TOP 5 CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC HIỆN ĐẠI NỔI BẬT NHẤT

Posted on at


1. Đường hầm sông Sài Gòn

Đường hầm sông Sài Gòn (hay còn gọi là Hầm Thủ Thiêm) là hầm vượt hiện đại nhất Đông Nam Á. Sau gần 7 năm xây dựng, ngày 21/11/2011, hầm Thủ Thiêm chính thức được thông xe. Đường hầm hoàn thành giúp kết nối hai bờ sông và giảm tải cho cầu Sài Gòn, đồng thời làm động lực cho sự phát triển của thành phố. Đường hầm sông Sài Gòn chính là con đường hiện đại quan trọng nối khu vực các quận ven với quận trung tâm thành phố, giúp giảm tải tình trạng kẹt xe, giảm thời gian di chuyển tăng năng suất hiệu quả công việc cho người dân.

2. Bitexco financial tower – Sài Gòn

Tòa nhà Bitexco Financial Tower được thiết kế bằng bê tông cốt thép và kính. Loại kính cường lực này dày 28mm với 2 lớp kính dày 8mm mỗi bên và lớp khí cách âm, cách nhiệt dày 12mm ở giữa. Mỗi tấm kính đều phải có một độ cong khác nhau. Ngoài ra, hệ thống tường kính có thê thay đổi màu sắc theo mùa và theo thời điểm trong ngày khi tiếp nhận ánh sáng mặt trờiTrên sân thượng tòa nhà có sân đáp trực thăng. Ý tưởng thiết kế Bitexco Financial Tower được lấy cảm hứng từ hình ảnh duyên dáng, thanh thoát của búp hoa sen, biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Hình ảnh búp sen đã được lựa chọn mà không phải là hình ảnh hoa sen bởi hình dáng thon mảnh và thanh lịch, truyền tải được ý nghĩa “vươn cao”. Búp sen còn có ý nghĩa như là một phép ẩn dụ cho hình ảnh “Văn hóa Việt Nam đang nở rộ”. Tòa tháp với những đường cong mềm mại, hợp lí như những đường nét uyển chuyển của áo dài, chiếc áo truyền thống của người Việt Nam. Tương tự, nhìn sân đỗ trực thăng từ tầng trệt, chúng ta sẽ liên tưởng đến chiếc nón lá truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Kiến trúc của tòa tháp được thiết kế lồng ghép một cách tinh tế những nét văn hóa Việt.

3. Cầu Mỹ Thuận            

Cầu bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. Tổng chiều dài của cầu là 1.535 m, hai cầu dẫn mỗi bên 11 nhịp, mỗi nhịp 40 m. Chiều dài phần cầu chính là 650 m, chia thành 3 nhịp, hai nhịp bên mỗi nhịp dài 150 m, nhịp giữa dài 350 m. Cầu Mỹ Thuận là công trình hợp tác giữa các chuyên gia, kỹ sư và công nhân của hai nước Australia và Việt Nam, một công trình giao thông có kiểu dáng kiến trúc duyên dáng trên quốc lộ 1A, thu hút khách du lịch mọi miền. Cầu Mỹ Thuận là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Không chỉ đem lại những giá trị thiết yếu về mặt giao thông và kinh tế, cầu Mỹ Thuận còn đáp ứng lòng mong mỏi và hy vọng từ bao đời của người dân vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Bên cạnh đó, cầu Mỹ Thuận còn là công trình xây dựng có giá trị kiến trúc nổi bật, mang một nét tuyệt vời về giá trị thẩm mỹ, thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

4. Café Gió và Nước – Bình Dương

Đây là công trình sử dụng hầu hết cây tầm vông làm vật liệu, nên rất phù hợp với vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của nước ta. Ý tưởng đặc biệt nhất của công trình là ứng dụng nguyên tắc khí động học. Công trình sử dụng năng lượng gió và khả năng làm mát của nước để tạo thành máy điều hòa tự nhiên, tiết kiệm được chi phí mua máy điều hòa, chi phí vận hành máy điều hòa và năng lượng điện sử dụng. Giữa không gian sàn uống cà phê là một hồ nước nhân tạo. Thoạt nhìn đáy hồ sâu thăm thẳm, nhưng thực ra hồ chỉ cạn chưa đến gối, chính cách tận dụng màu sắc đá đen tạc dưới đáy hồ mang đến cảm giác rất sâu. Nơi khách ngồi uống cà phê thấp hơn mặt hồ. Theo lý giải của kiến trúc sư thì cách bố trí mặt bằng như vậy giúp khách tận hưởng được luồng gió nước mát đưa từ mặt hồ sang. Chủ nhân của công trình này là kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và các cộng sự. Được biết, cà phê Gió và Nước đã được nhận giải thưởng Kiến trúc Quốc tế năm 2008 (Internetional Architecture Awards – IAA 2008.

5. Trung tâm hội nghị quốc gia – Hà Nội

Kiến trúc của công trình được chọn từ phương án "Lượn sóng biển Đông" do chuyên gia Cộng hòa Liên bang Đức Meinhard Von Gerkar và Nikolaus Goetzethiết kế, theo ý tưởng cảnh quan di sản thế giới Vịnh Hạ Long. Là trung tâm đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được xây dựng dựa trên công nghệ tiên tiến và hiện đại bậc nhất hiện nay, được coi là một công trình trọng điểm của đất nước, có kiến trúc đẹp, hài hòa, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, vừa hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, vừa mang đậm tính dân tộc, là biểu tượng về kiến trúc của Việt Nam trong thế kỷ mới. Trung tâm hội nghị quốc gia còn được trang trí bởi 12 bức trang khổ lớn, hầu hết là sơn mài, trong đó có bức Thiếu nữ trong vườn của Nguyễn Gia Trí và Chùa Thầy của Hoàng Tích Chù (chép từ tranh gốc theo khổ 2,4.-2,5 m) và 60 bức tranh khác loại. Đây là nơi tổ chức các đại hội và hội nghị lớn của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, các hội nghị, hội thảo quốc tế, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có ý nghĩa quốc gia và quốc tế. Với nhiều lợi thế về hội trường, phòng họp, sảnh, khuôn viên, giao thông, an ninh, đội ngũ cán bộ… là đích đến của các nhà tổ chức những sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế.



About the author

DangNguyen

Mình tên Đăng, mình đến từ Tp.HCM, Việt Nam. Mình 21 tuổi và mình hiện đã tốt nghiệp Đại Học Hutech chuyên ngành Xây Dựng nhưng hiện tại thì vẫn chưa có việc làm. Sở thích: Xem phim, Chơi games, đá bóng, nghe nhạc, đọc truyện. Tình trạng : Độc…

Subscribe 0
160