Thật sự ai cũng bất ngờ khi Microsoft giới thiệu Surface Book hồi hôm thứ 3 vừa rồi. Đây là chiếc laptop đầu tiên trong lịch sử công ty, và mọi chuyện càng trở nên kịch tính hơn khi Surface Book bỗng nhiên biến hình thành một chiếc máy tính bảng trong sự ngạc nhiên của tất cả mọi người. Và khi đọc bài này, bạn sẽ hiểu được cách mà Microsoft đã làm việc để tạo ra sản phẩm, từ lúc Surface Book chỉ là hai mảng bìa cứng ghép lại với nhau, công đoạn thiết kế bản lề, ngàm kết nối cho đến khi máy trở thành một sản phẩm hoàn thiện. Bài hơi dài, nhưng hãy đọc để cảm nhận được nỗ lực, khát vọng của Microsoft, cũng như những chi tiết nhỏ về Surface Book mà công ty không hề nhắc đến trên sân khấu.
Nó là một cái laptop!
Panos Panay, phó giám đốc chịu trách nhiệm mảng Surface của Microsoft, cùng với nhà thiết kế trưởng Ralf Groene, đã ngồi lại để cho chúng ta biết một số thông tin thú vị về sản phẩm mới này. Cả hai đều nói rằng dòng máy tính Surface, đặc biệt là chiếc Surface 3, và Windows 10 là một phần quan trọng trong việc xây dựng lại lòng tin của người dùng với Microsoft. Trong đó, chiếc Surface Book là một thứ cực kì đặc biệt. Nó giống như một vụ nổ lớn khủng khiếp có khả năng thu hút sự chú ý của mọi người ngay lập tức.
Panay nói: "Có người hỏi tôi, tại sao không làm nó là một chiếc tablet. Tôi trả lời: không, không phải. Nó phải là một cái bảng kẹp (clipboard). Nó sẽ được sử dụng theo một cách rất khác". Ngay sau đó, vị phó chủ tịch này đem ra một số nguyên mẫu của Surface, từ giai đoạn ý tưởng cho đến khi làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh.
Panos Panay (phải) và Ralf Groene (trái)
"Người ta sẽ dành 80% thời gian dùng Surface Book như là một chiếc laptop hoàn chỉnh", Panay nói. Đây cũng là lý do vì sao ông liên tục gọi phần màn hình của Surface Book bằng từ clipboard thay cho từ tablet lúc trình diễn trên sân khấu. Ngay cả trong tài liệu cấu hình hay trang web chính thức của Surface Book cũng không hề nhắc đến chữ tablet mà chỉ dùng từ clipboard. Microsoft không muốn quảng bá nó như là một máy tính lai. Surface Book chỉ đơn giản là có thể phục vụ 2 mục đích.
"Phần clipboard này là để viết, để học, để đọc. Bạn muốn làm việc hiệu quả hơn? Hãy gắn nó vào phần đế và làm việc như một cái laptop thực thụ. Sẽ mất ít lâu để người ta làm quen với chuyện đó, nhưng tình huống sử dụng như thế mới thật sự là thứ mà chúng tôi làm ra Surface Book".
Nảy mầm
Ở những ngày đầu tiên của việc thiết kế ra Surface Book, các kĩ sư Microsoft đã sử dụng một vài tấm bìa cứng gắn vào nhau để mô phỏng cho ý tưởng của mình. Khi cầm lên thì những miến bìa này chẳng làm được gì, nhưng chúng lại đại diện cho một ý tưởng rất quan trọng: sự nảy mầm của Surface Book. Panay nhớ lại: "Tôi còn nhớ rõ khi Ralf Groene bước vào và nói 'Hey Panos, hãy làm một quyển sách đi!".
Rồi Panay cầm những miếng bìa này lên tay, và nghĩ đến một quyển sách thật sự. "Chúng ta hãy làm một thứ cho cảm giác giống như một cuốn sách đi. Hãy ........ một tầm cao mới!". Tuy nhiên, ý tưởng Surface Book khi đó lại thiếu đi các điểm nhấn cụ thể.
Rồi đến một hôm, Panay đi đến gần Groene và nói thì thầm: "Hãy cởi bỏ phần trên ra". Thế rồi hai ông đi gặp đội ngũ kĩ sư của mình và nói với họ rằng hai ông muốn "một chiếc laptop tốt nhất từ trước đến nay". Nó phải có màn hình "đẹp nhất cho việc đọc sách" và "tôi muốn phần trên phải gỡ ra được, để mà tạo ra một loại thiết bị mới cho tất cả mọi người. Đây là Surface, đây là những gì mà chúng tôi làm. Mọi người hãy cùng chúng tôi sáng tạo lại một lần nữa cho chiếc laptop này". Panay cười khi nhớ lại sự đổi sắc trên gương mặt của các kĩ sư lúc đó.
