Tốc độ phát triển cao của nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm liên tục đã khiến họ tự hào là quốc gia dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực ở khu vực cũng như quốc tế. Nhưng để đạt được điều đó họ đã phải trả giá rất lớn về môi trường.
Tại Trung Quốc, ao hồ bốc hơi, sông khô cạn, 75% rừng bị chặt phá, đất trên bề mặt mất đi lớp màu mỡ, biến thành sa mạc. Cát bay vào thành phố, có khi sang cả các nước láng giềng. Đất nước này đang phải trả giá cho sự tăng trưởng kinh tế quá nhanh và rất lo lắng vì nhu cầu tiêu dùng không thể kiềm chế.
Giáo sư Khoa Lịch sử Trung Hoa hiện đại Trường ĐH Oxford là Karl Hert nhận định về sự phát triển kinh tế và công nghiệp của nước này trong cuốn sách Trung Quốc đi đến đâu, thế giới đi đến đấy như sau: "Năm 1986, lần đầu tiên tôi đến Thượng Hải. Ở đây chỉ có vài ngôi nhà chọc trời. Sau 20 năm, số lượng những ngôi nhà như vậy lên tới 4.000, nghĩa là nhiều gấp đôi New York. Diện tích các tòa nhà văn phòng và chung cư ở Bắc Kinh lớn gấp ba khu Mahattan ở New York”.
So sánh Trung Quốc với nước Mỹ chẳng có gì là bất ngờ. Họ đang “đuổi kịp và vượt” Mỹ về nhu cầu tiêu thụ: Thịt và thép họ tiêu thụ gấp đôi Mỹ. Ngũ cốc và than thì tương đương. Người Trung Quốc thích sống theo các tiêu chuẩn Mỹ và xu hướng ấy là không thể ngăn lại được.
Nếu như số ô tô ở Trung Quốc tính theo đầu người tăng tiến đến mức ngang nửa với Mỹ thì phần đất phải trải nhựa vừa vặn bằng đất trồng trọt. Karl Hert cho rằng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc chẳng bao lâu nữa sẽ vượt khả năng khai thác của toàn thế giới.
Trong cuốn sách của mình, tác giả dành một chương để nói về các vấn đề sinh thái ở Trung Quốc. Chuyện này không kém phần ấn tượng. Ví dụ nhu cầu thịt và len tăng dẫn tới xuất hiện những đàn bò, dê và cừu khổng lồ khiến các cánh đồng cỏ vùng trung du bị hủy diệt. Lớp đất bề mặt bị cày xới, biến thành bụi và cát. Thủ đô Bắc Kinh mỗi năm bị hàng triệu tấn cát thổi tới và những năm gần đây sa mạc nuốt chửng nhiều vùng nông thôn.
"Có thể nói, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu bụi chủ yếu trên thế giới. Hàng triệu tấn bụi và bồ hóng hàng năm theo dòng không khí bay sang Hàn Quốc và Nhật Bản, thậm chí sang cả phía Tây nước Mỹ”, Karl Hert viết.
Nguồn nước bị hút đến khô kiệt và để lại những khoảng trống rỗng dưới lòng đất là hậu quả của tình trạng này. Tháng ba vừa qua, Bộ đất đai và tài nguyên Trung Quốc ra thông báo: Không dưới 50 thành phố đang bị lún xuống, trong số này có những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Hàng Châu, Tây An.
Tình trạng ấy không phải chỉ mới bắt đầu. Ví dụ so với trước đây 100 năm, Thượng Hải đã bị hạ thấp xuống 3 mét và tốc độ lún ngày càng tăng nhanh. Trong 30 năm qua, thành phố Giang Châu, tỉnh Hà Bắc, lún 2,4m. Một bệnh viện ở địa phương trước có 3 tầng nay chỉ còn hai vì một phần của tòa nhà chìm dưới mặt đất. Cầu cống, đường sắt bị phá hủy, nhà cửa bị nứt nẻ.
