Tư duy của kẻ sợ bay

Posted on at




Hôm nay nói chuyện với anh bạn tôi một chút về vấn đề giáo dục. Anh bạn tôi có gửi cho một đường link confession của một trường đại học nọ. 
Tôi đọc rồi thở dài. Chuyện tiêu cực trong trường đại học vốn chẳng có gì mới. Nhưng điều mà tôi quan tâm chính là cái cách mà các bạn trẻ là sinh viên (có lẽ phần lớn của trường đó) bình luận và thể hiện quan điểm về vấn đề này. 
Sự thực thì chúng ta không thể chỉ trách các bạn sinh viên ấy được. Người ta ở trong môi trường nào thì có thể bị ảnh hưởng theo môi trường đó. Nhưng vấn đề ở chỗ điều gì đã làm cho các bạn sinh viên có suy nghĩ và cách phản ứng lại vấn đề như vậy?
Trước một sự việc tiêu cực, có một người có ý định sẽ (chỉ là có ý định sẽ) đứng lên đấu tranh vạch trần cái xấu, vậy mà tinh thần chung của đa phần các bạn khác, những người cũng là nạn nhân khác, cùng là đồng niên phản ứng ra sao? Các bạn ấy phản đối, các bạn ấy chỉ trích người muốn có một hành động phải đạo, chỉ trích người đã đăng cái confession ấy và những người dám nói về một chuyện xấu.
Từ khi nào những người trẻ, những người đáng ra phải có trách nhiệm nhất và nên dũng cảm nhất trong việc đấu tranh chống lại cái xấu đã có tư duy mặc định chấp nhận thế này? Từ khi nào những nạn nhân đã trở thành đồng minh (một cách vô ý) đứng về phía bảo vệ những tên "tội phạm" làm hại mình thế này? 
Hình như có vấn đề gì đó trong tư duy và cách các bạn ấy được giáo dục vì tôi cảm nhận tất cả đang mất đi một khía cạnh của tính thiện trong lòng nhân bản của con người (nhất là của tuổi trẻ sôi nổi) đó là - đấu tranh với cái xấu. Sự mặc định chấp nhận tiêu cực đã thành nếp nghĩ trong tư duy rất vô tình không được nhận ra. 
Điều gì sẽ xảy ra với tương lai của đất nước khi từ Trung ương đến địa phương, từ các bộ ban ngành đến các lĩnh vực đang oằn lưng chống tiêu cực, còn các bạn trẻ đã không muốn chống lại nó? các bạn trẻ ấy cũng không còn chút sức mạnh trong ngay cả cách thể hiện đơn giản nhất là ngôn từ để cùng đấu tranh chống lại nó? Đây mới chỉ là các bạn sinh viên mà đã vậy, những người còn vô tư hồn nhiên nhất, những người còn chưa bị nhiễm quá nhiều những sự tị hiềm, thói xấu, thủ đoạn và gian manh từ đời sống hay những kẻ tồi tệ như bóng tối đang ngày một bành trướng để nuốt chửng những ngọn đèn ngoài kia; thử hỏi những thế hệ như vậy sau này hòa vào lòng xã hội, trước những cám dỗ và cái xấu đầy rẫy, trước cơm áo gạo tiền và danh vọng, trước những bon chen hằn học thì họ sẽ ra sao? Chúng ta còn hy vọng gì?
Xin nền giáo dục, giá trị nhân bản và xã hội hãy trả lại những chủ nhân tương lai của đất nước thực sự cho chúng ta. Đó phải là những con người có trách nhiệm ngay cả trong phát ngôn, biết tôn trọng quan điểm của người khác khi họ đấu tranh với cái xấu và có ý thức đối với cộng đồng, chứ không phải những chú chim Đại Bàng mặc định chấp nhận mình là gà ngay từ trong trứng nước. 
Rồi sẽ chỉ sống cùng đàn gà nhìn lên đôi cánh rộng khác trên bầu trời mà ước ao bay!



About the author

160