[Truyện bịa như thật] (Cho ai chưa đọc)

Posted on at


[Truyện bịa như thật] (Cho ai chưa đọc)

Kính thưa các bậc anh hùng cùng chư vị bằng hữu:

Tại hạ có chuyện này mà lao tâm khổ tứ phải đến hơn một canh giờ rồi, nay mang lên đây mong các cao nhân chỉ giáo. Chuyện của tại hạ thì nó hơi dài, cũng mong các bậc anh hùng niệm tình thương xót mà thứ lỗi.

Nghe dân làng kể lại, ngày mẫu thân tại hạ lâm bồn, ban ngày mặt trời chiếu sáng, đêm đến thì có trăng có sao. Mọi người ai cũng lấy làm lạ. Lúc ba tháng tuổi tại hạ đã biết lẫy, bảy tháng đã biết bò, gần một tuổi thì đã biết đi. Lên ba tuổi, có một ông thầy tướng đi qua, thấy tại hạ ngồi chơi trước cổng, hào quang vây quanh, lại thấy trên đầu có tóc, hai mắt mọc hai bên, lỗ mũi có lông mà nằm ngay chính giữa. Thầy tướng lấy làm lạ, mới bắt tại hạ xòe hai bàn tay ra, đếm đi đếm lại thì vừa tròn mười ngón, mới cả kinh, gọi ba mẹ tại hạ tới mà nói rằng:

“Con trai các ngươi quả thực là thiên tướng, lớn lên chắc chắn sẽ là thằng ăn hại nhất nước Việt Nam”.

Sau đó thầy tướng mới đưa cho ba mẹ tại hạ bốn túi cẩm nang, dặn dò kỹ lưỡng:

“Các ngươi hãy giữ lấy các túi cẩm nang này, đem chôn ở bốn góc vườn, khi nào cây ở đó mọc lên, đơm hoa kết trái, hãy để đến cuối mùa rồi đào cẩm nang ở dưới gốc lên mở ra xem, làm theo sẽ rất ứng nghiệm. Tuyệt đối không được mở trước thời gian đó, nếu không sẽ là đại họa”.

Nói xong, thầy tướng chắp hai tay sau lưng và quay đi, miệng cười ha hả và lẩm bẩm “Quái tướng, quái tướng”. Cha mẹ tại hạ chưa kịp hỏi han gì thêm thì thầy tướng đã đi mất.

Cha mẹ tại hạ thấy vậy thì cũng tỏ ra kinh sợ, liền đem bốn cẩm nang chôn chặt ở bốn góc vườn. Năm tại hạ lên sáu tuổi, một trong bốn góc vườn nhà tại hạ có mọc lên một cây mít, cây lớn nhanh như thổi, chưa đầy ba tháng sau đã quả đã chi chít trên thân. Đợt đấy vào mùa hè, cũng là cuối vụ mít chín, cha mẹ tại hạ mới nhớ tới lời dặn dò của thầy tướng năm xưa, quyết định đào cẩm nang ở đấy lên xem. Hôm đấy cha mẹ tại hạ mời cơm dân làng, nhờ người đẵn cây đào gốc. Lúc mở ra xem thì cẩm nang ghi sáu chữ nho đẹp như thư pháp, nội dung là gì thì không ai biết. Sau đó, cha mẹ tại hạ lặn lội đến nhà trưởng làng, hỏi ra thì mới biết:

“Cho nó đi học lớp một”