Thượng Hải đã phải bỏ ra 13 tỷ đôla để sửa chữa những vết nứt trên tường các ngôi nhà, củng cố nền móng và sửa chữa đường sá.
Do tốc độ tăng trưởng kinh tế quá cao, nước ở Trung Quốc bị khai thác quá nhiều. Các hồ nước bị bốc hơi, băng tan chảy, sông cạn khô. Karl Hert dẫn ra hàng loạt số liệu gây sốc: Trong 20 năm qua tại tỉnh Hà Bắc, xung quanh Bắc Kinh, từ hàng ngàn hồ chỉ còn vài chục. Nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Riêng con sông Dương Tử lớn nhất châu Á đã bị đổ vào hàng tỉ tấn nước thải chưa qua xử lý.
Giá hàng hóa của Trung Quốc rẻ nhất thế giới một phần là do bỏ qua yếu tố xử lý môi trường. Cái giá thực mà người dân phải trả để mở rộng thị trường thế giới lớn hơn rất nhiều so với giá bán hiện nay.
Ví dụ, hiện nay với 100 đôla có thể mua được vài chiếc áo len lông cừu trong khi ở các nước khác đắt hơn gấp bội. Để sản xuất ra một chiếc áo len như vậy cần lông của 2-3 con cừu. Nếu diện tích các bãi chăn thả ở Trung Quốc cũng bằng ở Mỹ thì số đầu gia súc lớn mà họ nuôi trên đó sẽ nhiều hơn 10 triệu và số dê cừu nhiều hơn đến 400 nghìn con.
Karl Hert nhận xét rất đúng là, hàng triệu cánh đồng nuôi bò và dê cừu ở đây khó tưởng tượng chúng phải chen chúc nhau như thế nào, khiến ta có cảm giác đó không phải những bãi chăn thả mà là chuồng nuôi nhốt chúng.
Các vùng đất phì nhiêu đã biến mất và tình trạng khát nguyên liệu để đóng đồ gỗ xuất khẩu làm người ta đã “bức tử” 75% rừng. Chính phủ Trung Quốc cố gắng ngăn chặn nạn chặt phá rừng và điều đó buộc người Trung Quốc phải kiếm củi đun từ những vùng biên giới và mua bất hợp pháp gỗ từ các khu rừng trồng chưa đến kỳ khai thác, chủ yếu từ nước Nga.
Nói chung thảm họa môi trường mà hôm nay Trung Quốc đang phải chịu đựng liên quan trực tiếp đến các nước láng giềng. Đại diện của Bộ Môi trường Trung Quốc đã nói một cách công khai rằng trong vài thập kỷ tới sẽ có đến 150 triệu người phải sang nước khác để “tị nạn môi trường”. Đội quân những người Trung Quốc phải bỏ nhà ra đi, sẽ đến định cư tại đâu? Karl Hert nói rằng, không nghi ngờ gì nữa, đó là Siberia (LB Nga).
Ngoài việc mỗi năm tăng thêm 4 nghìn kilomet vuông sa mạc, các thành phố ở Trung Quốc còn bị đe dọa bởi hàng núi rác. Xung quanh Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân thải ra không dưới 7 nghìn tấn rác mỗi ngày. 70% số máy tính bỏ đi, những đồ chất dẻo đã qua sử dụng và phế thải sản phẩm công nghệ đang ùn ùn đổ vào Trung Quốc. Những người dân địa phương - chủ yếu là trẻ em - đang cố sức moi móc từ đó ra những kim loại quý. Một số thành phố giáp ranh với Hongkong đã trở thành nơi hứng lấy những phế phẩm của mặt hàng điện tử thải loại.
Cuối cùng, Karl Hert rút ra kết luận rất bi quan. Nền kinh tế thế giới đang chờ đợi Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhưng ít người nghĩ đến nó đang đi đến đâu. Trung Quốc không bị cô lập trong hệ thống, nên dù thế nào đi nữa thì những vấn đề về sinh thái của họ cũng sẽ ảnh hưởng tới các nước khác.