“Đột phá cách mạng” về quyền tự do kinh doanh

Posted on at


Tại phiên họp Quốc hội về dự thảo luật Đầu tư (sửa đổi), ý kiến được đưa ra vô cùng mới mẻ, đó là chuyển đổi từ “chọn – cho”, sang “chọn – bỏ”. Tức là luật chỉ quy định những ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh bị cấm hay có điều kiện. Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng :

Quá đột phá, quá cách mạng đi chứ. Từ trước đến nay, luật quy định theo kiểu nửa vời, không đầy đủ. Người dân đi làm giấy đăng ký kinh doanh, gặp phải ngành nghề không có quy định “cho”, thế thì phải xin. Đây là cớ, là cơ hội để ông cán bộ khó dễ. Đây là kẻ hở để tạo cho ông cán bộ thêm cái quyền cho hay không cho. Hành dân, làm khó dễ dân, nhũng nhiễu dân và tiêu cực chính là chỗ này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, luật không thể ghi hết những thứ cần phải cho vì xã hội quá nhiều ngành nghề, thậm chí có nhiều ngành nghề phát sinh mới. Nên mỗi lần chiểu nghị định, thông tư về danh mục ngành nghề cho phép kinh doanh, đầu tư không có, doanh nghiệp, người dân lại phải đi xin cơ quan quản lý nhà nước.

Rõ ràng, việc đi xin được kinh doanh và chờ đợi được “ban ơn” không chỉ là môi trường nảy sinh tiêu cực mà còn hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân.

Về nguyên tắc, dân có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm. Cho nên việc chuyển đổi từ việc ghi danh mục ngành nghề cho phép kinh doanh sang quy định những gì cấm kinh doanh hoặc phải có điều kiện là khoa học nhất. Người dân có quyền kinh doanh những ngành nghề không cấm, không cần phải xin xỏ ai. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thì luật sửa đổi sẽ chấm dứt cảnh doanh nghiệp, người dân phải xin đầu tư, sẽ không còn cảnh “thích thì cho, không thích thì không cho”.


Quy định này đặt ra thách thức đối với người soạn luật, đó là phải quy định thật cụ thể, rõ ràng những ngành nghề cấm hoặc kinh doanh có điều kiện. Nếu không cấm thì dân có quyền kinh doanh. Rất đau đầu, nhưng phải làm vì nó rất minh bạch, khoa học và mang lại lợi ích cho người dân.

Thật đáng vui vì sự đột phá này, nói theo cách của đại biểu Trần Du Lịch, người dân từ nay sẽ không phải vác đơn đi xin “cái quyền” của mình, các ông cán bộ không còn cơ hội cho cái không thuộc về các ông. Trả lại quyền tự do kinh doanh cho người dân bằng chính quy định của pháp luật mới thay đổi được về bản chất.

Nhưng chỉ thay đổi vài điều thì chưa đủ để trả lại quyền tự do kinh doanh cho người dân một cách tuyệt đối. Rất mong các vị đại biểu Quốc hội nghĩ thêm nhiều sáng kiến, đưa ra được nhiều cải cách “đột phá cách mạnh” hơn nữa.

Và quan trọng hơn, thay đổi con người. Khi nào còn những cán bộ, công chức năng lực yếu, phẩm chất kém, thì người dân, doanh nghiệp còn khổ.


 


TAGS:


About the author

160