1. Sông Hồng (Hà Nội)
Sông Hồng vào mùa lũ thì đỏ chói như pha son, vào mùa thu lại phớt hồng như hoa đào phai, lúc lại trải dài một màu vàng của hoàng hôn. Khi vào xuân, nước sông Hồng lại pha chút hồng nhẹ như má người con gái lúc e thẹn.
Sông Hồng ngày xưa là đường giao thương quan trọng, để hàng hóa khắp nơi đổ về trung tâm Hà Nội. Ngày nay, trục đường giao thương chính trên sông Hồng không như trước nữa, nhưng sông Hồng vẫn là con sông gắn liền với lịch sử thủ đô và đất nước Việt Nam. Du ngoạn trên sông Hồng, suốt từ cảng Vĩnh Tuy, phà Đèn ngược lên Yên Phụ, cầu Thăng Long… du khách sẽ có những cảm giác mới lạ, thú vị, được hòa mình vào cảnh quan sông nước hữu tình, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của các ngôi đền chùa ven sông, tham quan cuộc sống cư dân, thăm làng gốm Bát Tràng và lựa chọn cho mình những đồ gốm sứ độc đáo.
2. Sông Hương (Thừa Thiên Huế)
Sông Hương xứ Huế gắn nhiều với thơ ca, nhạc họa. Ai từng đến Huế, ngồi trên thuyền dong duỗi trên sông Hương, nghe những lời ca tiếng nhạc, sẽ khó thể nào quên được xứ sở lãng mạn thơ mộng này.
Sông Hương bắt nguồn từ dãy Trường Sơn và chảy qua rất nhiều sông suối trước khi chảy vào lòng Cố Đô Huế. Đi thuyền trên sông Hương, du khách có thể bắt đầu từ sáng sớm, đi khi chưa bắt đầu ánh nắng, đến lúc ánh bình minh rực rỡ trải dài trên sông. Hay du khách cũng có thể ngắm thành phố về đêm dưới ngàn sao lấp lánh cùng ánh sáng của những ngọn đèn thành phố, huyễn hoặc và mê đắm lòng người. Sông Hương chảy ngang qua các lăng vua triều Nguyễn, Đại Nội, các vùng miền khác và cuối cùng đổ ra phá Tam Giang. Du khách ngồi trên thuyền sẽ được ngắm những lâu đài, thành quách giữa lòng thành phố hay những vùng quê yên bình nơi ngoại ô thành phố dọc theo dòng sông.
3. Sông Sài Gòn (TP.HCM)
Để lên thuyền thưởng ngoạn trên sông Sài Gòn, du khách bắt đầu bằng bến Bạch Đằng. Bến Bạch Đằng nằm trên đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1. Vào những ngày lễ Tết, bến là nơi tập trung mua bán hoa Tết, cây cảnh… đồng thời, đây cũng là nơi tập kết hoa để sau đó phân bố vào từng ô đã quy định sẵn trên đường Nguyễn Huệ.
Rời những đường phố ồn ào, nóng nực, đến bến Bạch Đằng, du khách sẽ cảm nhận được sự mát mẻ, thoáng đãng tuyệt vời trước cảnh mênh mông trời mây, sông nước. Du thuyền Sài Gòn hay đi vào ban đêm và bạn sẽ có một góc nhìn mới về thành phố. Sài Gòn chập choạng tối chợt bừng lên với muôn màu rực rỡ, lung linh, huyền ảo của ánh đèn màu. Thong thả từng bước chân, du khách xuống thuyền ở bến để tận hưởng cảm giác như được hòa mình vào dòng nước mát khi con thuyền từ từ rời bến đưa du khách ra giữa dòng sông hóng gió đêm hiền hòa.
4. Sông Tiền (Tiền Giang)
Du lịch trên sông Tiền là du khách đang đi về tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, lênh đênh trên sông nước ngắm nhìn và hòa mình vào chợ nổi cái Bè, hoặc đi thăm cồn, thăm các cù lao sum suê vường cây lúc lỉu trái. Ghé vào Thới Sơn, đi qua cồn Phụng, cồn Rồng, tiến đến Khu du lịch sinh thái cồn Qui. Lênh đênh trên sông nước sông Tiền nghe các nghệ sĩ “đờn ca tài tử”, ngắm làng quê trù phú ven sông, thưởng thức cây trái và đặc sản tại các nhà vườn, du khách sẽ thấy cuộc đời tự do, sảng khoái và tuyệt vời biết bao. Nếu đi vào dịp gần Tết, du khách sẽ được ngắm cảnh chợ Tết ở chợ nổi cái Bè với bạt ngàn hoa trái, sáng bừng một khúc sông.
5. Sông Hậu (Cần Thơ)
Ngắm cảnh bình minh hay mặt trời lặn lúc chiều tà là những giây phút thú vị pha lãng mạn trên sông Hậu. Dòng sông Hậu yên ả, trong cảnh bình minh, du khách có thể ngắm nhìn những chiếc thuyền đang giăng câu, chài lưới trên sông. Mặt trời ló dạng sau những hàng cau, hàng dừa ven sông, bạn sẽ thấy dòng sông trải dài một sắc màu vàng óng ánh. Dọc hành trình, du khách đến chợ nổi Trà Ôn, thích thú trước cảnh sinh hoạt, tấp nập, ngược xuôi của ghe thuyền của người dân nơi đây.
Rời chợ nổi Trà Ôn, du khách sẽ ghé vào cù lao Mây (Vân Châu), tham quan các khu vườn trái cây. Nhìn từ xa, cù lao này trông như một vệt mờ màu xanh, thấp thoáng, vắt ngang dòng sông như áng mây trôi là đà trên mặt nước.