Theo tin moi nhat từ blogger Nguyễn Ngọc Long, nếu đem nhu cầu thị hiếu về giải trí của dân mạng so sánh với mối quan tâm tới các lĩnh vực khác thì rất khập khiễng.
Kết quả thống kê từ Google cho thấy, trong năm qua, người Việt Nam quan tâm đến các sự kiện giải trí nhiều hơn các nước khác trong khu vực.
Theo đó, 9/10 từ khoá được tìm nhiều ở Việt Nam đều là những ca khúc đình đám trong giới trẻ, game show truyền hình hoặc tựa đề các bộ phim như Vợ người ta, Âm thầm bên em, Không phải dạng vừa đâu, Cô dâu 8 tuổi…
Bàn luận về vấn đề này, không ít chuyên gia, người làm truyền thông đưa ra ý kiến phân tích về việc sử dụng internet tại Việt Nam.
Dân mạng Việt phần lớn là giới trẻ
Hầu hết các ý kiến cho rằng, con số do Google đưa ra rất hợp lý. Thực tế, phần đông người sử dụng Internet tại Việt Nam đều là người trẻ tuổi, có nhu cầu tìm hiểu các vấn đề giải trí cao hơn.
Trong khi đó, tại nước ngoài, tỷ lệ sử dụng Internet phân bố đều ở mọi lứa tuổi. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả đưa ra nghiêng hoàn toàn về mặt tìm kiếm lĩnh vực giải trí.
Theo Aiden Nguyễn (trưởng nhóm St.319, đang theo đuổi và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giải trí), việc sử dụng các công cụ tìm kiếm trên Google hiện nay bất kể ở các vùng nông thôn hay thành thị phần lớn thuộc về các bạn trẻ. Bởi vậy, không khó hiểu khi đó là điều quan tâm nhất của những người ở độ tuổi này.
Xét một ví dụ cụ thể, trong danh sách tìm kiếm này, có đến 3 kết quả là sản phẩm của Sơn Tùng MTP – chàng trai thuộc thế hệ 9X có gương mặt nổi bật, gu thời trang tốt và giọng hát hay. Đối tượng hâm mộ nam ca sĩ cũng là những người thuộc thế hệ trẻ, coi giải trí là nhu cầu thiết thực của đời sống.
Chàng thủ lĩnh sinh năm 1992 cũng cho rằng, những mối quan tâm này còn phụ thuộc vào việc được giáo dục như thế nào.
‘Ở nước ngoài, họ có những cách thức rất hay để giúp con em hướng tới cái họ muốn dạy, không cần ép buộc. Mọi nhu cầu học hỏi đều xuất phát từ sở thích của trẻ, thay vì dọa nạt, đưa ra hình phạt khi không hoàn thành mục tiêu người lớn đưa ra. Điều này ảnh hưởng lớn tới mối quan tâm của giới trẻ trong quá trình phát triển nhận thức’ – Aiden cho biết.
So sánh giữa mối quan tâm của giới trẻ Việt với người cùng độ tuổi ở các nước phương Tây, Aiden chia sẻ, những bạn trẻ ngoại quốc cũng quan tâm rất lớn tới ngành giải trí. Tuy nhiên, đúng với mục đích giải trí, họ xem đó như cách giúp tinh thần thoải mái sau mỗi giờ học, làm việc căng thẳng mà không lưu tâm quá nhiều tới vấn đề giải trí ngắn hạn, không có chiều sâu.
Đồng ý kiến với chàng thủ lĩnh trẻ, blogger Nguyễn Ngọc Long cho rằng, số liệu do Google thống kê đủ sức nặng cho thấy sự quan tâm của đa số người dân Việt Nam khi sử dụng Internet. Song kết quả này không nhất thiết phản ánh đầy đủ.
>> Xem thêm tin pháp luật mới nhất tại Tintuc.vn
Anh chia sẻ, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra giới trẻ có xu hướng dịch chuyển từ đọc báo truyền thống qua cập nhật tin tức trên Facebook. Đối tượng dùng mạng xã hội này chủ yếu là người trẻ. Bởi vậy, bảng kết quả đủ để kết luận rằng, giới trẻ đang dành sự quan tâm quá nhiều cho giải trí.
Dưới góc độ nghiên cứu truyền thông, anh lý giải, những người thuộc thế hệ trẻ sẽ có rất nhiều mối bận tâm xung quanh cuộc sống – từ tình dục, giải trí (bao gồm phim ảnh, ca nhạc, thời trang…), học tập, ăn uống cho đến các vấn đề chính trị, xã hội, thể thao, sức khoẻ, môi trường… Trong đó, mối quan tâm sẽ được chia theo dạng thường trực, có tính chu kỳ hay bất chợt.