Sau khi biết tin, dân làng ai cũng cho là phải, biết là không thể trái lời thầy tướng, nên ngày đó dù khó khăn nhưng cha mẹ tại hạ vẫn cắn răng bán đi gần hai tạ lúa để cho tại hạ vào học ở trường làng.
Theo như sử sách ghi lại, thì kể từ lúc đi học, tại hạ ngày càng bộc lộ những khả năng thiên phú. Hết lớp một đã thuộc gần một phần hai bảng chữ cái, lên lớp hai đã biết làm toán một cộng một bằng hai, hết lớp ba thì bảng cửu chương cũng đã thuộc lòng hơn một nửa. Ai ai nghe thấy cũng đều khiếp sợ.
Thế rồi, thời gian thấm thoát thoi đưa, lúc tại hạ lên mười hai tuổi, ở một góc vườn nhà tại hạ lại mọc lên một cây chuối rất to, hết mùa chuối chín, cha mẹ tại hạ lại đốn chuối và đào cẩm nang thứ hai lên, lần này thì cẩm nang ghi một câu bằng chữ quốc ngữ, vốn đã tu luyện xong năm bậc của bí kíp “đánh vần thiên diệp thủ”, nên không khó khăn gì, hai ngày sau tại hạ đã cắt nghĩa được cẩm nang thứ hai của vị thầy tướng năm xưa:

“Cho nó học tiếp chứ còn mở ra làm cái gì”

Một lần nữa cha mẹ tại hạ lại phải bấm bụng bán con lợn nái xề để đưa tại hạ vào học ở một trường trung học. Càng học, tại hạ càng bộc lộ những điểm hơn người, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa thì hiểu nhân luân. Bất kỳ ai hỏi gì cũng đối đáp trôi chảy, nhưng tuyệt nhiên không đúng một câu nào, khắp nơi ai ai cũng đều nể phục.
Cứ thế tại hạ học một mạch cho tới gần hết lớp mười hai. Tết năm đó, ở góc vườn thứ ba nhà tại hạ mọc lên một cây vú sữa. Tại hạ ngày nào cũng chăm bẵm bằng a mô ni hi đờ rô xít, nhưng lần này không như hai lần trước, cây cao chẳng thể quá người. Đến tháng ba năm ấy, trên cây có một quả chín rất to, chờ trái chín, lần này cha mẹ tại hạ lại đẵn cây lấy cẩm nang lên xem, không như hai lần trước, trên cẩm nang không ghi chữ nào, mà chỉ có hình một con chim rất đẹp đậu trên cái cổng cong cong. Cha mẹ tại hạ chạy đôn chạy đáo khắp nơi, hỏi han khắp chốn, nhưng không ai có thể cắt nghĩa được cẩm nang này. Cả nhà lấy làm lo lắng và buồn rầu lắm.
Vào một hôm trăng rằm, cả nhà tại hạ đang tuốt lúa ở sân thì có một con chim lợn bay tới, đậu ngay trên nóc nhà, cả nhà thấy thế liền lấy gậy để đuổi đi vì sợ có điều chẳng lành. Lúc cầm gậy tới, thì con chim cất tiếng nói:

“Cho ta một đấu thóc, ta cắt nghĩa cẩm nang cho”

Cùng lúc đó có một con mèo nhà hàng xóm đang ngao du qua nóc nhà tại hạ, bị ác điểu giơ cánh tát cho một cái, rơi bịch xuống đất, chết ngay. Cả nhà tại hạ thất kinh, cha tại hạ vội vàng lấy ra một đấu thóc, cúi lạy “chim thần”. Ăn uống no say, “chim thần” quay ra phán:
“Con trai nhà ngươi tuy đã giỏi giang hơn người, nhưng vẫn chưa thể vượt qua được lũy tre làng, nay ta muốn thu nạp nó làm đệ tử và truyền lại cho nó bí kíp mà ta một đời tu luyện. Các ngươi hãy suy nghĩ cho kỹ. Khi nào xong, hãy để nó đến “Bách Khoa Tự” tìm ta. Từ đây các ngươi xuôi về phương bắc, khi nào gặp một con sông có nước đen kịt thì các ngươi hãy hỏi thăm đường đến cổng cầu vồng, ta sẽ ở đó chờ”

Sau đó “chim thần” bay đi đâu không rõ. Nghe cắt nghĩa cẩm nang xong, cha mẹ tại hạ ốm liền hai tháng, tại hạ thấy thế cũng ốm theo. Ngoài hai hộp sữa với ba bữa cơm mỗi ngày thì tại hạ chẳng ăn uống được gì. Dân làng thấy thế lấy làm lo lắm, ai ai cũng đến thăm hỏi, động viên. Thế rồi người dăm chục triệu, kẻ thì một hai cây vàng, gom lại cho tại hạ tìm đường lên “Bách Khoa Tự”

