăn nuôi trên thế giới hiện nay sử dụng đến 30% đất canh tác để làm đồng cỏ và trồng cây làm thức ăn gia súc như đậu nành, ngô (bắp), đậu, lúa mạch v.v. Trong thời gian qua, 70% rừng Amazon ở Nam Mỹ đã được phá để làm đồng cỏ chăn nuôi gia súc. Theo L. Reijinders và S. Soret [8] thì diện tích đất để sản xuất 1 đơn vị protein động vật cao gấp từ 6 đến 17 lần diện tích để sản xuất một đơn vị protein từ đậu nành. Tương tự như thế, 1kg thịt bò cần 323 m2 đất trong khi 1kg khoai tây chỉ cần 6 m2.
Ở nhiều nơi trên thế giới, tình trạng thiếu nước ngọt cũng tác động tiêu cực lên việc sản xuất lương thực. Để sản xuất 1kg thịt bò người ta cần đến 15.500 lít nước trong khi 1kg khoai tây chỉ cần 500 lít. Ở Botswana, đến 23% tổng lượng nước ngọt được sử dụng cho ngành chăn nuôi, chủ yếu là cho súc vật uống và để lau rửa chuồng trại. Ngành chăn nuôi cũng sử dụng nhiều năng lượng đầu vào để chạy máy nông nghiệp, sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, chế biến thịt…
Hai nhà khoa học Gildon Eshel và Pamela Martin thuộc trường đại học Chicago định nghĩa hiệu suất năng lượng chăn nuôi là tỷ số của năng lượng đầu ra (năng lượng do thực phẩm cung cấp) và năng lượng đầu vào. Họ thấy hiệu suất của việc sản xuất thịt động vật rất thấp như lợn (heo) là 3,7%, bò 6,4% trong khi hiệu suất của các loài thực vật khá cao như khoai tây (123%), đậu nành (415%). Khí nhà kính phát thải cũng tỷ lệ với năng lượng đầu vào [9].
Giải pháp ăn chay
Nói tóm lại, để đạt mục tiêu tăng 70% sản lượng lương thực từ nay đến năm 2050 người ta phải có một chế độ dinh dưỡng không ăn thịt để chống lại biến đổi khí hậu và sử dụng hợp lý các tài nguyên đất và nước ngọt.
Người ta thường so sánh các chế độ dinh dưỡng với các phương tiện giao thông đường bộ trên mặt phát thải khí CO2. Đối với một người theo chế độ ăn chay trong một năm thì khí CO2 phát ra chỉ tương đương với việc chạy xe ô tô trên một quãng đường 629 km trong khi một chế độ dinh dưỡng không kiêng thịt động vật thì quãng đường tương đương lên đến 4758 km, nghĩa là khí nhà kính phát tán ra cao gấp 7,5 lần. Tiến sĩ Rajendra Pachauri, người thay mặt Uỷ ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) nhận giải thưởng Nobel Hoà bình năm 2007 nói rằng sau 10 năm chuyển sang chế độ ăn chay, ông đã giúp giảm được 12 tấn CO2 thoát ra không trung. Để chống lại hiện tượng trái đất ấm dần lên do biến đổi khí hậu, các nhà năng lượng học đã đề nghị đưa công suất năng lượng tiêu thụ tính theo đầu người xuống còn 2 kW vào năm 2040, lúc ấy lượng khí nhà kính phát thải chỉ còn bằng 50% của năm 1997.
Cũng tương tự như thế, tạp chí The Lancet của Anh đưa ra đề nghị giảm lượng thịt tiêu thụ hàng ngày tính theo đầu người từ 100 gr hiện nay xuống còn 90 gr với lượng thịt đỏ từ các loài nhai lại không quá 50 gr/ngày. Lúc ấy lượng khí thải nhà kính phát ra từ ngành chăn nuôi năm 2050 chỉ còn bằng mức của năm 2005. Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Nghiên cứu Môi trường của Hà Lan cũng đề nghị thay thế thịt trong các bữa ăn bằng các loại thực vật. Nếu nồng độ khí thải nhà kính năm 2050 được ổn định ở mức 450 ppm thì từ nay cho đến lúc ấy, chi phí dành cho mục tiêu này mà IPCC đề ra có thể giảm đi 70%-80%.
Nhà khoa học lớn nhất của thế kỷ 20, Albert Einstein, là một người ăn chay trường và ông được xem như là một thiên tài có tầm nhìn rất xa, đi trước thời gian. Khi vấn đề biến đổi khí hậu và khan hiếm lương thực còn chưa đặt ra, Einstein đã có phát biểu sau: “Không có gì lợi cho sức khoẻ con người và tăng khả năng tồn tại của đời sống trên Trái Đất bằng việc tiến dần đến một chế độ ăn chay”.