‘Tôi nghĩ, tình dục, giải trí, ăn uống luôn là mối quan tâm lớn. Vậy nếu không phải từ khoá ‘sex’ mà là ‘Sơn Tùng’ được tìm kiếm nhiều nhất thì cũng không có gì quá khó để dự đoán, và thực ra cũng đáng mừng!’ – anh chia sẻ.
Còn với Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh (giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM), Việt Nam là quốc gia đang phát triển. Trong nhiều năm trở lại đây, đời sống vật chất của người dân được nâng cao. Theo đó, khi cuộc sống cải thiện, con người sẽ tự hướng tới những nhu cầu hưởng thụ cá nhân. Một trong số đó là giải trí.
Truyền thông tập trung mạnh vào giải trí
Bên cạnh kết quả khảo sát tại Việt Nam, thống kê của Google cũng cho thấy, tỷ lệ sử dụng Internet ở các nước khác. Phần lớn người dân Singapore quan tâm đến chính trị – xã hội, công nghệ và thể thao. Người Nhật Bản bận tâm đến sức khỏe. Hay như Hàn Quốc là một trong những đất nước có nền giải trí phát triển mạnh, nhưng con số thống kê đưa ra cũng dàn trải đều trong nhiều lĩnh vực.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Minh phân tích, người Việt Nam luôn có xu hướng tìm tòi, nghiên cứu những vấn đề xung quanh cuộc sống. Tuy nhiên, do nhận thức của phần đông lớp trẻ chưa cao, họ không biết điều gì thực sự cần thiết cho sự phát triển nhận thức sau này. Đặc biệt trong tình trạng thông tin nhiễu loạn, họ dễ bị sa đà vào những thứ giải trí, thư giãn.
‘Điều này không thể trách cá nhân người trẻ, cũng do định hướng từ gia đình, khi thường chỉ biết lên án, đưa ra các hình phạt, mà không hề tìm giải pháp khắc phục, định hướng lối sống’ - bà cho biết.
Sự phát triển của truyền thông hiện nay cũng thiên về yếu tố giải trí. Mỗi cuộc thi hoa hậu, hay việc ra mắt các sản phẩm âm nhạc, bộ phim, thậm chí nhất cử nhất động của người nổi tiếng đều được săn đón.
Thậm chí, một trong những hình thức thúc đẩy sự phát triển của giải trí là việc gửi tin nhắn, thông báo đến điện thoại có hỗ trợ chức năng truy cập Internet, giúp người dân dễ dàng bị kích thích sự tìm hiểu về lĩnh vực này.
Aiden Nguyễn cho rằng, bên cạnh các bài báo về showbiz được đăng tải khoa trương, những bài mang nội dung chính trị, sức khỏe lại thường mờ nhạt và thiếu hấp dẫn, khó hiểu nên ít dành được sự quan tâm từ đông đảo cư dân mạng.
Chàng trai sinh năm 1992 nhấn mạnh, nhận thức và văn hoá của người dân Việt Nam còn đè nặng vấn đề quan tâm tới ‘chuyện nhà hàng xóm’hơn ‘chuyện của đất nước và thế giới’. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến kết quả 100% thiên về giải trí như Google vừa thống kê.
Thực tế cho thấy, những người lớn tuổi Việt Nam còn chưa có thói quen tìm kiếm thông tin trên mạng. Trước mỗi vấn đề, họ thường đặt niềm tin vào những cuốn sách, tài liệu được soạn thảo kỹ càng, có nguồn gốc cụ thể và được nghiên cứu từ người có tên tuổi. Cho nên, không khó hiểu khi thuật ngữ về sức khỏe, chính trị… lại ít xuất hiện trên trend của Google Việt.
Suy cho cùng, nhu cầu thị hiếu của người dân một nước đã ăn sâu vào tiềm thức chung xã hội rất khó thay đổi. Tuy nhiên, theo đánh giá của blogger Nguyễn Ngọc Long, điều này không có gì đáng lo ngại. Bởi những từ khoá đầu bảng chỉ cho thấy đâu là mối quan tâm thường trực, không thể hiện tương quan với các mối quan tâm khác là đi lên hay đi xuống.
‘Nếu mang ra so sánh, nó giống như việc nói rằng ‘cô giáo này không nổi tiếng bằng Hồ Ngọc Hà’ – như vậy là khập khiễng. Nếu ai thực sự cần, có thể tự phân loại các từ khoá tìm kiếm theo các ‘mối quan tâm’ tôi gợi ý ở trên để đo lường sự thay đổi theo từng năm.
Thí dụ từ khoá ‘biến đổi khí hậu’ năm ngoái được tìm kiếm 10 triệu lần, năm nay được tìm kiếm 20 triệu lần, chứng tỏ sự quan tâm đến vấn đề này đã được cải thiện. Đừng mang con số 20 triệu lần tìm kiếm ‘biến đổi khí hậu’ so với 200 triệu lần tìm kiếm từ khoá ‘Sơn Tùng’ rồi bi quan một cách… hơi vô lý!’ – nam blogger bày tỏ.