Cả làng ngày đấy có một con “Chiếu dạ” để cày bừa, cũng nhường cho tại hạ. Thắt chặt yên cương, cùng hai rương hành lý, bịn rịn vẫy chào cha mẹ và dân làng, tại hạ ra đi. Ngẫm mới thấy “anh hùng nhiều khi cũng phải rơi lệ”, không cầm được nước mắt trong buổi chia ly, tại hạ ra đi mà lòng mang nặng nỗi niềm quê hương xứ sở.

Một người một ngựa, không dám rong chơi, tại hạ ngày đêm rong ruổi những mong sớm tìm thấy chốn dung thân. Bảy bảy bốn mươi chín ngày sau thì đến một nơi phồn hoa đô hội, thấy một con sông nước đen như bồ hóng, xú khí bốc lên nồng nặc, tại hạ đánh bạo hỏi thăm một ông lão râu tóc bạc phơ:

- Thưa tiền bối, vãn bối ở xa mới đến đây, không biết nơi này có tên gọi là gì?
- Ồ, các hạ ở xa không biết là phải rồi, nơi này gần một ngàn năm trước Tiên đế Lý Công Uẩn chọn để đóng đô, ngày đó có rồng bay lên nên vẫn gọi là Thăng Long. Ngày nay thì đổi tên thành Hà Nội kép pi tồ.
- Vậy, không biết “Bách Khoa Tự” có ở gần đây không thưa tiền bối?
- Các hạ tìm tới “Bách Khoa Tự” làm gì?
- Thưa tiền bối, hôm trước tại hạ có được một ác điểu tới nhà và bảo tìm tới “Bách Khoa Tự” để tu luyện nên người. Nay đến đây không biết đường đi, đánh bạo hỏi thăm, mong tiền bối chỉ giáo.
- Ồ, nếu ta không nhầm thì ác điểu đó là “Oanh Vũ Vương”, là một trong hai cao đồ đắc đạo của “Bách Khoa Tự”. Các hạ muốn tìm tới Bách Khoa Tự thì hãy đi theo ta, ta cũng đang trên đường tới đó.

Đi theo lão tiền bối chừng hơn hai mươi dặm, tới một nơi cây cối um tùm, lão tiền bối chỉ tay nói rằng:

- Đây là Bách Khoa Tự, giờ ta có việc phải đi gấp, ngươi hãy vào trong tìm người.
- Đa tạ lão tiền bối.

Theo hướng chỉ tay của lão tiền bối, tại hạ quất ngựa phi như bay. Đến một chiếc cổng cong cong, như sực nhớ ra điều gì đó, tại hạ mở cẩm nang thứ ba ra xem, thì đúng là chiếc cổng này. Vui mừng không sao tả xiết, tại hạ định quất ngựa đi vào thì bị một cấm vệ quân tuýt còi, bắt tại hạ mang ngựa gửi vào nhà để xe, xong xuôi đâu đấy thu của tại hạ ba lạng bạc. Lần đầu tiên nơi đất khách quê người, không hiểu luật lệ ra sao, nên đành bấm bụng để cấm vệ quân trông nom con “Chiếu Dạ”

Khi từ nơi gửi ngựa đi ra, tại hạ thấy trong các môn sinh ở đây ai nấy đều khoác choàng bào màu đỏ, chân mang tổ ong nghìn lỗ. Tại hạ lấy làm ngưỡng mộ lắm. Ngay sau đó tại hạ tìm gặp “Oanh Vũ Vương” và được thu nạp làm đệ tử.
Hằng ngày tại hạ chăm chỉ luyện công, mài đũng quần trên các giảng đường. Tối đến học thêm các môn binh pháp. Các bí kíp “Đế chế đại cương” cho tới “Võ lâm tranh bá” đã nằm lòng khắc cốt ghi tâm.
Thấm thoắt đãnăm năm trôi qua. Cho tới một ngày, “Oanh Vũ Vương” gọi tại hạ tới, bảo rằng:

