Vượt rào tắm miễn phí, người Việt cuồng vì sạch sẽ?

Posted on at


(Tin nhanh)Hàng ngàn người đã đổ về Công viên nước Hồ Tây ngày hôm qua để được tắm miễn phí, khi công viên quá tải, họ trèo rào.

 

Ngày chủ nhật hôm qua, Hà Nội tương đối oi bức, lại thêm quyết định mở cửa miễn phí vé vào cửa Công viên nước Hồ Tây trong vòng 2 tiếng đồng hồ từ 8 đến 10 giờ sáng nên lượng người đổ về lại càng đông.

 

Cho đến 9h15 phút thì phía trong công viên đã quá tải, bể bơi mini cũng có hàng trăm trẻ em đứng ken đặc, người vào thì mỗi lúc một đông nên ban quản lý công viên quyết định đóng cửa ngừng phục vụ khách.

 

Lúc này thì bắt đầu xảy ra hiện tượng “vỡ trận” như một tờ báo đã dùng từ rất chính xác. Cửa bị khóa lại, hàng ngàn người bị đứng ở phía ngoài, trời thì oi bức khiến cho họ đi đến quyết định: trèo rào vào trong để tắm.










Trèo rào tắm miễn phí tại Công viên nước ngày 19/04.

Thôi thì một cảnh tượng vô cùng bi hài, nam thanh nữ tú, váy vóc dài ngắn, áo bơi mặc sẵn cũng bất chấp hết, trèo lên rào để mặc cho người đứng dưới thoải mái ngắm... nội y.

 

Có gia đình trèo lên nóc buồng bán vé, truyền tay bế trẻ con qua hàng rào mặc cho chúng khóc thét vì sợ hãi. Có ông bố yêng hùng hơn, một tay cắp con chưa đầy tuổi, một tay trèo rào.

 

Bất chấp sự ngăn cản của bảo vệ, bất chấp mọi cảnh báo hiểm nguy, đám đông trèo rào này đã quyết là làm, họ đến để được tắm miễn phí, vì thế không thể ra về khi người đang khô.

 

Thưa quý bạn đọc, nghĩ vừa giận lại vừa thương cho đám đông phát cuồng vì đồ miễn phí này. Cứ chỗ nào có cái chữ “miễn phí” là y như rằng, chúng ta được chứng kiến bao chuyện cười ra nước mắt.

Ở chỗ phát áo mưa miễn phí, người ta trèo lên đầu lên cổ nhau, ở chỗ đổi mũ bảo hiểm miễn phí, người ta đạp lên nhau để giành lấy cho mình bằng được. Ở chỗ phát đồ ăn miễn phí, người ta đứng chờ chực làm tắc nghẽn cả con đường.

 

Những người trèo rào vào để tắm miễn phí ấy, có phải cả năm họ không được tắm không? Họ ưa sạch sẽ đến thế sao? Những người khác, họ quá thiếu áo mưa, thiếu mũ hay một bữa ăn miễn phí, liệu có phải không?

 

Chưa chắc họ đã thiếu thốn tới mức ấy đâu thưa bạn đọc, nhưng họ vẫn chen hối hả, chen nhiệt tình, chen tới mức giẫm lên người khác, rất đáng thương.

 

Cái chính là chúng ta đều phải thấy những câu chuyện này là nỗi xấu hổ chung của người Việt, lấy nó để giáo dục con cháu mình về lòng tự trọng. Nếu không quá đói khổ thiếu thốn, hãy nhường nó cho người khác còn khó khăn hơn, làm sao phải chen chúc, giành giật, chờ chực tới mất cả tư cách con người như vậy?

 

Lòng tự trọng của chúng ta phải chăng rẻ rúng hơn cả một bữa tắm miễn phí, một cái áo mưa, một cái bánh mì kẹp thịt?

 

Những ứng xử của cộng đồng ở nơi công cộng là sự phản chiếu rõ nhất tầng mức văn minh và tiến hóa của cộng đồng ấy. Chúng ta đang là ai, là hạng người gì khi vẫn hành xử như vậy?

 

Chúng ta luôn có những đám đông không biết xếp hàng, không biết giữ trật tự, đi đến đâu cũng chen lấn xô đẩy, nháo nhác thật đáng thương. Có phải thời chiến tranh nữa đâu mà lúc nào cũng vội vã, tranh thủ, tất bật?


 

Giáo sư Trịnh Cường (Trung Quốc) đã cay đắng khi nói về dân tộc của ông: “Mọi người đều cười người Nga, nhưng tôi biết nước Nga sau này sẽ phát triển, vì ở đó người ta dù bị đói 2 ngày thì vẫn xếp hàng, còn chúng ta dù chỉ có 2 người thì cũng chen lấn đến mức không thể đóng cửa xe bus”.

Hay: “Cho dù sau này Trung Quốc phát triển, nhưng các bạn hãy nhìn những triệu phú lái xe đắt tiền, rồi mở cửa xe để nhổ đờm vứt rác. Các bạn sẽ hiểu rằng, nếu không có giáo dục, Trung Quốc giàu có đến mấy cũng không thể lớn mạnh”.

 

Chữ “giàu” không bao giờ đi song hành với chữ “sang” nếu con người không có giáo dục. Và thật đáng buồn khi chúng ta nhận thấy, đa phần người Việt ngày càng có nhiều điểm tương đồng với người Trung Quốc.

 

Bao giờ thì người Việt trưởng thành? Bao giờ hết những đám đông chen lấn vì đồ miễn phí? Bao giờ hết những cơn cuồng nộ vì một buổi tắm miễn phí?

 

Xin hãy nói về điều đó, thật nghiêm túc với những đứa trẻ xung quanh bạn.

 

Chúng ta hãy làm điều này vì một thế hệ người Việt trưởng thành trong tương lai.


About the author

160