Kể từ khi Windows 8 ra mắt, trên thị trường đã có rất nhiều máy lai, còn gọi là máy 2 trong 1 hay convertible. Tuy nhiên, thiết kế của chúng thường không tốt do đặc trưng của dòng máy lai này. Phần bàn phím thì nặng và cồng kềnh hơn nhiều so với phần màn hình, phải như vậy thì máy mới không bị lật khi bạn mở máy ra. Panay và Groene hiểu rõ điều đó, nhưng họ vẫn muốn sản phẩm của mình phải có thiết kế thật tốt, thật đồng nhất. Đó phải là một chiếc laptop với những tố chất rất riêng của Surface.
Thế là nhóm của Groene dành ra 6 tháng trời để thiết kế nên thiết bị này trong phòng thí nghiệm của mình. "Bạn chỉ có một cái bản lề thôi, vậy thì bạn có thể làm được gì? Và chúng tôi nghĩ đến việc mình đang có một vật thể nằm bên trên, mình cần cân bằng nó với một thứ gì đó nằm ở dưới đế. Thứ đó tất nhiên phải nặng hơn thứ nằm trên rồi", Groene nói.
Và rồi ông đem ra một số nguyên mẫu bản lề từng được thử nghiệm. Hầu hết đều rất khác so với bản lề bình thường của một chiếc laptop bởi chúng được thiết kế để cân bằng hai vật thể có trọng lượng khác nhau chỉ ở mức vài chục đến trăm gram (phần đế và màn hình của Surface Book). Trong khi đó, đế và màn hình của những chiếc laptop khác thì có độ chênh lệch lớn hơn.
"Chúng tôi có ý tưởng về một cái bản lề có thể cuộn ra như một tấm thảm, và khi bạn mở laptop thì bản lề đó sẽ tự động to ra nhằm đảm bảo tính cân bằng cho sản phẩm. Nếu trọng tâm của sản phẩm rớt ra bên ngoài kích thước bản lề đó thì máy sẽ bị lật về phía sau ngay. Vậy thì hãy làm cho bản lề dài ra, nó sẽ ổn định hơn", Groene giải thích.
Về phía Panay, ông xem những nỗ lực để tạo ra được sự cân bằng cho Surface Book là một thứ rất đáng trân trọng và nó mở ra cơ hội để tiếp tục phát triển thêm những chi tiết khác cho "đứa con" của mình. Ngoài ra, sự cân bằng đó còn nằm ở phần mềm. Điển hình như việc Surface Book có thể chuyển đổi mượt mà giữa các GPU với nhau, bao gồm một GPU tích hợp trong phần clipboard và GPU rời NVIDIA nằm trong phần đế. Đây là kết quả đạt được khi nhóm phần cứng làm việc cực kì chặt chẽ với nhóm phần mềm thuộc đội ngũ Windows 10. Panay còn nói thêm: "Chúng tôi chưa bao giờ làm chuyện này. Sản phẩm này là cái đầu tiên mà GPU tích hợp và GPU rời nằm ở hai chỗ khác nhau."
Chưa dừng lại ở đó, các kĩ sư Microsoft còn phải cân nhắc nhiều yếu tố khác. "Khi bạn đặt hết những thứ đó vào phần clipboard, khoảng 700g, thì bạn phải làm gì đó với phần đế. Đây chính là mấu chốt. Pin dung lượng bao nhiêu thì vừa đủ, còn pin gắn trong đế thì khoảng bao nhiêu, làm thế nào chúng ta có thể đạt được mốc thời lượng 12 tiếng như tham vọng đã đề ra?". Cuối cùng, Microsoft quyết định sẽ chia pin ra làm 2 phần không đều nhau. Riêng phần trên đủ pin cho 4 tiếng làm việc, phần dưới thì cung cấp thêm 8 tiếng nữa.
Groene mô tả việc tạo ra một sản phẩm như Surface Book không chỉ đơn giản là việc hợp tác giữa các nhóm với nhau. "Kĩ thuật và thiết kế phải như đang nhảy múa cùng nhau. Sản phẩm có thể mang tầm nhìn như thế này vào cuộc sống chính là vũ điệu giữa kĩ thuật, thiết kế và phần mềm".
Trang Wired có hỏi Microsoft ai là người đầu tiên tạo ra nguyên mẫu cho Surface Book. Thế nhưng, Panay nói rằng: "Nói chúng tôi chỉ vào một người duy nhất và nói 'À, anh này đã nghĩ ra đó' thì chuyện đó vừa là một sai lầm, vừa không công bằng. Thứ mà bạn thấy ở đây là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Phần bản lề này là một kiệt tác về thiết kế cơ khí".
