Theo bao phap luat, iên quan đến vụ án, Thanh tra kho bạc Nhà nước chi nhánh Hải Dương, Vũ Trung Hiếu (41 tuổi) đánh vợ là Vũ Thị Minh (41 tuổi), nhân viên ngân hàng BIDV đến tử vong, dư luận quan tâm, vì sao một người chồng hết mực thương yêu vợ con lại có thể ra tay đánh vợ tới chết? Hành vi đánh vợ dã man đến mất cả tính mạng của đối tượng Hiếu sẽ bị xử lý thế nào?
Phân tích hành vi của đối tượng Vũ Trung Hiếu, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nhìn nhận, hành vi của Hiếu thể hiện tính chất côn đồ, chỉ vì nguyên nhân nhỏ nhặt, sự ghen tuông mù quáng mà dùng vũ lực với vợ mình. Hiếu ra đòn một cách tới tấp, thậm tệ, tàn nhẫn với chị Minh. Đó là hành động xâm phạm nghiêm trọng đến thân thể, sức khỏe của chị Minh.
Đối tượng Vũ Trung Hiếu.
“Hiếu là một công chức nhà nước đương nhiên có đầy đủ nhận thức để hiểu được việc làm của mình là hành vi xâm phạm tới sức khỏe của vợ, có thể để lại thương tích cho vợ nhưng anh ta vẫn ra tay, thể hiện sự cố ý đối với hậu quả xảy ra. Hậu quả là chị Minh đã tử vong. Hiếu khai rằng do có men rượu nên mới đối xử với vợ mình như vậy. Bộ luật Hình sự của nước CHXHCN Việt Nam không coi say rượu là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
Cụ thể, điều 14, Bộ luật Hình sự quy định: Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”, Luật sư Thái cho biết.
Luật sư Thái nhìn nhận, khi chị Minh bị đánh nằm bất tỉnh, Hiếu cũng có chút lo lắng và hoảng sợ đã tìm cách sơ cứu cho vợ và đưa vợ đi bệnh viện cấp cứu. Điều đó thể hiện Hiếu không mong muốn và không để mặc cho cái chết của vợ mình xảy ra. Chính ý thức chủ quan của Hiếu đã thể hiện tình tiết loại trừ Hiếu khỏi cấu thành tội phạm của tội giết người.
“Thi thể của chị Minh sẽ được khám nghiệm để xác định nguyên nhân chết. Chị Minh chết do trực tiếp chịu hành vi bạo lực của Hiếu hay gián tiếp từ hành vi đó. Dù kết quả có thế nào, Hiếu cũng không tránh khỏi trách nhiệm hình sự đối với tội Cố ý gây thương tích với tình tiết định khung tăng nặng là gây hậu quả chết người quy định tại khoản 3 điều 104 Bộ luật Hình sự và đối diện với mức án: bị phạt tù từ 5 đến 15 năm.
Khoản 3 điều 104 Bộ luật Hình sự quy định: Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm”, Luật sư Thái đánh giá.
“Người chết, người bị phạt tù, đây hẳn là một bi kịch đau đớn và cũng là bài học kinh nghiệm cho nhiều người phải biết tự kiềm chế bản thân để không để xảy ra những hậu quả đau thương”, Luật sư Thái cho hay.