Hai vợ chồng cô đã vượt qua mọi khó khăn để có một hạnh phúc trọn vẹn.
Tiếng nhạc sập sình của quán cà phê làm cô khó chịu, nhưng vẫn cố vì cuộc sống kiếm miếng cơm khi xa gia đình, hoàn cảnh nghèo khó của một cô sinh viên mới lên thành phố. Đêm nào cũng vậy, cô về đến kí túc xá là 11h, có hôm khách đông cô về trễ nên phải leo rào vào. Hôm nay, quán đông khách cô phải chạy từ bàn này tới bàn kia để đưa nước cho khách. Quán cà phê luôn có nhiều loại người xuất thân khác nhau: dân giang hồ, công chức, thường dân…. Có người tốt kẻ xấu xen lẫn biết đâu mà nhìn. Có nhiều lần bị khách cố tình đụng chạm, cô nhanh nhẹn tránh những sự cố mà người ta - những kẻ lấy công việc người khác để kiếm tiền mà lợi dụng, phỉ báng, coi thường…
Anh có trách nhiệm với vợ đẹp, con xinh và sự nghiệp thành đạt (Ảnh minh họa)
Cô trông khá xinh, ăn nói có duyên nên cũng có nhiều khách quen để ý, lân la làm quen, xin điện thoại nhưng đều bị cô khước từ. Ngày 8/3/2011, cái ngày mà cô bị người ta đem ra lăng nhục, cô đau đớn vì nhân phẩm của mình bị chà đạp, người đàn ông gây ra là một khách quen của chủ quán. Ông ta đem lòng si mê cô, là người có vợ nhưng vẫn có thói trăng hoa, ông đến quán uống cà phê mang tặng cô sợi dây chuyền vàng: “Em đẹp mà phải đi làm ở quán cà phê như gì tiếc quá. Anh muốn em là người phụ nữ của anh, em muốn gì anh chiều hết, anh có tiền mà. Làm vợ bé anh đi người đẹp”. Trời ạ, đau đớn nào bằng người ta đem cô ra như một món hàng, một đứa con gái dễ dãi sao? Cô trả lời: “Không, xin ông giữ lòng tự trọng. Tôi không phải hạng gái đó. Còn món quà kia tôi không nhận”. Bỗng có một bàn tay túm lấy tóc cô, chửi rủa cô trước mặt bao nhiêu người. Đó là một phụ nữ tầm 35 tuổi, ăn diện sang trọng và xinh đẹp, người phụ nữ đó tạt ly nước vào người cô ướt sũng: “Đồ con điếm, mầy dụ dỗ chồng tao, sinh viên đây sao? Mày giống hạng gái mua hoa bán phấn thì đúng hơn. À, đây là cái gì? Dây chuyền vàng hả? Mày ăn của tao hết bao nhiêu tiền rồi”. Người đàn ông kia sợ mất mặt, kéo người phụ nữ ra nhưng cô ta càng hét to hơn, tiến tới lấy kéo cắt tóc cô.
Cô ê chề, xấu hổ với mọi người, thương cho bản thân vì người ta đang đánh ghen trong khi cô có làm gì đâu, cô đâu phá vỡ hạnh phúc của ai, cô chỉ đi làm thêm thôi mà. Chủ quán đuổi việc cô: “Cô xin việc nơi khác đi, cô làm quán tôi mất uy tín quá, lương cô trừ hết”. Cô gái mới bước chân vào đời đã nếm vị đắng cay mà cái cuộc đời nghèo khó đã giúp cô cứng cỏi hơn nhưng giờ làm cô ngã quỵ. Bỗng có một thanh niên trẻ tuổi, vốc dáng cao to lên tiếng: “Cô ấy là người yêu tôi. Các người làm gì mà đối xử như vậy? Ông thân có vợ mà ve vãn người khác là sao? Còn vợ ông nữa, đánh ghen nhầm người bị ở tù, tin không? Giờ đợi công an lại giải quyết, trả lại trong sạch cho người yêu tôi. Còn chủ quán thấy người ta bị đánh không can mà trừ lương là nghĩa làm sao. Lương tâm đâu mất rồi”. Rồi bọn người kia xin anh đừng báo công an, cô cũng nói với anh thôi cho qua mọi chuyện để rườm rà. Rồi cô và anh trở thành bạn của nhau, anh giúp đỡ cô mọi thứ và trong họ bắt đầu yêu nhau.