Một chiếc máy tốt, và cũng là hai chiếc máy tốt
Surface Book khác biệt so với những máy 2 trong 1 khác theo nhiều cách, và đáng chú ý có lẽ là cách mà phần clipboard được gỡ khỏi phần đến. Không giống như Surface Pro, bạn thể chỉ đơn giản là giật hai phần rời nhau ra. Hai phần của Surface Book được gắn chặt với nhau như là dán keo vậy. Thế nên, để gỡ phần clipboard, bạn cần phải nhấn một phím riêng trên phần đế cho đến khi nào bạn nghe một tiếng click. Và thật ấn tượng khi mà tiếng click này là sự kết hợp của cả phần cứng LẪN PHẦN MỀM.
Groene lấy ra một thứ trông giống như là phần đế của Surface Book. Nó không có màn hình thật, cũng không có bàn phím, nhưng có một khúc bị cắt ra nằm ngay dưới màn hình và cũng là chỗ mà bản lề kết thúc. Ở đây còn có một cục pin 9 volt và một công tắc nhỏ màu trắng. Công dụng của nó là gì thì chúng ta sẽ đề cập sau.
Trong quá trình nghĩ ra giải pháp để giúp việc tháo lắp Surface Book được dễ dàng, Microsoft đã cân nhắc nhiều cách khác nhau, từ đòn bẩy, nam châm cho đến hệ thống thủy lực. Cuối cùng, họ chọn một hợp kim mang tên Nitinol. Đặc điểm của loạt vật liệu này là nó có một "bộ nhớ cơ bắp" và sẽ tự thắt lại khi bạn đưa điện vào.
Quay trở lại với nguyên mẫu đế nói trên, khi nhấn vào công tắc màu trắng, điện sẽ được cấp vào những cái ngàm Nitinol để nó nhả các bảng kim loại của phần clipboard ra. Việc này diễn ra hoàn toàn êm ái, nhưng Microsoft quyết định sẽ dùng phần mềm để phát ra tiếng click nhằm tạo cảm giác an tâm cho người dùng. Đúng, bạn hoàn toàn không đọc nhầm đâu, tiếng click này được phát ra từ loa, không phải từ cơ chế cơ khí!
Panay, Groene và nhân viên của mình biết rằng chiếc Surface Book rất đặc biệt, thế nên họ quan tâm đến từng chi tiết nhỏ cho sản phẩm. Họ muốn phần rìa của cái bản lề trông mượt mà hơn. "Chúng tôi dành ra đến 1 tháng để cân nhắc cách làm nổi bật phần bản lề này? Chúng tôi phải làm gì khi nó gập lại? Chúng tôi đều có cảm giác là cần phải thêm một cái gì đó để làm nổi bật sự tinh xảo của thiết bị." Cuối cùng, cả nhóm thống nhất về việc cắt kim cương những đường viền trong từng khúc bản lề. "Tôi sẽ không kể cho anh nghe về cách mà chúng tôi sản xuất ra nó đâu. Chúng tôi đã phải tổ chức rất nhiều cuộc họp để bàn vụ đó. Nó làm tóc tôi bạc thêm đây này", Groene nhớ lại.
Chúng ta là một gia đình
Surface Book là một chiếc laptop, nhưng nó cũng mang dòng máu của gia đình Surface, mà điển hình nhất là cổng sạc của máy. Panay tiết lộ là kể từ khi họ thiết kế ra cổng kết nối (cũng là cổng sạc) hai chiều cho Surface Pro 3 thì nhóm đã nghĩ về chiếc Surface Book tương lai rồi. "Điều quan trọng là cứ mỗi thế hệ Surface thì chúng tôi phải tiến tới một chút, bởi vì chúng tôi cần việc trao đổi dữ liệu nhanh chóng giữa các thiết bị với nhau".
Nếu như Panay không tiết lộ đích danh người đã nghĩ ra bản lề cho chiếc Surface Book thì ông lại nhanh chóng hé lộ về một anh kĩ sư đóng vai trò quan trọng khi thiết kế ra cổng kết nối này. "Anh ấy đã từng nói với tôi: 'Tôi sẽ tạo ra cổng kết nối này, Panos ạ. Và nếu anh muốn kết nối hai thứ lại với nhau - cả kể việc gắn hai thiết bị - nó cũng sẽ cho phép anh làm điều đó. Và anh cũng có thể sạc hay gắn thêm dock mở rộng tùy ý muốn của anh'".
Nếu không có cổng kết nối này, phần dock của Surface Book sẽ không nhận ra phần clipboard khi dùng ở dạng sketchpad, tức là màn hình sẽ hướng ra ngoài thay vì hướng vào trong bàn phím. Chế độ này chuyên dùng cho việc vẽ, ngoài ra cũng có thể xài để xem phim, nhưng vẽ mới là tác vụ đáng chú ý vì lúc này bạn tận dụng được sức mạnh của GPU NVIDIA.
