Trong hoàn cảnh giảng dạy khó khăn, điều kiện sống thiếu thốn, niềm đam mê và tình yêu dành cho con chữ đẹp của thầy Thiệu khiến không ít học trò khâm phục.
Tại trường Tiểu học Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, hỏi thăm về thầy Thiệu dạy mỹ thuật, học trò nào cũng biết, bởi anh vừa là giáo viên trẻ nhất trường lại có tài viết chữ đẹp như in. Thầy Thiệu tên thật là Lê Văn Thiệu, sinh năm 1990. Thiệu gắn bó với nghiệp gõ đầu trẻ đã 4 năm nay, anh vừa là giáo viên mỹ thuật vừa luyện viết chữ đẹp cho học sinh trong trường.
|
Lê Văn Thiệu - thầy giáo 9X bên nét chữ đẹp như in của mình.
|
Học trò nghèo ham con chữ
Tốt nghiệp THPT, Lê Văn Thiệu trúng tuyển vào chuyên ngành Mỹ thuật, cao đẳng Sư phạm Long An. Sau đó, anh học tiếp hệ liên thông của đại học Sư phạm Hà Nội.
Tốt nghiệp với số điểm cao thứ 3 trong lớp, thay vì nộp hồ sơ vào các trường điểm trong thành phố, Thiệu lại chọn về ngôi trường nằm ở miền quê biên giới xa xôi, nghèo khó huyện Mộc Hóa, với nỗ lực gieo con chữ và tinh thần ham học cho các em nhỏ vùng sâu nơi đây. Anh cũng là giáo viên có tuổi đời trẻ nhất ở ngôi trường này.
Thầy giáo 9X cho biết đam mê viết chữ đẹp đã theo anh từ khi còn là một cậu bé, 3 năm gần đây nét chữ ngày càng hoàn thiện hơn. Trong quá trình dạy vẽ cho các em, Thiệu rất hay mượn tập của học sinh xem và góp ý cho học trò của mình những kỹ năng viết để có nét chữ đẹp cũng như giúp các em khắc phục những lỗi sai trong viết lách. "Rèn nét chữ là rèn tính cách, kỷ luật cho học sinh" - anh nói.
|
Nhiều học sinh xin chữ thầy để về treo ở nhà làm mẫu.
|
Dù điều kiện vật chất thiếu thốn nhưng vẫn không làm nghèo đi tinh thần ham học của các cô cậu học trò nhỏ nơi đây, nhất là tình yêu với con chữ đẹp. Thiệu nhớ lại:
"Phòng học ở đây không đủ, trường phải mượn ủy ban xã, cụm dân cư cách hàng chục km. Các em phải đi đò qua con sông lớn mới đến được trường. Những mùa nước lũ về, gần chục em học sinh chen nhau trên một chiếc xuồng nhỏ, tay giơ chiếc cặp sách lên cao vì sợ ướt mà mình rơi nước mắt. Cơm với muối vừng, đôi khi có thêm vài miếng thịt chuột là những món quen thuộc trong bữa cơm trưa của những đứa trẻ nơi đây.
Khó khăn là thế nhưng mỗi khi vào tiết học, các em dường như quên đi mọi nỗi lo âu, say mê với những bài học mới. Đến tiết dạy của mình, học sinh cứ năn nỉ thầy viết chữ cho chúng em xem, có khi chúng xóa hết thứ ngày tháng trên bảng để mỗi tiết học để mình đồ lại nét mới. Nhiều em mê chữ quá cứ lẽo đẽo theo thầy xin chữ về dán lên tường để ngắm, cũng rất ngại nhưng để khuyến khích các em, mình đồng ý" - thầy giáo 9X chia sẻ.
|
9X có đam mê viết chữ đẹp từ khi còn nhỏ và không ngừng phát huy năng khiếu ấy.
|
Những buổi trưa ở cụm trường phụ, sau khi tan tiết dạy, thầy giáo trẻ phải nhịn đói vì không có quán cơm nào để ghé chân. Đợi học trò ăn cơm xong, Thiệu lại đến chia sẻ cho chúng một vài kỹ năng viết chữ đẹp, khi thì sửa hộ vài cây bút bị tắc mực, cứ thế tình thầy trò cứ lớn dần lên theo năm tháng. Đến giờ, đã 4 mùa 20/11 Thiệu gắn bó với học sinh huyện miền xa này.
Với tình yêu dành cho những con chữ đẹp và động lực lớn từ phía học trò, 3 năm liền thầy giáo 9X đi thi viết chữ đẹp. Mới đây, vượt qua nhiều nữ giáo viên, Thiệu trở thành nam giáo viên duy nhất đạt giải nhất viết chữ đẹp cấp huyện và giải khuyến khích cấp tỉnh. Đây là nguồn động lực lớn với anh sau những năm tháng miệt mài rèn luyện.
|
Nét chữ của học sinh thầy Thiệu.
|
Quà 20/11 là trái cây rừng và hoa dại
Đã 4 dịp lễ nhà giáo trôi qua, Thiệu gắn bó với mái trường Tiểu học Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa. Với cuộc sống thiếu thốn trăm bề như nơi đây, đến cái ăn, cái mặc còn khó, chuyện quà cáp cho thầy cô vào ngày 20/11 dường như lại càng không thể tính đến.
"Chưa có năm nào mình nhận được quà, có chăng chỉ là trái cây rừng và hoa dại học sinh nào có lòng thì mang vào phòng thầy, treo trên tường. Có em còn làm thơ, sau đó nắn nót viết ra trang giấy trắng làm quà. Quà nhỏ nhưng tình cảm lại lớn, chỉ cần nhiêu đó thôi mình cũng cảm thấy những tháng ngày khó khăn trước mắt như ngắn lại bao nhiêu, càng thương lũ trò nhỏ hơn" - thầy giáo 9X nói.
|
Ngoài khả năng viết chữ đẹp như in, Thiệu còn là một giáo viên mỹ thuật.
|
Như những giáo viên ở xa, Thiệu được cấp một suất ở tại nhà tập thể cạnh trường nhưng vì có một điểm phụ khác nên đôi khi anh cũng phải vượt qua con đường lầy lội dài hàng chục km để đi dạy. Mỗi cuối tuần, anh lại bắt xe 3 tiếng đồng hồ, đi hơn 100 cây số về thăm gia đình.
"Chị gái đã có gia đình không thể ở gần và chăm nom bố mẹ nên dù có bận việc cỡ mấy, thời tiết xấu thế nào, mình vẫn phải tranh thủ chạy về để an tâm hơn" - thầy giáo 9X chia sẻ.
Anh cũng mong muốn tìm được một công việc gần nhà để tiện việc chăm sóc gia đình nhưng hoàn cảnh và điều kiện chưa cho phép. "Có lẽ mình vẫn chưa hết duyên với các trò nhỏ ham học nơi đây" - Thiệu nói.