Cô đến với anh bằng tình yêu nồng cháy, anh yêu cô say đắm và rồi anh để lại trong cô một giọt máu chính là sự kết tinh tình yêu của hai người. Cô sinh viên trẻ đã phải nghỉ học vì cái thai càng lớn, anh thu xếp để cô không bị tổn thương. Anh xin gia đình được phép cưới cô, nhưng mẹ anh là người độc đoán, bà không chấp nhận cô con dâu “Ăn cơm trước kẻng”. Anh năn nỉ van xin nhưng mẹ anh vẫn cương quyết. Cô tủi nhục, cảm thấy có lỗi với cha mẹ vì mình là đứa không ra gì. Cô giấu nhẹm chuyện mình mang thai với gia đình, vì học xa nhà nên cha mẹ không lên thăm, chỉ liên lạc qua điện thoại. Anh và cô thuê một phòng trọ ở, anh làm phụ hồ, cô thì nhận may quần áo. Cuộc sống cơm áo gạo tiền khi đứa bé sắp chào đời phải sống thiếu thốn, cô ngậm đắng, buồn cho số phận mình nhưng an ủi khi chồng thương yêu.
Anh chu đáo, mỗi tối anh đều lau chân cho cô, anh sợ cô may đồ mệt: “Em nghỉ nhận may quần áo đi. Chuyện tiền nong để anh lo, em cứ việc ở nhà giữ gìn sức khỏe cho em và con”. Cô không chịu, cô muốn gánh vác lo toan chia sẻ với chồng. Tối ngủ cô xoay người liên tục vì em bé càng lớn trong người cô càng không thoải mái. Anh biết nên ngày hôm sau, anh đi hiến máu nhân đạo lấy số tiền 120.000 nghìn đi mua cho cô cái nệm, nhưng đi mua anh vẫn không đủ tiền, anh chỉ mua cho vợ được cái nệm nhỏ nhưng có còn hơn không: “Cô ơi, cái nệm này bao nhiêu?”. Người bán hàng trả lời: “130.000 nghìn con”. Anh nài nỉ: “Cô bớt cho con 10 nghìn cô nha. Vợ con sắp sinh nhưng trong túi con chỉ có vẻn vẹn 120 thôi cô. Cô làm ơn nha cô, con rất biết ơn cô”. Rồi trước sự chân thành của anh, cô bán hàng bán cho anh cái nệm màu tím, màu vợ anh thích. Thế là cô có nệm nằm, cô không trở mình vào mỗi đêm, anh ôm cô vào lòng mà trào nước mắt: “Vợ à, anh cố gắng kiếm tiền cho em sung sướng, anh sẽ đường đường chính chính cưới em, về xin cha mẹ vợ tha thứ, anh sẽ bù đắp cho vợ”. Hai vợ chồng ôm nhau khóc suốt đêm vì cái tình phu thê sớm tối có nhau.
Rồi cô sinh em bé, một bé trai bụ bẫm giống cha y hệt: “Con giống anh lắm em à. Anh sẽ thuyết phục mẹ nhận cháu, nhận dâu. Cảm ơn em vì anh mà thiệt thòi vợ à”. Cô hạnh phúc đón đứa con đầu lòng, hạnh phúc vì hi sinh cho chồng, bỏ dang dở việc học hành nhưng bù đắp vào đó là tình yêu chồng dành tặng.
Anh được mối làm ăn, kinh doanh cà phê ở Sài Gòn. Anh lập xưởng sản xuất cà phê bỏ mối. Vì anh có hiểu biết về cà phê, anh sành loại nào ngon, loại nào dở nên công việc làm ăn thuận lợi. Mẹ anh chấp nhận cô, đón cô về nhà ra mắt họ hàng và sang nhà gái thưa chuyện. Cha mẹ cô sửng sốt khi biết chuyện con gái và cũng đành gật đầu chấp nhận vì gạo nấu thành cơm. Cô nhận thấy nét buồn trên đôi mắt cha, mẹ rơi nước mắt vì con khờ dại. Cha cô bệnh nặng nên phải thay thận, chồng cô hiến thận cho bố vợ: “Con xin hiến thận cho cha để chuộc lỗi mà con gây ra và hơn hết con muốn thể hiện tình cảm của thằng rể chưa giúp gì cho cha mẹ vợ, cha nhận đi cho con vui. Đó là tấm lòng của con mong cha hiểu”. Rồi họ đã được người lớn cảm thông, thương mến.
Cô mở cửa hàng bán cà phê do chính chồng pha chế, thương hiệu của chồng cô ngày được nhiều người biết đến, cô thuê nhân viên đa phần là sinh viên vì cô hiểu nỗi khổ của những người xa nhà cần đồng tiền đi học. Cô rộng rãi với họ, xem họ như người thân của mình và đáp lại tình cảm của cô là họ làm việc nhiệt tình. Rồi cô thi vào lớp đại học từ xa, cô hoàn thành chuyện học dở dang để cô cũng như cha mẹ mãn nguyện. Còn anh - một người có đầu óc kinh doanh, thương vợ, có trách nhiệm với vợ đẹp, con xinh và sự nghiệp thành đạt.