Hiểu nhầm
Vì là một thành viên trong gia đình Surface nên Surface Book hoàn toàn có thể bị người ta hiểu nhầm thành một chiếc tablet, không phải là một cái máy tính xách tay. Thế nhưng, Microsoft và Panay đã học được từ kinh nghiệm trong quá khứ. Chính vì thế, khi đứng trên sân khấu, Panay giới thiệu như là một chiếc laptop, không hề nhắc gì đến tablet, cũng không nhắc gì đến máy lai hay 2 trong 1. Ông thậm chí còn so sánh nó với MacBook Pro nữa.
Kinh nghiệm đau thương mà Panay mắc phải là khi ông giới thiệu chiếc Surface Pro đời đầu tiên, khi đó máy vẫn còn khá nặng và dày. Lúc đó ông so sánh máy với iPad. "Mấy anh chàng phóng viên, họ kéo tôi lại và nói rằng nè anh ấy ơi, nó nặng hơn và dày hơn nhiều lắm so với iPad. Nhưng bạn biết đây, Surface Pro nhanh hơn rất nhiều... Đó không phải là một sự so sánh hợp lý, và có vẻ như đó là một trận chiến không công bằng".
Và đây là lý do vì sao mà Panay đã rất cẩn trọng trong màn so sánh trong sự kiện vừa diễn ra. Surface Pro 4 thì so với MacBook Air, còn Surface Book thì so với MacBook Pro. Tất nhiên, mọi so sánh đều chỉ có tính tương đối, nhưng ít ra thì những sản phẩm đó nằm cùng phân khúc với nhau".
Panay tiết lộ thêm: "Một trong những thứ mà chúng tôi không muốn làm đó là tạo ra một sản phẩm Gen 1 tàm tạm, sau đó buộc bạn phải bỏ tiền ra mua Gen 2... Đó không phải là chiến lược của chúng tôi với Surface Book. Bạn có thể nghĩ Gen 1 là cái nằm trong phòng thí nghiệm của Microsoft, còn Gen 2 của Surface Book chính là thứ bạn đang cầm trên tay".
Vẫn còn một điểm mà mọi người thắc mắc, đó là màn hình và bàn phím khi gập lại thì không nằm sát vào nhau. Không rõ là thiết kế này có bền bỉ hay không? Panay nói rằng ông đã đem Surface Book đi thử đủ mọi loại bài kiểm tra khác nhau về áp lực. "Ngay cả khi bạn đè một lực mạnh bất thường như thế này (Panay lấy tay đè mạnh lên Surface Book), nó cũng không bị gì cả".
Con đường phía trước
Microsoft đã dành nhiều năm để thiết kế và chuẩn bị kĩ càng trước khi đem Surface Book ra thị trường, và họ chỉ cho người ngoài cầm thử vài tuần trước khi sự kiện giới thiệu diễn ra. "Trời ơi, bạn có biết chúng tôi đã sung sướng như thế nào khi người ta cảm thấy rất thích thú với thứ mà họ đang thấy hay không?".
Panay chia sẻ: "Ý định là chúng tôi sẽ sáng tạo lại một lần nữa, sẽ tạo ra cảm hứng cho dòng thiết bị như Surface Book. Chúng tôi ở đây để làm chuyện đó. Một trong những mục tiêu của chúng tôi đó là thắp sáng Windows 10. Và nếu chúng tôi có thể tạo cảm hứng cho những sản phẩm tương tự thì chúng tôi cũng vui vì điều đó." Đột nhiên Panay khựng lại một chút. "Tôi không biết có phải là vui hay không. Đứng ở góc độ là một người làm sản phẩm thì hẳn là không rồi. Tôi sẽ nói là chúng tôi kỳ vọng điều đó. Tôi không thể nói là tôi vui được." Suy cho cùng, Surface Book cũng là đứa con cưng của Panay cơ mà, và chẳn hẳn rằng ông rất yêu nó.
Surface Book là một thứ tuyệt nhất mà Windows 10 có thể mang lại trong thời điểm này. Nó đại diện cho một tương lai mà Microsoft đã vẽ với với Windows 10, và nó đủ tốt để Apple phải nhìn sang và để mắt đến. Liệu đây có phải là một đối thủ mới cho MacBook Pro? Có và không. Thiết kế, hiệu năng và sự tiện dụng giờ có thể sánh với MacBook Pro, nhưng người ta không đổi nền tảng sử dụng chỉ vì thiết kế sản phẩm. Họ thường đổi bởi vì, đôi lúc họ cần máy để làm việc hay để đi học. Việc chuyển đổi hệ sinh thái là một việc không dễ dàng.
Surface Book: story from pieces of cardboard into a special equipment
Posted on at