Sau hơn 20 năm đưa con sò huyết về sông nước duyên hải Cần Giờ (TP.HCM), lão nông Năm Trầm (Ngô Văn Trầm, ấp Thái Bửu, xã Lý Nhơn) có thu nhập hàng tỷ đồng từ 40 ha sò huyết.
Hôm chúng tôi đến nhà để tìm hiểu về mô hình nuôi sò, ông Năm Trầm đang lúi húi đánh chiếc xế hộp giá gần tỉ đồng để… đi nhậu. Ông cười bảo: “May mà mấy chú đến sớm chứ trễ vài phút nữa là tui đi nhậu mất rồi!”.
Nuôi 10 chết 7… vẫn lời
Nhìn Năm Trầm ít ai nhận ra ông là một nông dân “chính cống”: Quần áo lúc nào cũng bảnh bao, dáng người phốp pháp và đặc biệt thích ngồi… xe con. Mỗi khi ra bãi sò hay ra ao tôm ông đều đánh xe ô tô đến tận nơi.
Ông kể quê ở tỉnh Minh Hải (sau này chia tách thành Cà Mau và Bạc Liêu) di cư lên vùng đất Cần Giờ từ những năm thập niên 60 thế kỷ trước. Theo đó, những năm sau giải phóng, các bãi biển vùng Miệt Thứ (An Biên, An Minh, Kiên Giang) sò huyết giống nằm dày trên bãi biển. Nông dân chẳng ai quan tâm vì chẳng biết làm gì với của trời cho này. Sò huyết giống cứ thế nằm phơi nắng mà chết ô nhiễm cả một vùng quê.
Năm 1992, nghe lời bạn bè, lần đầu tiên ông mang những con sò giống từ vùng Miệt Thứ (Kiên Giang) lên vùng đất Cần Giờ để nuôi thử. Lần đầu tiên nuôi thử ở đất Cần Giờ khiến ông “lên bờ xuống ruộng” với con sò huyết. “Nghĩ lại ngày đó tui cũng liều, bao nhiêu vốn liếng đều đổ dồn vào mua con giống ở Kiên Giang rồi vận chuyển lên đây. Đường xá xa xôi, hơn nữa con giống lại đóng trong bao, kín mít nên lên tới nơi đã chết rất nhiều, nuôi 10 mà… chết đến 9”, ông Năm Trầm thổ lộ.
Trời không phụ lòng người, qua vài ba vụ xém tán gia, bại sản, và nhất là khi con sò Miệt Thứ quen dần bãi bồi, nguồn nước Cần Giờ, Năm Trầm bỗng thắng lớn. “Năm đó sau vụ sò huyết trừ chi phí tui cũng bỏ túi gần tỷ đồng”, ông Năm Trầm kể.