Theo ước tính, khoảng 10% dân số Việt Nam hiện nay (tương đương khoảng 8 triệu người) sẽ chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó gần 4 triệu người sẽ chết ở độ tuổi trung niên.
Theo ước tính trong nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu, thuốc lá là nguyên nhân của 8,8% trường hợp chết (4,9 triệu trường hợp) và gây ra 4,1% (59,1 triệu năm sống mất đi do bệnh tật ) của tổng số năm sống mất đi do mắc tất cả các loại bệnh (DALYs).
Năm 2000 có thêm ít nhất một triệu trường hợp chết do thuốc lá so với năm 1990. Sự gia tăng này đặc biệt nhanh ở nước đang phát triển. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy tỷ lệ hút thuốc ở những nước có thu nhập cao có xu hướng giảm, tỷ lệ hút thuốc tăng lên đáng kể ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ và phụ nữ.
Tính trên toàn thế giới, thuốc lá là nguyên nhân gây ra 12% các trường hợp bệnh tim mạch, 66% trường hợp ung thư khí phế quản và phổi và 38% trường hợp bệnh hô hấp mãn tính. Khoảng 16% gánh nặng bệnh tật của khu vực châu Á Thái Bình Dương, 20% gánh nặng bệnh tật của khu vực Tây Nam châu Á và 14% gánh nặng bệnh tật của khu vực châu Âu là do thuốc lá gây ra.
Theo ước tính của các nhà nghiên cứu có uy tín trên thế giới, số trường hợp chết do thuốc lá sẽ tăng lên từ mức 3 triệu trường hợp chết vào năm 1990 lên 8,4 triệu trường hợp chết vào năm 2020.
Ở những nước phát triển, nơi có tỷ lệ hút thuốc cao trong nhiều thập niên qua, hút thuốc lá là nguyên nhân của trên 90% trường hợp ung thư phổi ở nam và 70% ung thư phổi ở nữ. Thêm nữa, ở những nước này thuốc lá là nguyên nhân của 56–80% bệnh hô hấp mãn tính, và 22% của bệnh tim mạch.
Theo kết quả nghiên cứu của Peto R và cộng sự đăng trên tạp chí Lancet năm 1992 cho thấy ở các nước phát triển các trường hợp chết do thuốc lá chiếm 23,8% tổng số trường hợp chết ở nam và chiếm 5,8% tổng số trường hợp chết ở nữ. Tỷ lệ chết do thuốc lá cao nhất ở nhóm nam giới trong độ tuổi 35 đến 69 tuổi.
Trong số những bệnh nhân chết vì ung thư phổi, 92,1% nam và 62,5% nữ đã bị ung thư phổi do sử dụng thuốc lá.
Ở Hoa Kỳ có tới 92% các trường hợp chết do ung thư phổi ở nam và 61% ở nữ là do hút thuốc lá. Hút thuốc lá gây ra 78% (nam) và 75% (nữ) trường hợp chết do ung thư thực quản.
Ở Trung Quốc, năm 1998 thuốc lá là nguyên nhân của 12% số trường hợp chết nói chung, là nguyên nhân chết của 22% số trường hợp chết của các vấn đề hô hấp, 16% số trường hợp chết do ung thư phổi và là nguyên nhân chết của 9% trường hợp chết do tim mạch.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu năm 1997 của Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới là 50% và trong nữ giới là 3,4%. Kết quả của Điều tra y tế quốc gia năm 2001-2002 cho thấy tỷ lệ này là 56,1% ở nam và 1,8% ở nữ. Tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi( trong điều tra toàn quốc về hút thuốc lá ở người lớn năm 2010 là 47,4% nam và nữ là 1,4%.
Báo cáo nghiên cứu của viện K Trung ương chỉ rõ, hàng năm Việt Nam có thêm khoảng 101.000 trường hợp ung thư mới mắc. Trong số đó ung thư phổi chiếm tỷ lệ cao nhất ở nam (chiếm 39,8% trường hợp ung thư mới mắc ở Hà Nội và chiếm 29,5% ở Thành phố Hồ Chí Minh). Ung thư phổi ở nữ giới có tỷ trọng thấp hơn, chiếm 10% số ung thư ở Hà Nội và 12% số ung thư ở thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Việt Nam, trong số 4 nguyên nhân gây tử vong cao, thuốc lá đứng hàng thứ hai sau HIV và tiếp theo là rượu và tai nạn giao thông. Ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người chết vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá, gấp gần 4 lần số ca chết vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm. Theo ước tính, khoảng 10% dân số hiện nay (tương đương khoảng 8 triệu người) sẽ chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó gần 4 triệu người sẽ chết ở độ tuổi trung niên.