TOP 5 ĐỊA ĐẠO NỔI TIẾNG CỦA VIỆT NAM

Posted on at


1. Địa đạo Củ Chi – Tp. Hồ Chí Minh

Địa đạo Củ Chi cách TP.HCM 70km về hướng tây bắc. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất.

 

Địa đạo được xây dựng vào cuối những năm 1940, trên vùng đất được mệnh danh là "đất thép". Ban đầu, cư dân trong khu vực chỉ đào hầm, địa đạo để tránh các cuộc bố ráp cũng như làm nơi trú ẩn cho bộ đội. Sau đó do nhu cầu đi lại, các hầm, địa đạo được nối liền với nhau, tạo thành một hệ thống địa đạo liên hoàn.

Về quy mô, hệ thống địa đạo có tổng chiều dài toàn tuyến trên 200km. Ðường hầm sâu dưới đất từ 3-8m, chiều cao chỉ đủ cho một người đi lom khom. Hệ thống địa đạo gồm 3 tầng. Tầng một cách mặt đất 3m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Tầng 2 cách mặt đất 5m, có thể chống được bom cỡ nhỏ. Còn tầng cuối cùng cách mặt đất 8-10m.

2. Địa đạo Vĩnh Mốc – Quảng Trị

Địa đạo Vĩnh Mốc thuộc thôn Vĩnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Hệ thống địa đạo này tồn tại ở phía Bắc sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trong suốt những năm 1965-1972. Điều đặc biệt, vị chỉ huy công trình này lúc bấy giờ chỉ vừa hết bậc tiểu học.

 

Cấu tạo địa đạo như một ngôi làng dưới lòng đất với rất nhiều căn hộ đủ chỗ cho 3 đến 4 người ở, 3 giếng nước, hội trường với sức chứa 50 người, bệnh xá, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại…

Hệ thống địa đạo gồm có 3 tầng: tầng thứ nhất sâu 12m, dùng để sinh sống, tầng thứ hai cách mặt đất 15m, được dùng làm nơi cất giữ lương thực và vũ khí hay hội họp và tầng cuối cùng sâu 23m, được dùng để tránh bom.

Địa đạo Vĩnh Mốc có 13 cửa thông ra ngoài, trong đó có 7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi. Tại các cửa hầm đều có lắp đặt gỗ chống sập.

Hầm có sức chứa khoảng 1.200 người. Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại, không những không có bất kỳ tổn thất nào về người và còn đón thêm 17 em bé chào đời.

Hiện địa đạo Vĩnh Mốc nằm trong hệ thống các điểm du lịch khu phi quân sự. Hàng ngày, nơi đây đón tiếp hàng trăm lượt khách tham quan, nhiều nhất là các cựu quân nhân từng chiến đấu ở đây.

3. Địa đạo Khe Trái, Thừa Thiên – Huế

Địa Đạo Khe Trái hay địa đạo Khu Ủy Trị Thiên Huế là một trong những di tích lịch sử chứng kiến quá trình chuẩn bị, chiến đấu và kết thúc chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Trị Thiên Huế.

Địa đạo nằm ở đồi 160 thuộc địa bàn phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, có 3 cửa đều nằm trên triền dốc của đồi 160. Từ ba cửa số 1, 2, 3 đi vào bên trong là lòng địa đạo. Nơi đây có các hầm ngủ, hầm hội họp… Ngoài ra, còn có cây khô ở các vách hầm, được dùng làm trụ để mắc võng.

4. Địa đạo giác sắt Tây Nam Bến Cát – Bình Dương

Địa đạo Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát nằm trên vùng đất 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An thuộc khu vực phía Tây Nam huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Với phương tiện thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ky xúc đất bằng tre, quân và dân 3 xã Tây Nam đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm con đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau như một ”Làng ngầm” kỳ diệu. Đây là một công trình độc đáo, chỉ riêng việc chuyển tải hàng vạn mét khối đất đem đi phi tang ở nơi khác để giữ bí mật địa đạo đã là chuyện vô cùng gian khổ, công phu, là biểu hiện sự đồng tâm hiệp lực của quân dân. Các gia đình ở khu vực vành đai, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất vừa đánh giặc giữ làng.

 

Đường xương sống - đường chính của địa đạo cách mặt đất 4 mét. Trong đường hầm này có chiều cao 1,2m, rộng 0,8 mét. Có những đoạn được cấu trúc từ 2 đến 3 tầng, chỗ lên xuống có nắp đậy bí mật. Trong địa đạo có những nút chặt ở những điểm cần thiết, dọc theo đường hầm có lổ thông hơi ra ngoài được ngụy trang kín đáo. Chung quanh cửa hầm bí mật lên xuống được bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, mìn trái, có cả mìn lớn chống tăng và mâm phóng lựu chống máy bay trực thăng đổ chụp nhằm ngăn chặn địch tới gần.

Với hệ thống địa đạo dài gần 100 km , khoảng 50 ô ụ chiến đấu và nhiều hầm để trú ẩn, cứu chữa thương binh, dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm… địa đạo Tây Nam là căn cứ địa của nhiều cơ quan và tổ chức kháng chiến, đây còn là chiến trường tiêu diệt địch tại chỗ.

5. Địa đạo Nhơn Trạch – Đồng Nai

Địa đạo Nhơn Trạch (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trach) là di tích, danh thắng của Đồng Nai. Lực lượng đào địa đạo khoảng 20 người thay phiên nhau, đào bằng dụng cụ thô sơ như: cuốc, xẻng. Công trình khởi công vào ngày 19/5/1963, nhân kỷ niệm 73 năm ngày sinh Bác Hồ. Đến cuối năm 1964 đã đào được 1,5km đường địa đạo khép kín, liên hoàn trong lòng đất, nối từ căn cứ Huyện ủy về các xã Phú Hội, Phước An, Huyện đội...

Địa đạo có kết cấu hình vòm nằm sâu dưới mặt đất từ 5 đến 7m, cao từ 1,8m đến 2m, rộng từ 1m đến 1,2m. Bên trong địa đạo có nhiều lỗ thông hơi, ngách rẽ sang hai bên, hầm bí mật, giếng nước, bếp Hoàng Cầm... Địa đạo có thể chịu đựng sức công phá của bom 250kg, chứa được từ 300 đến 500 người.

 TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM CHÍNH THỨC CÔNG BỐ THÔNG TIN



About the author

DangNguyen

Mình tên Đăng, mình đến từ Tp.HCM, Việt Nam. Mình 21 tuổi và mình hiện đã tốt nghiệp Đại Học Hutech chuyên ngành Xây Dựng nhưng hiện tại thì vẫn chưa có việc làm. Sở thích: Xem phim, Chơi games, đá bóng, nghe nhạc, đọc truyện. Tình trạng : Độc…

Subscribe 0
160