'Trăng máu' sẽ xuất hiện trên bầu trời Việt Nam vào mùng 8 tháng 10

Posted on at


Nguyệt thực toàn phần sẽ xảy ra vào tuần sau và những người yêu thiên văn tại Việt Nam sẽ thấy bề mặt của mặt trăng chuyển sang màu đỏ.

 

Vào lúc 6h25 sáng hôm 8/10 theo giờ Mỹ (tức buổi tối cùng ngày theo giờ Hà Nội), mặt trăng sẽ di chuyển qua bóng của trái đất khiến nó có hình dạng giống như chiếc đĩa màu đỏ. Hiện tượng nguyệt thực toàn phần ấy sẽ diễn ra trong 59 phút. Màu đen sẽ bao phủ hoàn toàn mặt trăng trong khoảng thời gian ngắn, sau đó màu đen chuyển dần sang màu đỏ, Daily Mail đưa tin.

Hôm đó mặt trăng sẽ lớn hơn 5,3% so với hiện tượng "trăng máu" vào ngày 15/4. Bán cầu nam của mặt trăng sẽ có màu sẫm hơn so với bán cầu bắc do nó nằm sâu hơn trong bóng tối của địa cầu.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho biết, pha nửa tối của nguyệt thực toàn phần hôm 8/10 sẽ diễn ra vào lúc 15h15, pha một phần vào lúc 16h15 và đạt cực đại vào 17h54.

Sau đó, pha toàn phần, một phần và nửa tối sẽ kết thúc tương ứng vào 18h24, 19h24 và 20h34 (giờ Việt Nam).

 

"Trăng máu" vào tuần sau sẽ to hơn so với sự kiện tương tự vào ngày 15/4. Ảnh: CNN

 

Tại Việt Nam, mặt trăng mọc trong ngày 8/10 vào khoảng 17h25 nên người yêu thiên văn không thể theo dõi hiện tượng trước đó cũng như thời điểm trăng mới mọc. Bởi vậy, khoảng thời gian lý tưởng nhất để quan sát nguyệt thực vào khoảng từ 17h45 cho tới khi nguyệt thực kết thúc.

Anh Hoàng Quốc Phương, quản trị web của Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội, cho hay, lần nguyệt thực toàn phần gần đây nhất mà người dân ở Việt Nam có thể quan sát đã xảy ra vào ngày 10/12/2011. Từ đó đến nay, 6 nguyệt thực diễn ra nhưng người Việt Nam không thể quan sát, hoặc do chúng là nguyệt thực nửa tối nên quan sát cũng không phải là việc dễ dàng.

Các chuyên gia khuyên người quan sát chọn vị trí thoáng đãng nhìn về chân trời phía đông. Người xem cũng quan sát bằng mắt thường, song cảnh tượng sẽ thú vị hơn khi chúng ta có thêm dụng cụ hỗ trợ như ống nhòm, kính thiên văn.

Đây là sự kiện thứ hai trong "tứ kỳ nguyệt thực". Mỗi sự kiện cách nhau 6 tháng. Hai sự kiện tiếp theo trong "tứ kỳ nguyệt thực" lần này sẽ tiếp tục xuất hiện vào ngày 4/4/2015 và ngày 28/9/2015.

Vào giai đoạn đỉnh điểm của nguyệt thực, mặt trăng sẽ tiến vào vùng bóng tối hoàn toàn của trái đất. Theo NASA, khi ánh sáng mặt trời xuyên qua lớp khí quyển trái đất, do hiện tượng tán xạ nên các bước sóng ngắn màu xanh, tím sẽ bị khí quyển hấp thụ gần như hoàn toàn. Ánh sáng đỏ có bước sóng dài nên bầu khí quyển không hấp thụ. Ngược lại, bầu khí quyển sẽ phân tán ánh sáng đỏ về vùng tối của trái đất - hiện tượng khiến bầu trời chuyển sang màu đỏ khi mặt trời mọc và lặn. Do đó, ánh sáng đỏ sẽ phản chiếu lên bề mặt của mặt trăng, tạo ra màu đỏ.

Nếu tính trung bình, nguyệt thực xảy ra hai lần mỗi năm, song một số sự kiện như thế là nguyệt thực nửa tối, nghĩa là mặt trăng chỉ di chuyển qua phần bên ngoài của bóng trái đất. Vì thế con người không thể thấy màu đỏ trên mặt trăng. Trong một số lần nguyệt thực khác, chúng ta chỉ thấy vùng tối trên mặt trăng, chứ không thấy màu đỏ.

Theo Zing



About the author

160