Khi được hỏi ở trên đời cái gì là nặng nhất? Bố trả lời: “Đó là tình yêu”. Khi được hỏi ở trên đời cái gì là nhẹ nhất? Mẹ bảo rằng: “Thứ nhẹ nhất trên đời cũng chính là tình yêu”. Phải chăng vì thế mà cả bố và mẹ đều tìm cách giữ cho mình cái thứ vô cùng quý giá mà vừa nặng nhất lại vừa nhẹ nhất ấy.
Với người này yêu là được nhận, với người khác thì yêu là được cho. Tình yêu chính là kết quả của cho và nhận. Người biết yêu là người biết cho biết nhận. Cũng vì thế mà tình yêu cũng có rất nhiều màu sắc. Có lúc tình yêu như những ánh hào quang sáng rọi đến với nhiều người ngày hôm nay nhưng lại là địa ngục của chính họ trong những ngày sau.
Thỉnh thoảng có dịp trở lại thăm gốc phượng già nơi góc khuất của sân trường xưa, ta vẫn thấy những bài thơ được khắc lên thân cây từ ngày nảo ngày nào vẫn còn hằn sâu ở đó. Đó chính là vết tích đã hoá thạch của những tình yêu đơn phương của thời đèn sách. Những vết tích ấy chẳng thể phai mờ bởi thời gian, chẳng thể bị ăn mòn bởi mưa bởi nắng mà nó vẫn còn vẹn nguyên như lúc khờ khạo ban đầu khi mà “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu”. Nhiều những tình yêu chỉ vì những giận hờn vô cớ đã dẫn đến “lạc mất lối làm sao tìm nhau giữa bầu trời trắng xoá…” Để rồi ở giữa hai tấm lưng mỏng là những tiếc nuối dài và cả một miền quên nhớ mênh mông nhiều hoang hoải.
Có những ngày 8/3 khi mẹ tất tả đi làm về đã thấy bố đang nấu một nồi cá kho chín nục. Khi gắp lên ai cũng nhăn mặt lại vì vị đắng của những miếng cá bị cháy đen nhưng mẹ lại cười rất tươi và nói với cả nhà: “Cá hôm nay bố kho thơm và ngon lắm các con à”. Bố được thể hùa theo: “Đấy, các con xem. Nụ cười của mẹ hôm nay rạng rỡ chưa kìa”. Đó chính là tình yêu đến từ hai phía đang ở thời kỳ chín đẹp nhất.