- Ngươi là đệ tử mà ta ưng ý nhất, thỏa ý nguyện ngày đêm ao ước của ta. Nay, ngươi đã lĩnh hội hết các chiêu thức, từ “Vật lý kiếm phổ”, “Đại số thập bát chưởng”, rồi cả “Đồ án càn khôn đại na zi”. Tất cả đều là tâm huyết của ta. Ta mong ngươi hãy dùng nó để làm nên nghiệp lớn. Trước mắt hãy sử dụng những gì ta truyền dạy tự nuôi sống bản thân ngươi, sau đó hãy dùng nó để giúp đời, giúp nước. Mai là ngày lành tháng tốt, ta quyết định kích ngươi ra khỏi pa – ti.
- Nghe sư phụ nói mà đồ đệ lòng đau như cắt, năm năm ròng đồ đệ gắn bó nơi đây, ngày uống nước D3 đêm lân la B6, sao có thể một ngày dứt áo ra đi. Mong sự phụ niệm tình thương xót, cho tại hạ ở lại để hầu hạ cho người.
- Không, ý ta đã quyết, người dám chống lệnh ta ư?
Nghe sư phụ nói vậy, tại hạ không dám nửa lời trái lệnh. Hôm sau, tờ mờ sáng, mặt trời còn chưa tỏ, Oanh Vũ Vương đã đẫn tại hạ đến một khán phòng rộng lớn, cấp cho tại hạ một tấm giấy thông hành và nói:

- Đây là thư giới thiệu của ta, ngươi đi đâu, làm gì, nếu người ta hỏi, hãy đưa giấy này ra, nói với họ ngươi là đồ đệ của “Oanh Vũ Vương” này, họ sẽ thu nạp ngươi.

Cầm tấm giấy trên tay, bái biệt sư phụ, tại hạ bước ra khỏi Bách Khoa Tự, con “Chiếu Dạ” ngày nào gửi ở chỗ cấm vệ quân, nay chỉ còn một đống xương trắng xóa. Thắp một nén nhang cho “Chiếu Dạ”, tại hạ bước qua cổng cầu vồng, nơi mà năm năm trước tại hạ đã từng bước chân qua.

Như lời sư phụ dặn dò, tại hạ cầm thư giới thiệu đến gặp một trại chủ, xin nương nhờ để chờ ngày làm nên nghiệp lớn.
Thấm thoát cũng gần bốn năm rồi, tại hạ vất vưởng ở nơi đây. Hằng ngày vẫn không quên tu luyện. Cho đến tuần trước, cha mẹ tại hạ sử dụng chim bồ câu đưa thư cho tại hạ, trong thư nói là:

- Ở góc vườn mới mọc lên một cây “dâm bụt” to lắm, hết tuần này chờ hoa rụng hết, thầy u sẽ lấy cẩm nang cuối cùng lên. Có gì thầy u sẽ gọi điện cho con.

Thế rồi vừa nãy, mẹ tại hạ gọi điện cho tại hạ, nói là:

- Cẩm nang toàn tiếng nước ngoài, u với thầy mày không cắt nghĩa được.
- U bảo thầy sờ ken cho con một bản rồi gửi vào i meo cho con.
- Ô sờ kê, để u bảo thầy mày.
Tại hạ vừa check mail thì thấy trong cẩm nang có ghi một câu thế này. Loay hoay chưa cắt nghĩa được, nên mang lên đây hóng các cao nhân. Câu ấy thế này:

“Find a girl, settle down, if you want you can marry”
But
That girl must be “Sắn”

Trên đây là toàn bộ câu chuyện của tại hạ. Mong ngóng cao nhân ra tay giúp đỡ. Tại hạ xin ngàn lần bội phục, vạn lần hàm ơn!



About the author

gantz

không biết nói gì

Subscribe 0
160