Giãn phế quản là gì?
Bệnh giãn phế quản là bệnh giãn không hồi phục các phế quản trung bình (các phế quản trung bình là các phế quản từ thế hệ thứ 3-phế quản phân thuỳ-đến thế hệ thứ 8).Tổn thương chính là hình ảnh bị huỷ hoại cấu trúc các sợi cơ,sợi chun và sụn phế quản, do đó làm yếu thành phế quản và phế quản bị giãn ra theo kiểu hình trụ hoặc hình túi.
Từ khái niệm trên,các trường hợp sau không được coi là bệnh giãn phế quản:
+ Các giãn phế quản tạm thời, có hồi phục: gặp trong các trường hợp viêm phổi cấp tính do vi khuẩn hay vi rút,gây ho nhiều làm tăng áp lực trong lòng phế quản dẫn tới giãn phế quản.Khi hết đợt ho thì phế quản lại hồi phục,không bị giãn nữa.
+ Các giãn phế quản ở các tiểu phế quản tận (không có đủ các thành phần sợi cơ,chun và sụn): gặp trong các bệnh phổi nghề nghiệp,xơ phổi khoảng kẽ...
Nguyên nhân và bệnh sinh
Giãn phế quản mắc phải
Loại này chiếm tới 90% số bệnh nhân giãn phế quản. Có thể gặp khi:
+ Viêm đường hô hấp kéo dài: thường là hậu quả của các bệnh như viêm xoang,viêm tai,viêm mũi,viêm vùng răng miệng,nhiễm khuẩn đường hô hấp,nhiễm vi rút đường hô hấp,một số bệnh nghề nghiệp...Các bệnh này gây nhiễm khuẩn phế quản kéo dài và tái diễn,dẫn đến tổn thương các sợi cơ,sợi chun và sụn phế quản. Đồng thời, các chất xuất tiết ùn tắc lại trong phế quản và phản xạ ho gây tăng áp lực trong lòng phế quản kéo dài sẽ dẫn tới giãn phế quản.
+ Lao phổi: trong lao phổi,hiện tượng xơ sẹo phát triển sẽ gây biến dạng và chít hẹp phế quản, tại đó tình trạng viêm nhiễm và ứ đọng các chất xuất tiết sẽ dẫn tới tổn thương các cấu trúc thành phế quản,kết hợp với phản xạ ho gây tăng áp kéo dài sẽ làm phế quản bị giãn ra.Tuỳ từng thể lao mà khả năng gây giãn phế quản khác nhau: lao xơ hang gây giãn phế quản nhiều hơn 4 lần lao hạt và nhiều hơn 11 lần lao thâm nhiễm.
+ Các bệnh viêm nhiễm vi rút ở phổi và phế quản: các bệnh này gây bội nhiễm,ho và tăng áp trong lòng phế quản kéo dài.Lúc đầu,giãn phế quản chỉ là tạm thời,nhưng do điều trị không tốt thì tổn thương sẽ trở thành không hồi phục và dẫn tới bệnh giãn phế quản.
+ Các tổn thương gây hẹp phế quản: khi các phế quản bị hẹp sẽ gây ùn tắc trong phế quản,gây viêm nhiễm, xuất tiết kéo dài và tổn thương các cấu trúc thành phế quản,đồng thời sự chít hẹp này cũng gây tăng áp trong lòng phế quản và dẫn tới giãn phế quản tăng dần. Các bệnh lý hay gây nên tình trạng này là: các Polip phế quản, dị vật phế quản, các bệnh lý hạch ở rốn phổi như lao hạch, Hodgkin, Lymphosacom...
+ Giãn phế quản do hoá chất: thường gặp ở những người làm việc lâu ngày với các hoá chất bay hơi. Các hoá chất này bị hít vào đường hô hấp, gây kích thích, tăng tiết và tổn thương cấu trúc thành phế quản,đồng thời gây phản xạ ho và tăng áp trong lòng phế quản kéo dài dẫn tới giãn phế quản.
Giãn phế quản bẩm sinh
Giãn phế quản bẩm sinh chỉ chiếm khoảng 10% số bệnh nhân giãn phế quản. Đa số đều thấy ở bệnh nhân trẻ và có kết hợp với bệnh phổi đa nang. Giãn phế quản bẩm sinh thường là loại giãn phế quản hình túi và thường có những tổn thương bẩm sinh khác kèm theo.
Giải phẫu bệnh lý
Tổn thương cơ bản là sự phá huỷ các lớp cơ,sợi chun và sụn,nghĩa là phá huỷ các cấu trúc thành phế quản và thay vào đó bằng tổ chức xơ.
Các phế quản không bị giãn ở lân cận thường bị viêm nhiễm mãn tính,niêm mạc bị các nang Lympho xâm nhiễm,các tuyến phế quản ở đây bị phì đại,các biểu mô phế quản bị thay thế bằng tổ chức hạt.
Quanh các phế quản bị giãn có những đốm xẹp phổi do một số phế quản ngoại vi bị tắc nghẽn,thành của một số phế nang bị dày lên hoặc teo lại.Ơ một số chỗ,nhu mô phổi bị đông đặc và thịt hoá.
Bên ngoài các phế quản bị giãn,các động mạch phế quản phát triển mạnh về số lượng.Lòng của động mạch phế quản cũng rộng ra,có nhiều chỗ phình giãn.Đặc biệt,xuất hiện nhiều cầu nối thông (Shunt) giữa hệ động mạch phế quản (của vòng đại tuần hoàn) và hệ động mạch phổi (của vòng tiểu tuần hoàn) gây tăng áp trong động mạch phổi,đây chính là một nguyên nhân gây ho ra máu trong bệnh giãn phế quản.
Thường gặp giãn phế quản ở thuỳ dưới và ở phôỉ trái nhiều hơn phổi phải.
|